Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng quan trọng và quý giá cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cho con bú mẹ còn mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ. Trong phần trước mình đã chia sẻ về 10 Lợi Ích Bất Ngờ Của Sữa Mẹ đối với bé yêu. Phần tiếp theo hãy cùng tìm hiểu về những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ dưới đây. Nhiều mẹ đã phải thốt lên “Thật tuyệt vời” khi hiểu rõ về những lợi ích ấy. Và chắc chắn mẹ sẽ có thêm động lực duy trì cho con bú mẹ thật lâu lâu đấy!
Mục Lục Bài Viết
Giúp Mẹ Nhanh Hồi Phục Sau Sinh
Dù mẹ sinh thường hay sinh mổ thì sau sinh cũng sẽ xuất hiện những cơn co tử cung. Hoạt động bú mút của con kích thích tử cung mẹ co bóp liên tục. Nhau thai, màng nhầy,… còn sót lại nhờ co bóp sẽ nhanh được tống ra ngoài. Lượng sản dịch giảm nhanh cũng giúp mẹ sẽ ít bị mất máu, giảm nguy cơ hậu sản.
Các mẹ sinh lần đầu có thể ít cảm nhận cơn đau này. Mẹ sinh lần 2 sẽ cảm nhận tử cung co bóp rõ rệt hơn với những cơn đau dồn dập. Mặc dù mẹ sẽ đau nhiều nhưng đó lại là dấu hiệu tốt cho thấy mẹ đang hồi phục nhanh đấy.
Kích Thích Mẹ Tạo Nhiều Sữa
Trên thực tế, rất nhiều mẹ bị áp lực vì chuyện ít sữa, không đủ sữa cho con bú. Mẹ làm mọi cách như uống nước lá, ngũ cốc,… mà vẫn không cải thiện là bao.
Trong khi đó, cách kích sữa nhanh và hiệu quả nhất chính là cho con bú mẹ thật nhiều. Bởi vì sữa mẹ sẽ tiết ra theo nhu cầu của con. Con càng bú nhiều mẹ càng nhiều sữa. Vì vậy, mẹ muốn nhiều sữa hãy chăm chỉ cho con bú mẹ nhé.
Cực Kỳ Tiện Lợi
Trẻ sơ sinh 3 ngày đầu tiên cần ăn ít nhất 8-12 cữ. Sau đó con sẽ ổn định dần ở 6-8 cữ/ngày. Hãy tưởng tượng mỗi bữa ăn đều phải chuẩn bị và dọn dẹp thì mẹ mệt bở hơi tai mất. Thế nên sữa mẹ là món quà tự nhiên ban tặng để giúp mẹ nhẹ nhàng nhất khâu ăn uống. Bất kể khi nào con đói, mẹ chỉ cần vén áo lên, bầu sữa của con đã sẵn sàng. Mỗi khi bế con ti mẹ lại có thêm thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe nữa đấy.
Sữa được ủ ấm bằng chính cơ thể mẹ nên luôn có nhiệt độ hoàn hảo cho con. Mