Chúng ta thường nghe câu: sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng sữa mẹ tốt như thế nào? Có khi chính chúng ta vẫn còn hiểu khá mơ hồ về lợi ích của sữa mẹ. Dẫn đến khi gặp khó khăn với nguồn sữa, mẹ thường quyết định cai sữa sớm cho con. Vì vậy trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cụ thể về 10 lợi ích tuyệt vời của sữa mẹ. Các mẹ cùng đọc nhé!
Mục Lục Bài Viết
Nguồn Dinh Dưỡng Lý Tưởng Cho Con
Đầy Đủ Dưỡng Chất Cần Thiết
Sữa mẹ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu giúp con phát triển toàn diện. Thành phần sữa mẹ gồm đạm, bột đường, chất béo, vitamin, khoáng chất và các yếu tố vi lượng. Với hàm lượng dưỡng chất tối ưu, phù hợp với nhu cầu khác nhau theo từng thời kỳ của trẻ. Con bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu không cần thêm thức ăn nào khác, kể cả nước, mẹ nhé!
Thông tin về thành phần dinh dưỡng trên bao bì sữa hộp thường hấp dẫn các mẹ. Nhưng mẹ có biết, mục tiêu của các hãng sữa là gì không? Là cố gắng tối ưu làm sao để thành phần sữa công thức gần giống với sữa mẹ nhất có thể. Thực tế sự cố gắng của các hãng sữa đáng được ghi nhận. Sữa công thức đã giúp giải quyết được trường hợp trẻ KHÔNG THỂ CÓ sữa mẹ để bú. Nhưng những trường hợp này chỉ chiếm tỷ lệ rất rất rất nhỏ, ~2%! Trong trường hợp bình thường thì không một loại sữa công thức nào có thể sánh với sữa mẹ các mẹ nhé.
Dễ Tiêu Hóa Và Hấp Thụ
Một lợi ích của sữa mẹ dễ thấy là trẻ bú mẹ rất ít bị táo bón hay tiêu chảy. Bởi vì thành phần sữa mẹ bao gồm:
Đạm trong sữa mẹ tồn tại ở dạng huyết thanh rất mềm, dễ hấp thu, dễ tiêu hóa.
Chất béo không bão hòa dễ hấp thu hơn chất béo bão hòa trong sữa công thức.
Chất xơ tự nhiên giúp trẻ không lo táo bón.
Men tiêu hóa lipase, amylase, hormone prolactin, thyroid, oxytocin,… Các men và hormone này làm nhiệm vụ tăng sức khỏe của đường ruột và cân bằng sinh hóa.
Chính vì thế, phân của trẻ bú mẹ thường xì xoẹt, màu vàng nhạt, thậm chí là có mùi ngọt. Trẻ bú mẹ cũng ít đi ngoài hơn, có khi cả tuần mới đi một lần mà phân vẫn “đẹp” ^^
Sữa Mẹ Cực Kỳ Linh Hoạt
“Nhà máy sữa mẹ” chẳng hề rộng lớn, nhưng lại là nơi sản xuất sữa có tâm nhất mọi thời đại.
Đầu tiên, phải kể đến tính linh hoạt theo nhu cầu của con ở từng độ tuổi khác nhau. Con vừa chào đời, dạ dày còn nhỏ và cần hoàn thiện hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch trước. Mẹ ngay lập tức sản xuất sữa non đậm đặc vừa đủ cho dạ dày con và giàu kháng thể. Sau đó, con có nhu cầu phát triển thể chất, trí não. Sữa mẹ tăng cường chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất,… Khi con ốm, thành phần kháng thể trong sữa mẹ cao gấp nhiều lần so với bình thường.
Tiếp theo là linh hoạt theo nhu cầu từng cữ sữa. Sữa mẹ gồm sữa trước (foremilk) và sữa sau (hindmilk) với thành phần dinh dưỡng rất khác nhau. Sữa trước chứa nhiều nước, vitamin, protein… giúp giải khát và tạo cho con cảm giác ngon miệng. Sữa sau chứa rất nhiều năng lượng, chất béo và dinh dưỡng khác,… giúp con no và tăng cân. Đó là lý do mẹ nên cho con ti cạn một bên ngực trước khi chuyển sang bên còn lại.
Luôn luôn lắng nghe và linh hoạt đáp ứng nhu cầu của con. “Nhà máy sữa mẹ” quả thật là rất “có tâm” đúng không nào!
Tăng Cường Hệ Miễn Dịch
Lợi ích của sữa mẹ lớn nhất là bảo vệ con trước nhiều bệnh phổ biến ở trẻ em. Trong sữa mẹ chứa rất nhiều kháng thể. Kháng thể chính là đội quân chi viện mẹ gửi đến để bảo vệ con trước nhiều mầm bệnh.
Đồng thời, đội quân này cũng giúp con huấn luyện hệ miễn dịch để tự chiến đấu với bệnh. Vì thế, trẻ bú mẹ ít khi bị bệnh vặt, có sức đề kháng cao và phát triển tốt. Sữa mẹ chính là bước đệm bảo vệ cực kỳ quan trọng đối với trẻ dưới 2 tuổi.
Do đó, hãy nuôi con bằng sữa mẹ để giảm nguy cơ mắc các bệnh phổ biến ở trẻ như:
- Viêm tai giữa.
- Viêm đường hô hấp.
- Cảm lạnh, cảm cúm.
- Nhiễm trùng đường ruột.
- Viêm ruột hoại tử.
- Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
- Dị ứng: hen suyễn, viêm da dị ứng và bệnh chàm.
- …
Bữa Ăn An Toàn – Tiện Lợi
Mẹ biết không, không có bữa ăn nào luôn sẵn sàng, ngon lành và đủ chất như sữa mẹ. Mẹ không phải mất công chế biến, càng không phải dọn dẹp sau bữa ăn. Nhất là buổi đêm, mẹ vừa có thể nằm cho con bú vừa nghỉ ngơi sau một ngày dài vất vả.
Bên cạnh đó, sữa mẹ tiết ra theo nhu cầu của con và hoàn toàn thanh trùng. Vì vậy, mẹ không bao giờ phải lo lắng con bú sữa bị hỏng hay nhiễm bẩn, chứa hóa chất,…
Mỗi khi con đói, mẹ chỉ cần vén áo lên và cho con tu ti trực tiếp bầu sữa mẹ. Cuối cùng, mẹ chỉ việc ngắm nhìn thiên thần nuốt sữa ừng ực và lim dim mãn nguyện. Điểm 10 cho tiện lợi và an toàn luôn mẹ nhỉ :)
Những Lợi Ích Khác Của Sữa Mẹ
Tăng Cân Hợp Lý
Nhiều mẹ hay nghĩ rằng con phải thật bụ bẫm thì mới khỏe được. Tuy nhiên, béo không hẳn là dấu hiệu của sức khỏe tốt mẹ nhé.
Với sữa công thức thì mẹ thường có tâm lý đổ bỏ thì tiếc. Thành ra mẹ hay khuyến khích con uống hết sữa đã pha. Con đều đặn nhận lượng sữa nhiều hơn nhu cầu sẽ ngày càng bụ bẫm. Thậm chí, trẻ dễ tăng cân quá mức, béo phì và gặp phải những vấn đề sức khỏe khác.
Trẻ bú mẹ thường tự nhả ti khi đã no nên trẻ nhận được lượng sữa vừa đủ nhu cầu. Trẻ sẽ có xu hướng chắc khỏe hơn là mũm mĩm. Ngay cả khi mẹ nhiều sữa con tăng cân vù vù cũng không phải lo con bị béo phì.
Niềm Hạnh Phúc Của Con
Mẹ biết không, con yêu nhất là những lúc được tu ti mẹ đấy! Mỗi khi bụng đói, con chỉ việc hậm hực, oe oe là có ngay mẹ ở bên. Mẹ ôm con vào lòng, cưng nựng. Rúc vào ti mẹ, mút chùn chụt dòng sữa ngọt ngào. Rúc vào ti mẹ, vừa ti vừa được hít hà mùi thơm ấm áp của mẹ. Con ko cần bất kỳ mùi nước hoa hay tinh dầu thơm nào đâu mẹ nhé. Con chỉ cần được ngửi mùi của mẹ! Thế là đủ ^^
Khi con ti còn được nghe nhịp tim đều đặn của mẹ. Nhịp đập con đã quen thuộc suốt 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ. Cái cảm giác bình yên ấy không chỉ giúp con được trấn an tinh thần sau chấn động rất lớn khi vừa được sinh ra. Mà cảm giác ấy còn giúp con yên tâm, được cảm thấy an toàn, được tự tin để lớn lên.
