Các bậc phụ huynh thân mến,
Như chúng ta đã biết, con cái chúng ta là thế hệ đầu tiên trong lịch sử lớn lên trong một thế giới mà internet tồn tại mọi lúc, mọi nơi. Có lẽ bạn cũng không lấy làm lạ với việc nhiều em bé đã biết cách sử dụng một chiếc điện thoại thông minh trước khi… biết nói. Thời đại công nghệ đã và đang đem lại nhiều tiềm năng vượt trội cho con trẻ, tuy nhiên mặt trái của nó chính là việc các con đang bị suy giảm nghiêm trọng những kỹ năng thực tế vô cùng thiết yếu trong cuộc sống. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức rõ về tầm quan trọng trong việc dạy “những đứa trẻ của thế hệ ứng dụng” này những kỹ năng cơ bản đang có nguy cơ dần bị bỏ quên.
Mục Lục Bài Viết
Nấu Ăn
Theo thống kê, chúng ta nấu ăn ít hơn thế hệ trước, mua thức ăn đã chế biến sẵn hoặc ăn ở ngoài thường xuyên hơn, đặc biệt là đối với những người bận rộn, không có thời gian, không gian hoặc không có kỹ năng nấu ăn. Ông bà, cha mẹ của tôi thường nhắc về cái thời hầu như tất cả mọi bữa ăn đều được nấu tại nhà. Ngày nay, người lớn, trẻ em đều có thể dễ dàng mua thức ăn nhanh, những thức ăn chín được nấu sẵn và được đóng gói đẹp mắt, và những món ưa thích của trẻ em lại thường chính là những đồ ăn có chất bảo quản, chất tạo màu, tạo hương vị, và chứa quá nhiều chất béo, hoặc đường hóa học,… Chính vì vậy, con trẻ thế hệ trước có cơ thể cân đối hơn và khỏe mạnh hơn, bởi ăn uống là một trong yếu tố quan trọng có liên quan đến béo phì và các vấn đề sức khỏe khác.
Nấu ăn là một kỹ năng rất quan trọng mà con bạn cần có khi trưởng thành. Chắc rằng bạn không muốn con bạn chỉ suốt ngày ăn đồ hộp hay nấu mì qua bữa khi người lớn không có mặt ở nhà chứ? Vì thế, nếu trẻ biết nấu nướng, bạn sẽ không cần phải lo lắng cho việc trẻ gặp khó khăn khi tự phục vụ bản thân. Hơn nữa, một người yêu thích nấu nướng có xu hướng gắn bó với gia đình nhiều hơn. Bố mẹ nào cũng muốn con cái trở về nhà vào mỗi bữa cơm. Học nấu nướng là một cách để trẻ hiểu tầm quan trọng của bữa ăn gia đình. Có rất nhiều món ăn đơn giản cho trẻ bắt tay vào thực hành làm đầu bếp như làm bánh mì kẹp, trứng rán, một số món cuộn, món canh, bún,… Các bé trai hay gái đều thích nấu ăn nếu bạn biết cách khơi gợi sở thích này của trẻ. Bạn có thể dạy và để bé hỗ trợ mình trong bếp từ lúc bé mới 5 – 6 tuổi. Dần dần, bạn sẽ thấy bé rất thích và quá trình nấu ăn sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn với bé. Việc này cũng giúp bé hiểu dần cách thức ăn uống lành mạnh và đúng cách hơn.
Bơi Lội
Kỹ năng này có vẻ không hữu ích bằng nấu ăn vì không được sử dụng thường xuyên, nhưng nó cũng là kỹ năng sinh tồn cần thiết trong những trường hợp nguy hiểm. Bé của bạn nên biết bơi kể cả khi gia đình không sống gần môi trường sông nước.
Tại sao đây là một trong những kỹ năng hữu ích mà ai cũng nên biết?
Khi con bạn được tập luyện bơi lội, con vừa có những thời gian giải trí thực sự vui vẻ vừa đang tập thể dục một cách nhẹ nhàng. Bơi lội cũng là bộ môn thể thao tuyệt vời cho con để rèn luyện sức khỏe suốt cuộc đời,… Các chuyên gia đã khuyên rằng, trẻ nên học bơi càng sớm càng tốt, từ 1–4 tuổi đã có thể được học bơi đúng cách để giảm nguy cơ bị đuối nước. Kỹ năng này luôn cần thiết, dù con ở bất kì độ tuổi nào. Song song với việc học bơi là học cách xử lý những vấn đề khẩn cấp khi ở dưới nước, tránh trường hợp gặp tai nạn vì quá chủ quan. Cho con học bơi, bạn sẽ luôn cảm thấy an tâm hơn khi biết rằng chúng có thể sống sót nếu phải đối mặt với một tình huống khẩn cấp dưới nước.
Quản Lý Chi Tiêu
Mọi cha mẹ nếu muốn con thành công đều nên dạy con cách chi tiêu tiền bạc khi con chỉ là một đứa trẻ. Bạn thấy đấy, trong xã hội ta, có rất nhiều người làm ra rất nhiều tiền nhưng cuối cùng tiền cũng chạy đi đâu hết, ngược lại có những người thu nhập ít nhưng họ vẫn có đủ tiền sử dụng thường xuyên. Một vài người không phân biệt được nhu cầu chi tiêu các khoản thiết yếu với nhu cầu sở thích cá nhân. Quan sát các bạn trẻ hiện nay, ta sẽ dễ thấy điều đó. Ngay cả những bạn trẻ tuổi 18, đã đi học đại học rồi mà nhiều bạn không phân biệt được thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, càng không biết cách cân đối chi tiêu. Nếu con chúng ta cũng chi tiêu một cách vô bổ, không có kế hoạch như vậy thì tương lai con sẽ ra sao? Vì thế lên kế hoạch chi tiêu là một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất bạn có thể dạy cho con mình để chúng hiểu giá trị của tiền bạc và cách sử dụng tiền trong tương lai. Ngay từ khi con bắt đầu được cho tiền tiêu vặt hay tìm được một công việc làm thêm, bạn có thể dạy con biết tiết kiệm tiền từ khoản tiền tiêu hàng tuần, biết giá những đồ đạc cơ bản trong nhà,…
Trẻ em thường hay có xu hướng mong muốn và đòi hỏi một số món đồ khi đi mua sắm. Vì vậy, việc dạy con biết so sánh giá cả giúp cho con hiểu được đồ nào nên mua, đồ nào nên đợi dịp khác. Khi cho con một khoản tiền nhỏ hàng tuần để con tự chi trả giá trị món đồ mà con muốn mua, chúng ta nên chắc chắn rằng nếu con chi tiêu hết sẽ không có thêm khoản nào khác. Việc này sẽ giúp con quyết định nên mua gì và không nên mua gì, cũng như phân phối khoản tiền của mình một cách hợp lý. Tất cả sự chỉ bảo này sẽ giúp cho con có kỹ năng quản lý tài chính tốt để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu, vừa hưởng thụ niềm vui trong cuộc sống, đảm bảo cuộc sống no đủ của con trong tương lai.
Sơ Cấp Cứu
Đây là những kỹ năng quan trọng cho cả trẻ em và người lớn. Chúng được chú trọng đến mức tại nhiều nơi trên thế giới, các bạn trẻ thường được học về kỹ năng sơ cấp cứu và hồi sức tim phổi cực kỳ hữu ích và quan trọng này, họ cung cấp những lớp học và khóa học miễn phí, hoặc có chi phí rất thấp cho cả người lớn và trẻ em. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, trẻ em và thậm chí ngay cả nhiều bậc phụ huynh cũng chưa quan tâm nhiều đến những kỹ năng sống tuyệt vời này. Những lớp học về sơ cứu và hồi sức tim phổi không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho chính bản thân chúng ta mà còn là kỹ năng quan trọng để có thể cứu sống người khác một ngày nào đó. Chẳng hạn như, những em bé rất hay cho vật gì đó vào miệng và dễ bị hóc dẫn đến tắc đường hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn không biết kỹ năng lấy dị vật ra và hồi sức tim phổi cơ bản trong lúc chờ sự trợ giúp của y tế thì đã quá muộn rồi. Vì vậy điều này giúp cho chúng ta đặc biệt cảm thấy an tâm hơn đối với sự an toàn của trẻ.
Kỹ năng sơ cứu cơ bản giúp con bạn tự giúp chính mình khi chúng bị thương mà không có người xung quanh. Trẻ em rất hiếu động thường khó tránh khỏi những vết thương thông thường như trầy xước, đứt tay,… Bạn hãy dạy con bạn kĩ năng bình tĩnh khi nhìn thấy máu ngay từ nhỏ, khi con lớn hơn một chút là học cách sơ cứu cũng như cách chữa lành vết thương, ví dụ như làm sao để cầm máu, rửa sạch, thoa thuốc và băng bó vết thương,… Ngoài ra trẻ từ 9 tuổi cũng nên được học các lớp ngoại khóa về kỹ năng cấp cứu cơ bản, hồi sức tim phổi, những kỹ năng này thực sự quan trọng mà lại không hề khó học.
Tự Vệ
Cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều cạm bẫy nguy hiểm, nạn lạm dụng trẻ em vẫn gia tăng và hàng ngàn trẻ em và thanh niên đã trở thành nạn nhân của sự ngược đãi hoặc hành hung mỗi năm. Và lứa tuổi học đường lại có nguy cơ cao nhất và bạn chắc chắn không thể nào có thể ở cạnh con mọi lúc, mọi nơi để bảo vệ chúng khỏi những điều bất ngờ, khó chịu của cuộc sống. Vì thế việc trang bị cho trẻ những kỹ năng cơ bản để tự vệ là điều mà các bậc phụ huynh thật sự nên làm. Thật buồn khi nghĩ đến việc chúng ta đang sống trong cái thế giới mà chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc dạy cho con cái cách tự bảo vệ mình, nhưng chúng ta không làm.
Hy vọng rằng đây không phải là kỹ năng mà con bạn phải sử dụng trong hoàn cảnh thực tế, nhưng khi được tham gia các lớp học tự vệ hoặc võ thuật, con bạn sẽ nhận được rất nhiều lợi ích, bao gồm:
- Học tự kiểm soát và tự kỷ luật (một kỹ năng sống vô cùng quan trọng).
- Đạt được sự tự tin.
- Cải thiện phản xạ và cân bằng.
Mong rằng những hiểu biết và kỹ năng tự phòng vệ này cũng sẽ được đưa vào các chương trình dạy học của nhà trường càng sớm càng tốt.
Dọn Dẹp, Vệ Sinh Cơ Bản
Theo một số nghiên cứu khoa học, dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa không chỉ giúp trang bị cho trẻ em những kỹ năng cơ bản như lau nhà và dọn phòng tắm, mà còn có lợi cho trẻ trong việc phát triển tinh thần, củng cố năng lực học thuật và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Gọn gàng, ngăn nắp là một trong những đức tính giúp người trưởng thành thành công trong các nhiệm vụ được giao. Ý thức dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa sẽ rất có ích cho trẻ sau này, khi chúng phải sống chung với người khác trong kí túc xá hoặc khi lập gia đình. Một trong những cách tốt nhất để dạy trẻ cách dọn dẹp và chăm sóc nhà cửa là phân công việc nhà. Đây là cách để trẻ hiểu về lượng công sức phải bỏ ra để duy trì nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ và hiểu được hơn trách nhiệm của mình trong gia đình
Trong khi nhiều đứa trẻ có tính ngăn nắp bẩm sinh, nhiều đứa trẻ khác lại khá lôi thôi và bừa bộn. Cha mẹ có thể giúp con cái khắc phục tính cách này bằng cách đề ra danh sách công việc cần làm, cung cấp thùng đồ, giá sách để con sắp xếp đồ đạc, tạo dựng những thói quen ngăn nắp như chuẩn bị quần áo, cặp sách trước khi đi ngủ. Đối với trẻ nhỏ hơn, bạn cũng có thể dạy trẻ kỹ năng làm sạch bằng cách cho trẻ giữ giẻ hay miếng bọt xốp để lau giọt kem đánh răng ra khỏi bồn và chắc chắn rằng con rửa tay kỹ sau khi dọn dẹp. Đối với trẻ lớn hơn chút nữa, bạn có thể dạy trẻ rửa bát sạch sẽ với những chất tẩy rửa không độc hại như bột baking soda, giấm,…
Tư Duy Phản Biện
Một trong những kỹ năng có giá trị và cũng khó dạy nhất cho con cái của chúng ta trong thế giới ngày nay là tư duy phản biện. Với số lượng lớn thông tin mà chúng ta gặp phải hàng ngày, nhiều trẻ em có nguy cơ suy giảm dần khả năng này. Ngay cả với người lớn chúng ta, trong nhiều trường hợp, khi tiếp nhận thông tin đại chúng, ta chỉ đơn giản lựa chọn đồng ý, tin tưởng thông tin hoặc không đồng ý, không tin tưởng thông tin đó hơn là suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề bởi, bởi điều này sẽ dễ dàng hơn, đỡ tốn thời gian và công sức hơn. Chính vì vậy, chúng ta cũng đang dạy trẻ “cái để suy nghĩ” nhiều hơn “cách suy nghĩ”, cách đặt câu hỏi thông tin, ngay cả từ các thông tin từ những nguồn đáng tin cậy như sách giáo khoa, giáo viên.
