Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em – bản thân tên gọi đã đủ làm nhiều mẹ đứng ngồi không yên. Quá trình hơn 3 năm tư vấn rất nhiều mẹ có con mắc sốt xuất huyết, mình nhận ra hai điều. Một là bệnh sốt xuất huyết không hề đáng sợ nếu chúng ta biết đầy đủ về nó. Hai là các mẹ đôi khi vì lo lắng thái quá mà mất bình tĩnh, dẫn đến những sai lầm trong chăm sóc. Và thực tế là tất cả các mẹ ở điều 2 khi hiểu rõ về bệnh ở điều một đã yên tâm và tự tin chăm sóc con mau khỏe. Vì vậy, những mẹ đang nuôi con nhỏ nên đọc bài viết này để chủ động chăm sóc khi con bệnh nhé!
Bệnh sốt xuất huyết thường làm các mẹ lo lắng vì nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Bất kỳ bệnh nào đều có những thông tin then chốt giúp mẹ xác định cách chăm sóc con tốt. Đối với bệnh sốt xuất huyết, những điều mẹ cần biết rõ là:
- Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là gì?
- Nhận biết sớm dấu hiệu bé bị sốt xuất huyết.
- Điều trị bệnh cho trẻ như thế nào?
- Cách chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà.
Chúng ta sẽ lần lượt giải quyết từng vấn đề một trong bài viết này nhé.
Mục Lục Bài Viết
Bệnh Sốt Xuất Huyết Ở Trẻ Em Là Gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra và muỗi vằn đóng vai trò là trung gian truyền bệnh. Muỗi lây lan virus bằng cách truyền từ người bệnh sang người khỏe qua vết đốt. Trẻ bị nhiễm virus từ muỗi sẽ ủ bệnh trong 4-6 ngày rồi bắt đầu sốt cao trên 39°C.
Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em chia làm 3 giai đoạn gồm khởi phát, nguy hiểm và phục hồi. Trong đó giai đoạn nguy hiểm bệnh thường diễn tiến nặng bất ngờ làm mẹ không kịp trở tay. Nhưng mẹ biết không, luôn có những dấu hiệu cảnh báo trước khi con thực sự gặp nguy hiểm đấy. Giai đoạn này cần nhất là mẹ bình tĩnh quan sát để nhận biết các dấu hiệu biến chứng. Chỉ cần mẹ biết cách “đọc” các dấu hiệu ấy, con sẽ luôn được an toàn mẹ nhé!
Nhận Biết Sớm Dấu Hiệu Bé Bị Sốt Xuất Huyết
Như đã nói ở trên bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em gồm 3 giai đoạn: khởi phát, nguy hiểm và phục hồi. Mình chia 3 giai đoạn này theo thời gian và diễn biến bệnh đặc trưng để mẹ dễ theo dõi.
3 Ngày Đầu – Khởi Phát
Dấu hiệu bé bị sốt xuất huyết mẹ có thể nhận diện sớm trong giai đoạn này là:
Sốt cao 39-40°C hoặc hơn: sốt xuất huyết đặc trưng bởi sốt cao khó hạ. Dù mẹ đã cho trẻ uống thuốc hạ sốt, nhiệt độ vẫn không hạ là bao. Trẻ sốt liên tục kéo dài ít nhất 3 ngày khiến mẹ vô cùng lo lắng.
Phát ban: xuất hiện các nốt mẩn đỏ ẩn dưới da. Nhiều bệnh sốt cũng có phát ban. Mẹ phân biệt phát ban của sốt xuất huyết bằng cách đơn giản sau. Mẹ dùng ngón cái và ngón trỏ, đặt vào hai bên nốt ban rồi kéo căng. Nốt ban của sốt xuất huyết không biến mất hoặc biến mất rồi xuất hiện lại sau 2 giây. Ban nổi lên sẽ tự lặn sau 2-3 ngày, vài ngày sau có thể nổi tiếp một lần nữa.
Chảy máu chân răng: biểu hiện xuất huyết này chỉ xảy ra ở bệnh sốt xuất huyết. Các bệnh sốt khác không có đâu mẹ nhé.
