Xin chào các mẹ :) Trong Chuyện Ở Cữ Phần 1 các mẹ đã biết về việc ăn uống, nằm than, tắm gội sau sinh sao cho đúng… Phần 2 này chúng ta sẽ tiếp tục với các chủ đề: Mẹ sau sinh có được nằm máy lạnh, điều hòa, có được sử dụng điện thoại khi ở cữ? Mẹ có được làm đẹp ngay không? Khi ốm mẹ có được uống thuốc và giải đáp những thắc mắc cần thiết khác. Các mẹ cùng tìm hiểu để chuẩn bị ở cữ đúng cách, khoa học và thoải mái. Cũng như giải tỏa những áp lực không cần thiết để mẹ bỉm an tâm nghỉ ngơi và chăm sóc con nhé.
Cùng các Mẹ bỉm sữa khác tâm sự, chia sẻ và thảo luận sôi nổi về các chủ đề chăm sóc và nuôi dạy con tại Cộng Đồng Mẹ Việt. Tham Gia Ngay!
Mục Lục Bài Viết
Sau Sinh Có Được Nằm Máy Lạnh, Điều Hòa?
Đây là nỗi băn khoăn rất thực tế của nhiều mẹ, nhất là các mẹ sinh vào mùa hè. Trời nóng như thiêu đốt. Lớp mồ hôi lớp mùi sữa “thơm nồng” mà không được nằm máy lạnh thì đúng cực hình. Các bà thì khuyên không nên nằm vì sợ mẹ nhiễm lạnh, con bị ho, viêm hô hấp, viêm phổi,… Vậy thực hư chuyện kiêng cữ này là như thế nào!
Thực tế sau sinh mẹ vẫn nằm máy lạnh, điều hòa được bình thường nhé. Nhiệt độ mát mẻ giúp mẹ thoải mái, dễ chịu, con ngủ ngon giấc hơn nhiều. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, mẹ lưu ý cách sử dụng như sau:
- Nhiệt độ mát mẻ, không quá lạnh, tầm 27-29 độ C.
- Duy trì độ ẩm trung bình trong phòng.
- Hướng cánh quạt, luồng gió điều hòa không phả thẳng vào chỗ nằm của 2 mẹ con.
- Không nên sử dụng máy lạnh liên tục. Thời tiết bên ngoài mát mẻ thì nên mở cửa phòng để lưu thông không khí.
Vậy là ở cữ đúng cách mẹ an tâm nằm máy lạnh, điều hòa những ngày nóng nhé. Cơ thể có dễ chịu thì tinh thần mẹ mới thoải mái, tập trung chăm sóc tốt cho bé được.
Những cách chăm sóc em bé sơ sinh trong tháng đầu tiên này mình cũng đã chia sẻ qua các bài viết. Các mẹ đọc chi tiết để có kinh nghiệm chăm sóc con thật tốt từ những ngày đầu sau sinh nhé:
Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – 1 Ngày Tuổi
Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – 10 Ngày Tuổi
Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – 1 Tháng Tuổi
Ở Cữ Có Được Dùng Điện Thoại?
Các mẹ thường được khuyên sau khi sinh không nên sử dụng điện thoại. Vì sẽ làm suy giảm thị lực nhanh chóng, mỏi mắt, mờ mắt. Sóng điện thoại còn không tốt cho thần kinh của mẹ và bé,…
Hiện nay vẫn chưa có thống kê cụ thể về tác hại của điện thoại đối với các mẹ sau sinh. Nhưng rõ ràng là mẹ cũng nên hạn chế vì cần tranh thủ nghỉ ngơi nhiều để nhanh hồi sức. Mẹ nhìn điện thoại, mắt thường xuyên phải điều tiết rất dễ bị mỏi và mờ. Thêm nữa, chẳng phải giờ đây mẹ còn có một em bé luôn trông ngóng và cần chăm sóc đấy sao ^^.
Nếu vậy có phải mẹ cần kiêng điện thoại tuyệt đối???
Sự thật là không phải như vậy. Ở cữ đúng cách, mẹ dùng điện thoại hợp lý là được. Mẹ có thể giải trí, kết nối bạn bè một khoảng thời gian ngắn trong ngày. Đặc biệt sau sinh nhiều mẹ còn bối rối với việc chăm con, cần tìm hiểu update thêm kiến thức. Thì việc dùng điện thoại, hay đọc sách là rất cần thiết.
Vì chỉ cần hạn chế thời lượng nhìn vào màn hình điện thoại. Mẹ hoàn toàn có thể bật kênh youtube của Mẹ Việt lên, nghe chia sẻ kiến thức trong các chuyên mục: chăm sóc con, sức khỏe cho mẹ,… Hoặc truy cập kênh podcast âm thanh mẹ Việt để nghe sách chủ đề chăm sóc, nuôi dạy con. Sử dụng điện thoại theo cách này vừa giúp bảo vệ đôi mắt, vừa hiệu quả, giúp mẹ tự tin nuôi con.