Rồi tới lúc con lớn hơn chút nữa, tầm 3,4 tháng con bắt đầu biết sờ ti mẹ. Con thích nhất là hai tay ôm chặt ti mẹ và ra sức mút sữa :)) Bầu sữa mẹ đã trở thành bạn thân nhất của con lúc này. Hihi!
Và đặc biệt con không thể quên được những lúc phê sữa, ngủ lim dim bên ti mẹ. Ôi nó tuyệt lắm ấy các mẹ ạ! Chắc chắn các mẹ cũng sẽ rất hạnh phúc khi thấy cái mẹt thỏa mãn của con sau mỗi cữ ti.
Phát Triển Não Bộ
Các sữa công thức thường quảng cáo với thành phần DHA, ARA giúp con thông minh vượt trội. Vậy mẹ có biết từ đâu mà sữa công thức có ý tưởng này không? Chính là từ nghiên cứu sữa mẹ đấy.
Sữa mẹ rất giàu axit béo không no chuỗi dài đa nối đôi như DHA, ARA. Các chất này có nhiệm vụ cấu tạo nên não bộ và mắt, giúp trẻ thông minh và tinh anh hơn.
Bên cạnh đó, con bú mẹ thường được mẹ dành thời gian ôm ấp, gần gũi, da kề da với mẹ. Tình cảm của mẹ giúp con có cảm giác an toàn, tự tin khám phá xung quanh.
Có Lợi Cho Sức Khỏe Răng Miệng
Quá trình bú mẹ cũng giúp con định hình hàm, nướu và vòm miệng chắc khỏe. Con đến tuổi mọc răng sẽ có hàm răng đều, đẹp và nụ cười lung linh tỏa sáng mẹ nhé!
Giúp Con Có Khẩu Vị Tốt
Mẹ còn nhớ các men và hormone có trong sữa mẹ giúp con tiêu hóa tốt chứ? Chúng không cố định mà thay đổi theo khẩu phần ăn uống và phảng phất hương vị trong sữa.
Khẩu vị tốt của con sẽ được phản ánh trong thời kỳ ăn dặm. Bởi vì con đã được rèn luyện vị giác trước đó với bao nhiêu món ngon mẹ thưởng thức. Vì thế, mẹ muốn con ăn ngoan hãy bắt đầu đa dạng thực đơn của mẹ ngay hôm nay nhé.
Tạm Kết
Đến đây, chắc hẳn mẹ đã rất ngạc nhiên phải không nào? Không ngờ sữa mẹ của chúng ta tuyệt vời đến thế! Hy vọng rằng mẹ sẽ duy trì cho con ti mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Và tiếp tục cho con ti mẹ bên cạnh việc ăn dặm tới ít nhất 2 tuổi nhé.
Mà mẹ biết không, sữa mẹ không chỉ lợi cho con đâu. Cho con bú mẹ cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính các bà mẹ chúng ta. Mẹ hãy đọc bài viết 10 Lợi Ích Của Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ. Để cùng mình khám phá những lợi ích tuyệt vời khác của sữa mẹ nhé.
- Hành trình 4 tháng mẹ dạy con tăng động giảm chú ý tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Mười Một 9, 2024
- Quả ngọt 9 tháng mẹ can thiệp cho con tăng động giảm chú ý học lớp 1 học tốt - Tháng Sáu 6, 2024
- Bài Test Sàng Lọc Tự Kỷ M-Chart-R (dành cho trẻ từ 16-30 tháng tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Mức Độ Tự Kỷ Của Trẻ CARS (dành cho trẻ trên 2 tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 25-30 tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 55-60 tháng - Tháng Năm 4, 2023