Nhức đầu, đau hốc mắt, đau các khớp: dấu hiệu này mẹ dễ dàng xác định ở các trẻ lớn vì con có thể mô tả rõ ràng. Với trẻ nhỏ, đôi khi con chỉ thể hiện qua những biểu hiện chung chung:
- Mệt mỏi, quấy khóc.
- Bỏ bú, chán ăn.
- Buồn nôn, nôn trớ nhiều.
Nhận biết sớm triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em giúp mẹ chủ động phòng tránh các tình huống nguy hiểm. Vì vậy, mẹ hãy quan sát thật kỹ để tìm ra các dấu hiệu đó nhé. Nếu mẹ chưa chắc chắn về các biểu hiện mẹ có thể tham khảo chia sẻ thực tế của các mẹ khác trong Cộng Đồng Mẹ Việt.
Ngày 3 Đến Ngày 7 – Nguy Hiểm
Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em từ ngày 3 – ngày 7 có thể nguy hiểm. Mẹ quan sát diễn biến bệnh của trẻ liên tục nhé.
Các dấu hiệu bé bị sốt xuất huyết có thêm:
- Dịch tràn phổi khiến bé sưng phù ở bụng, đau bụng dữ dội.
- Phù nề vùng ổ mắt.
- Xuất huyết nghiêm trọng: chảy máu mũi, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Xuất huyết tiêu hóa: phân lẫn máu, phân đen, nôn ói nhiều, tiểu ra máu.
- Tụt huyết áp.
- Đầu và chân tay lạnh.
- Khó thở.
Ngay khi nhận ra những dấu hiệu này, mẹ ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu. Biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết bao gồm xuất huyết ồ ạt, giảm huyết áp đột ngột, suy tuần hoàn, trụy tim, nguy cơ tử vong cao. Khi có tình huống khẩn cấp, bác sĩ có chuyên môn với thiết bị y tế hỗ trợ kịp thời sẽ đảm bảo con luôn được an toàn.
Các mẹ được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà phải luôn theo dõi trẻ 24/24. Riêng bệnh sốt xuất huyết mình phải nhắc thêm các mẹ. Giai đoạn này trẻ vẫn sốt cao hoặc bắt đầu hạ sốt. Tuy nhiên, biến chứng vẫn có thể xảy ra ngay cả lúc con đã hạ sốt. Vì thế mẹ không nên chủ quan mà vẫn phải theo sát tình trạng của trẻ liên tục cho đến giai đoạn phục hồi.
Tuy nhiên giai đoạn này con không xuất hiện các triệu chứng trên là tín hiệu đáng mừng mẹ nha. Mẹ có thể thở phào nhẹ nhõm vì con chỉ bị bệnh nhẹ và sẽ sớm hồi phục thôi.
Ngày 7 Đến Ngày 10 – Phục Hồi
Cuối cùng mẹ cũng có thể trút bỏ hòn đá tảng trên lưng vì con đã bắt đầu hạ sốt. Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ cũng biến mất. Con trông tươi tỉnh lên nhiều. Con cũng dần lấy lại cảm giác thèm ăn và ăn uống ngon lành hơn. Mẹ chỉ cần tập trung chăm sóc, cho con ăn uống đủ chất để nhanh khỏe lại.
Nhìn lại mẹ lúc này chắc cũng đạt đến ngưỡng “mắt gấu trúc” rồi phải không? Chăm con và theo dõi con suốt cả tuần rất thương mẹ vất vả. Nhiều lúc thấm mệt lắm rồi vậy mà nào có chợp mắt được. Mẹ cứ sờ trán con liên tục xem còn sốt không, lắng nghe nhịp thở con đều hay khó nhọc. Mẹ cố thêm một chút nữa nhé, 2-3 hôm nữa con hết bệnh là cả nhà lại được tung tăng rồi.
Nguyên Tắc Chăm Sóc Trẻ Sốt Xuất Huyết
Bên cạnh việc hạ sốt, mẹ nâng cao sức đề kháng, giúp con tự lướt qua bệnh bằng những cách sau:
- Cho con nghỉ ngơi đầy đủ.
- Bổ sung đủ nước và các chất điện giải.
- Kiểm tra thân nhiệt và theo dõi con liên tục.
- Cho con ăn cháo, uống sữa hoặc súp.
- Truyền dịch cho con khi cần.