Ngoài ra, mẹ cũng cần xem Kiêng cữ cần thiết sau sinh.
Tham gia thảo luận về những quan niệm ở cữ, mẹ nên làm và không nên làm khi ở cữ TẠI ĐÂY nhé!
Chuyện Làm Đẹp Trong Tháng Cữ
Sau khi vượt cạn, em bé ra đời nhưng vô tình “để quên toàn bộ di sản” trong bụng mẹ. Nhìn lại mình lúc này bụng đầy ngấn mỡ, vết rạn chằng chịt, đùi to, tóc tai bết dính bù xù @@ Nhiều mẹ trở nên tự ti và muốn nhanh chóng lấy lại vóc dáng xưa.
Nhưng bình tĩnh nào các mẹ ơi. Thời gian này mẹ nên tập trung ăn uống đủ chất. Đảm bảo sức khỏe hồi phục và đủ sữa cho con bú. Mẹ thấy đấy, cơ thể chúng ta mất đến 9 tháng 10 ngày để thích nghi với một em bé trong bụng. Thì cơ thể cũng cần thời gian để trở lại như xưa. Các mẹ có quyền làm đẹp nhưng đừng quá vội vàng. Mẹ nên tìm hiểu kỹ và ưu tiên những cách làm không ảnh hưởng đến nguồn sữa và sức khỏe của mẹ và bé nhé.
Đa phần các biện pháp làm đẹp như quấn rượu gừng ở bụng, xông hơi, đai nịt bụng,… Chỉ được sử dụng khi hết sản dịch và vết mổ lành miệng. Còn việc massage thì rất ok đấy, có thể giúp mẹ thư giãn, đỡ mỏi mệt nhiều. Đồng thời cũng giúp đánh tan mỡ bụng và giảm vòng eo nhanh chóng. Mẹ có thể áp dụng nhé. Bôi dầu dừa để làm mờ các vết rạn hoặc dùng kem chống rạn da an toàn cũng được.
Mẹ có thể cắt tóc ngắn để đỡ mất công gội đầu lâu. Nhưng trong suốt thời gian cho con bú không nên làm tóc, nhuộm, uốn tóc, sơn móng tay,… Vì hóa chất sử dụng trong quá trình này ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Chuyện làm đẹp thì mẹ chú ý như vậy, còn chuyện ăn uống chi tiết sau sinh mẹ xem ở đây nhé: Mẹ sau sinh nên ăn gì, Mẹ sau sinh nên kiêng ăn gì?
Bé Trong Tháng Không Được Ra Ngoài???
Theo quan điểm truyền thống, các bà thường khuyên em bé trong tháng phải kiêng cữ không nên ra ngoài. Có thể nhiều mẹ nghĩ điều này hơi bí bách cho con nhưng thực ra là hợp lý đấy. Không chỉ bé trong tháng đâu, mà vài tháng đầu sau sinh các em bé thích được ở trong không gian quen thuộc như căn phòng, căn nhà của mình. Con cảm thấy an toàn, thân thuộc sẽ yên tâm, không quấy khóc. Nhưng thi thoảng mẹ có thể bế con ra ngoài, đi dạo một chút vào những ngày mát mẻ. Cho bé hít thở không khí trong lành tốt cho sự phát triển của trẻ nhé.
Nhiều nơi vẫn giữ phong tục đánh dấu tròn trên trán (dùng son, nhọ nồi) khi bé đi tiêm chủng ^^. Ông bà ngày xưa lý giải là đánh dấu để ông Táo trong bếp biết và luôn theo bảo vệ bé. Thực ra hành động này mang ý nghĩa trấn an ông bà nhiều hơn là tác dụng bảo vệ trẻ. Vì thế các mẹ dùng cũng được. Nhưng nhớ bôi những thứ đảm bảo vệ sinh tránh dị ứng da con và vệ sinh sạch sẽ sau đó.
Những ba mẹ sinh xong thì có kế hoạch về ông bà nội, ông bà ngoại ở xa. Bé 7 ngày tuổi trở lên, sinh đủ tháng và khỏe mạnh là đủ điều kiện đi máy bay rồi. Khi lên máy bay, mẹ nhớ chuẩn bị khăn choàng cho bé bú. Lúc máy bay cất và hạ cánh bé dễ bị ù tai. Cho bé bú sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu và không quấy khóc đấy.
Sách và đồ chơi thông minh cho bé 0 tháng tuổi đánh thức các giác quan nhạy bén: TÌM HIỂU THÊM
Mẹ Bị Cảm Có Nên Uống Thuốc?
Thời gian ở cữ nếu chẳng may bị cảm, mẹ không nên tự uống thuốc tây. Theo dân gian thì nên đánh cảm, cạo gió cho nhanh khỏi. Điều này có đúng không?
Thực tế là thuốc tây có thể làm giảm nguồn sữa mẹ hay ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Vì thế mẹ bỉm được khuyên không nên tự uống thuốc là đúng. Nhưng sức khỏe của mẹ sau sinh còn yếu, không nên dùng các cách đánh cảm, cạo gió. Vì những cách này có thể gây nên những tình trạng trầm trọng hơn.
Cách xử lý đúng nhất khi mẹ cảm nhẹ nên uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, xông hơi. Mẹ có thể xông hơi với nồi nước lá xông thảo dược hay các loại lá hái vườn nhà (bạch đàn, sả,…). Có dấu hiệu nghẹt mũi, chảy mũi thì nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Mẹ kết hợp tăng cường sức đề kháng bằng cách đảm bảo dinh dưỡng đủ chất. Có thể sử dụng các bài thuốc trị cảm từ gừng, chanh đào, quất,…
Nếu cần uống thuốc tốt nhất nên đi khám bác sĩ và nhớ nói rõ mẹ vừa sinh em bé hay đang cho con bú. Bác sĩ sẽ kê thuốc dành riêng cho phụ nữ đang cho con bú để không ảnh hưởng nguồn sữa và con. Mẹ nhớ nhé, các loại thuốc bổ sung vitamin khoáng chất cho mẹ sau sinh mẹ có thể sử dụng. Các loại thuốc khác thì luôn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Vận Động Sau Sinh
Sinh xong bỗng dưng mẹ phải kiêng khem đủ đường. Các bà kỹ tính thường không cho mẹ ngồi cho con bú vì “ngồi nhiều về già đau lưng đấy”. Nghe cũng có lý đấy nhưng không lẽ mẹ cho con bú nằm toàn tập!!!
Thực ra, những mẹ nào sau sinh ngồi nhiều cảm thấy đau lưng thì nên hạn chế. Còn mẹ nào ngồi được và cảm thấy thoải mái với tư thế cho con bú thì cứ thực hiện. Nếu cố ngồi sẽ đau buốt, tê tái, cảm tưởng như cái lưng gãy làm đôi mẹ nhỉ.
Sinh tập đầu mình cũng đau lưng lắm. Nhưng ở cữ sau sinh bé thứ 2, mình chuẩn bị kỹ càng nên không còn tình trạng ấy nữa. Mẹ nào đau lưng nhiều thì nhắn tin cho mình trong group. Mình sẽ hướng dẫn mẹ các bài tập tăng cường sức khỏe để đẩy lùi các cơn đau.
Ngoài ra, ở cữ đúng cách mẹ cũng không nên vận động mạnh, bưng bê vật nặng, làm việc nhiều. Cần hạn chế lên xuống cầu thang, tốt nhất là thời gian đầu mẹ và bé nên ở tầng trệt. Thời gian này mẹ chỉ nên vận động nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến vết chỉ, vết mổ. Nhiệm vụ chính của mẹ lúc này là nghỉ ngơi nhiều, tạo sữa cho bé và chăm sóc bé thật tốt. Những việc khác có thể làm sau hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của ông bà hay bố của bé nhé.
Ở Cữ Có Được Đánh Răng?
Có mẹ nào thử đánh răng sau sinh không nhỉ? Cảm giác ê răng, nhuốm lạnh cả người luôn phải không nào. Nhưng đã mấy chục thanh xuân đánh răng như ăn cơm bữa, nay 1 tháng không đánh… Cảm giác thật là ba chấm!!! hihi
Sinh xong đánh răng hay bị ghê răng, ê buốt là do vấn đề về sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân phổ biến là do mẹ thiếu hụt canxi (lúc mang thai con lấy canxi từ cơ thể mẹ). Cũng có thể do vệ sinh răng miệng không tốt hay mẹ mắc các bệnh lý về răng miệng.
Nếu tháng ở cữ mẹ tiếp tục không đánh răng sẽ làm các vấn đề răng miệng trầm trọng hơn. Nếu mẹ phải uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến nguồn sữa của con. Vì thế, dù ở cữ mẹ cũng cần chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng đúng cách. Cụ thể:
- Đánh răng, súc miệng bằng nước ấm.
- Kết hợp với súc miệng bằng nước muối loãng.
- Tránh ăn các thức ăn quá nóng, lạnh, chua, cay.
- Bổ sung canxi đầy đủ.
Như vậy, không phải ở cữ là phải kiêng đánh răng cả tháng. Mà chính xác là cần chăm sóc răng miệng đúng cách như trên các mẹ nhé!
Ở Cữ Bao Lâu?