Tại sao kỹ năng tư duy phản biện lại rất có giá trị? Theo các nhà giáo dục, tư duy phản biện giúp trẻ đạt thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống sau này. Đó thật sự là một trong những kỹ năng sống cần thiết mà con trẻ phải được rèn luyện. Tư duy phản biện giúp hoạt động não bộ trẻ phát triển gấp hai lần trong nhận thức và giải quyết vấn đề, những đứa trẻ có tư duy phản biện tốt sẽ phát triển những kỹ năng như học giỏi, ghi nhớ, giải quyết vấn đề tốt, có chỉ số IQ cao. Dạy tư duy phản biện sớm giúp trẻ sử dụng kỹ năng này thuần thục khi trưởng thành, giúp chúng giải quyết tốt những vấn đề trong cuộc sống cũng như mạnh dạn đưa ra những quyết định phù hợp.
Khoa học chứng minh trẻ có thể học tư duy phản biện ở độ tuổi nhỏ, khả năng này không phụ thuộc bẩm sinh hay gen di truyền. Trong hoạt động giao tiếp hàng ngày với trẻ, cha mẹ có thể giúp trẻ làm quen và phát triển lối tư duy phản biện tự nhiên bằng cách khuyến khích trẻ:
- Phân tích và “sáng tác” một kết thúc khác khi nghe kể chuyện, đọc sách.
- Biết quan sát, so sánh và rút ra kết luận khi chơi một trò chơi nào đó.
- Kể lại chuyện theo cách của chúng.
- Tham gia những hoạt động tập thể.
- Đặt câu hỏi.
Lập Trình Công Nghệ Thông Tin
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà công nghệ đang thay đổi mọi thứ một cách nhanh chóng và mang lại nhiều những ưu thế vượt trội. Một ưu điểm lớn chính là khả năng học trực tuyến hầu như mọi kỹ năng theo một thời gian cố định với mục tiêu khác nhau. Thời đại trước, nhiều kỹ năng chuyên ngành chỉ có thể học ở bậc đại học, trong khi hiện nay nhiều kỹ năng này đã có thể học trực tuyến. Nhiều trường đại học hàng đầu trên khắp thế giới hiện nay đã mở ra nhiều lớp học trực tuyến miễn phí để sinh viên có thể tham gia.
Học sinh thời nay có thể dễ dàng học lập trình hay mã hóa trực tuyến, và trong một thế giới mà công nghệ đang phát triển như vũ bão, những kỹ năng này được dự báo là sẽ tiếp tục tăng mạnh về giá trị.
Không thể phủ nhận rằng trong xã hội hiện đại Việt Nam ngày nay, giới trẻ cũng đã rất “giỏi” về máy tính và công nghệ số. Tuy nhiên những ứng dụng mà giới trẻ được cho là “sành sỏi” chỉ là những công cụ giải trí đơn thuần. Còn các ứng dụng để vận hành trong công việc và cuộc sống dường như các bạn trẻ chưa thật sự quan tâm. Nếu có chăng cũng chỉ là những kiến thức cơ bản được trang bị trên ghế nhà trường. Mà những kiến thức chung đó chưa đủ để trẻ có thể cạnh tranh tìm được cho mình một công việc tốt sau này. Việc thành thạo về công nghệ thông tin sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi đi phỏng vấn, xin việc cũng như tăng cơ hội việc làm và nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Có lẽ bạn sẽ cảm thấy vẫn còn một số kỹ năng cơ bản khác được coi là cần thiết để dạy trẻ nữa, tuy nhiên, theo tôi được biết, 8 kỹ năng quan trọng trên đây đã có thể được coi là một sự khởi đầu tốt rồi. Hãy quan tâm, hướng dẫn, trang bị những kỹ năng quan trọng này cho con trẻ, để bạn yên tâm và bớt lo lắng hơn khi nhìn thấy con trưởng thành và tự tin bước khi vào cuộc sống hiện đại.
Một số kỹ năng cha mẹ có thể dạy con khi con lên 9-10 tuổi. Một số kỹ năng khác các cha mẹ hoàn toàn có thể cho con tiếp xúc sớm trong giai đoạn vàng 0-6 tuổi. Series Nuôi dạy con thông minh sớm là một chuỗi bài viết chia sẻ khá nhiều về kiến thức, kinh nghiệm bổ ích nuôi dạy con toàn diện giai đoạn 0-6 tuổi. Các bậc phụ huynh sẽ tìm thấy nhiều vấn đề của mình được giải quyết trong series này đấy.
- Hành trình 4 tháng mẹ dạy con tăng động giảm chú ý tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Mười Một 9, 2024
- Quả ngọt 9 tháng mẹ can thiệp cho con tăng động giảm chú ý học lớp 1 học tốt - Tháng Sáu 6, 2024
- Bài Test Sàng Lọc Tự Kỷ M-Chart-R (dành cho trẻ từ 16-30 tháng tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Mức Độ Tự Kỷ Của Trẻ CARS (dành cho trẻ trên 2 tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 25-30 tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 55-60 tháng - Tháng Năm 4, 2023