Chia sẻ cụ thể về vấn đề truyền dịch mẹ đọc trong bài viết: Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Sốt Xuất Huyết An Toàn Tại Nhà
Nói chung, mỗi lần con bệnh con vừa mệt mẹ vừa khổ sở. Vì vậy, ông bà ta không sai khi nói rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cách tốt nhất là mẹ hãy luôn phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ, đặc biệt trong các đợt dịch. Để phòng ngừa hiệu quả, mẹ nên biết về nguyên nhân và cách trẻ bị lây truyền sốt xuất huyết.
Nguyên Nhân Sốt Xuất Huyết
Trẻ bị nhiễm sốt xuất huyết là do bị muỗi vằn (Aedes Aegypti) có chứa virus Dengue đốt phải. Muỗi khi hút máu ở người sốt xuất huyết sẽ bị nhiễm virus Dengue. Virus sẽ sinh sôi phát triển trong cơ thể muỗi từ 8-11 ngày. Sau đó muỗi có thể lây lan virus cho bất kỳ ai thông qua vết muỗi đốt. Muỗi vằn thường hoạt động vào ban ngày. Đặc biệt, chỉ có muỗi cái mới cắn và truyền virus được các mẹ nha.
Có 4 loại virus gây ra sốt xuất huyết là: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Khi con bị virus nào gây bệnh sẽ có kháng thể miễn nhiễm với virus đó. Nhưng con vẫn có thể mắc sốt xuất huyết do các virus còn lại gây ra.
Các Thể Bệnh Của Sốt Xuất Huyết
Thể cổ điển (thể nhẹ): xảy ra ở những trẻ lần đầu tiên mắc bệnh. Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em thường không rõ ràng và không có biến chứng. Bệnh có các triệu chứng như: Sốt cao lên đến 40.5°C, nhức đầu, đau hốc mắt, đau khớp và cơ, buồn nôn, nôn, phát ban.
Thể xuất huyết: gồm tất cả các triệu chứng của thể nhẹ và kèm xuất huyết mạch máu, mạch bạch huyết. Trẻ có các biểu hiện như chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, phân lẫn máu, phân đen. Thể này nguy hiểm và có thể gây tử vong.
Hội chứng sốc Dengue: thể này bao gồm triệu chứng của cả hai thể trên. Trẻ có thể kèm huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể. Huyết áp giảm đột ngột, dẫn đến suy tuần hoàn, trụy tim và tử vong.
Trẻ thường bị nặng hơn trong những lần bệnh sau, khi trẻ đã có kháng nguyên virus nào đó. Kháng nguyên này là miễn dịch chủ động được tạo ra trong lần mắc bệnh trước. Hoặc là trẻ được nhận kháng nguyên thụ động từ mẹ. Chính vì vậy, khi trẻ có triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em lần 2, 3 mẹ hết sức cẩn thận.
Sốt Xuất Huyết Lây Truyền Như Thế Nào?
Sốt xuất huyết lây truyền qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Mà các mẹ biết rồi đó muỗi thường ẩn nấp ở những nơi tối tăm, ẩm thấp. Chúng đẻ trứng ở các vũng nước đọng, ao tù. Loài muỗi này hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tà. Đây là hai thời điểm mà con thường mải vui chơi, bị muỗi đốt mà vẫn không hay biết. Đặc biệt, chúng rất hay đốt ở chân trẻ. Bởi thế khi nghi ngờ bệnh, mẹ có thể kiểm tra chân trẻ có vết đốt không nhé.
Muỗi có thể tồn tại từ 20-40 ngày, khi hút máu thì lại thích thay đổi từ người này qua người kia. Vì vậy khả năng lây lan virus là rất lớn. Ở nước ta, bệnh thường xảy ra vào mùa mưa hàng năm. Thống kê y tế cho thấy theo chu kỳ mỗi 5 năm sẽ có một đợt dịch bùng phát rộng. Mẹ thực hiện tốt bước phòng ngừa sẽ giúp hạn chế khả năng mắc bệnh cho cả gia đình nhé.
Phòng Ngừa Sốt Xuất Huyết Hiệu Quả
Phòng Ngừa Cho Trẻ Và Cả Gia Đình
Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột hay mùa mưa rất thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Vào những thời gian này, mẹ lưu ý:
- Không cho con chơi gần những nơi ao tù nước đọng, những nơi nhiều cây cối, góc tối. Đặc biệt là vào sáng sớm hoặc khi trời nhá nhem tối.
- Mặc quần áo dài tay cho con, nên chọn màu sáng (màu tối thu hút muỗi nhiều hơn).
- Thường xuyên rửa chân cho con sạch sẽ vì muỗi rất thích đốt ở chân các mẹ ạ.
- Giăng mùng khi ngủ.
- Dùng bình diệt muỗi, nhang muỗi để xua muỗi.
- Mẹ thường xuyên dọn dẹp nhà sạch sẽ, thông thoáng.
- Nếu gia đình có người mắc bệnh, nên cách ly người bệnh. Như vậy sẽ tránh trường hợp muỗi đốt người bệnh và truyền virus sang cho người khác.
Tiêu Diệt Vật Trung Gian Truyền Bệnh
Đơn giản là không có muỗi thì không bao giờ phải lo muỗi đốt phải không các mẹ? Để làm được điều này, mẹ hãy:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Dụng cụ không dùng mẹ úp xuống.
- Thả cá bảy màu vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại,…) để diệt lăng quăng hay bọ gậy.
- Khơi thông các ao tù, nước đọng,… Ngay cả những nơi nhỏ bé như mảnh vỡ các đồ dùng sinh hoạt mẹ cũng không nên bỏ qua.
- Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ.
- Mẹ chủ động hỏi thông tin và hợp tác khi có đợt phun xịt hóa chất phòng, chống dịch bệnh.
Thay Cho Lời Kết
Mẹ thấy đấy, dấu hiệu bé bị sốt xuất huyết không khó để nhận biết. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em tuy nguy hiểm nhưng biết cách chăm sóc sẽ không đáng ngại nữa. Bên cạnh đó, mẹ nhớ thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nhất là vào mùa mưa nhé.
Sốt xuất huyết nói riêng và sốt ở trẻ em nói chung thường “không mời mà đến” khiến mẹ hết sức đau đầu. Nhưng mặt khác sốt cũng cần thiết để giúp con hoàn thiện hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vì vậy, mẹ hãy luôn cập nhật kiến thức để chủ động đối phó khi con chẳng may nhiễm bệnh. Mẹ có thể tham khảo những bài viết của blog hotro.meviet.vn. Những kinh nghiệm thực tế và hiệu quả chắc chắn sẽ có ích rất nhiều cho mẹ đấy!
- 5 tháng mẹ dạy con chậm nói từ nói TỪ ĐƠN đến CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP - Tháng Tám 9, 2024
- Mẹ can thiệp chậm nói thành công cho 2 bé sinh đôi (chậm đơn thuần và rối loạn phổ tự kỷ) - Tháng Bảy 24, 2024
- 5 tháng mẹ can thiệp chậm nói cho con 7 tuổi tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Bảy 5, 2024
- 2 tháng mẹ học tự dạy con chậm nói nói cả câu: “Chúc ba mẹ ngủ ngon” - Tháng Sáu 3, 2024
- Mẹ sống ở Đức tự can thiệp chậm nói giúp con cải thiện vượt bậc - Tháng Sáu 3, 2024
- Sống ở nước ngoài, mẹ can thiệp chậm nói cho con tại nhà thành công - Tháng Năm 29, 2024
- Hành trình kỳ diệu 3 tháng mẹ vượt vũ môn giúp bé tự kỷ kịp vào lớp 1 - Tháng Ba 12, 2024
- Hành trình 3 tháng mẹ can thiệp con bập bẹ 10 từ đơn đến nói cả câu! - Tháng Ba 7, 2024
- Vượt ngoài mong đợi, mẹ dạy bé tự kỷ 1 tháng nói được 100 từ đôi - Tháng Một 16, 2024
- Biết ơn Cô Thuần Mẹ Việt cho mẹ niềm tin can thiệp thành công cho con - Tháng Chín 25, 2023
- Hành trình 5 tháng mẹ dạy con học nói từ chưa bật âm đến nói cả câu - Tháng Tám 27, 2023
- 10 tháng ròng can thiệp tại nhà thành công cho bé rối loạn phổ tự kỷ - Tháng Năm 30, 2023