Theo quan điểm truyền thống thì thời gian ở cữ cũng không giống nhau. Có nơi chỉ cần ở cữ 1 tháng, có nơi phải tận 3 tháng. Trong tháng ở cữ các mẹ thường phải kiêng khem rất khổ sở nên rất mong cửa ải này qua mau. Vậy thời gian ở cữ bao lâu là phù hợp?
Thực ra, chủ yếu là mẹ cảm nhận cơ thể phục hồi tốt thì có thể sinh hoạt bình thường. Khi hiểu rõ về ý nghĩa của việc ở cữ thì thời gian cần ở cữ không còn quá khắt khe nữa. Ở nước ngoài, mẹ sau sinh 1-2 ngày đã có thể vừa chăm con vừa làm việc nhà đơn giản. Ở mình cũng thế, có mẹ nhanh thì chỉ vài ngày sau sinh đã khỏe trở lại. Nhưng có mẹ sức khỏe yếu sẽ cần thời gian nhiều hơn để phục hồi sức lực sau vượt cạn.
Ở cữ đúng cách, mẹ không nên bám vào lịch cố định, nhiều khi sẽ hạn chế bản thân mình. Chúng ta là các mẹ bỉm sữa 4.0 cơ mà. Mạnh mẽ, năng động và với sự hỗ trợ của Mẹ Việt, chúng ta có đủ tự tin chăm sóc bản thân và chăm con khoa học các mẹ nhé ^^.
Chuyện Vợ Chồng Sau Sinh
Đây là thắc mắc thầm kín mà các mẹ không biết tỏ cùng ai. Tham khảo thông tin trên mạng thì nhiều luồng ý kiến khiến mẹ càng thêm hoang mang. Vậy chuyện “vợ chồng” sau sinh như thế nào là hợp lý?
Thực ra thời điểm gần gũi lại sau sinh của các cặp vợ chồng không giống nhau. Điều này tùy thuộc vào thời gian cơ thể phục hồi và tâm lý mẹ sẵn sàng hay chưa.
Các bác sĩ đều khuyên không quan hệ tình dục ngay sau khi vừa sinh. Vì có thể tác động trực tiếp làm rách vết chỉ, vết mổ rất nguy hiểm. Nội tiết tố Mẹ cần ít nhất 4 tuần (đối với sinh thường) – 6 tuần (sinh mổ) cơ thể mới sẵn sàng trở lại. Tuy nhiên, một số mẹ sẽ cần nhiều thời gian hơn. Do đó, không có khung thời gian chung cho tất cả mọi người. Mẹ có thể tham khảo mốc ở trên kết hợp với cảm nhận cơ thể mình nhé.
Về tâm lý, có mẹ lo sợ sức khỏe, có mẹ vì quá căng thẳng hay kiệt sức vì chăm con. Mẹ sẽ muốn trì hoãn thời gian bắt đầu trở lại. Mẹ hãy chia sẻ những khó khăn này với chồng. Không có gì bằng việc vợ chồng hiểu nhau, vậy nên các mẹ đừng giữ trong lòng chịu đựng một mình nhé :) Và rõ ràng chăm sóc con là trách nhiệm của cả bố và mẹ. Tuy nhiên, bố càng đỡ đần mẹ nhiều hơn, mẹ sẽ càng giải tỏa được áp lực, đỡ mệt mỏi. Có như thế tâm lý mẹ mới nhanh sẵn sàng được nha.
Kết Luận
Các thắc mắc về chuyện ở cữ của các mẹ đã được giải đáp hết chưa nhỉ ^^. Trên đây mình đã cố gắng nêu lên các vấn đề nổi bật nhất. Giúp các mẹ ở cữ đúng cách. Không chỉ giúp mẹ hồi phục sức khỏe thể chất mà tinh thần cũng được thoải mái. Tinh thần thoải mái rồi mới chăm con tốt được phải không nào. Nếu còn khúc mắc gì việc ở cữ hay bất kỳ chủ đề về chăm sóc, nuôi dạy con. Các mẹ hãy bình luận bên dưới nhé, mình sẽ phản hồi sớm để giúp mẹ tự tin chăm con.
P/s: Chia sẻ với các mẹ kênh youtube Mẹ Việt với chuyên mục kiến thức dành riêng cho mẹ. Cùng xem để có thêm nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con bổ ích các mẹ nhé!
- Hành trình 4 tháng mẹ dạy con tăng động giảm chú ý tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Mười Một 9, 2024
- Quả ngọt 9 tháng mẹ can thiệp cho con tăng động giảm chú ý học lớp 1 học tốt - Tháng Sáu 6, 2024
- Bài Test Sàng Lọc Tự Kỷ M-Chart-R (dành cho trẻ từ 16-30 tháng tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Mức Độ Tự Kỷ Của Trẻ CARS (dành cho trẻ trên 2 tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 25-30 tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 55-60 tháng - Tháng Năm 4, 2023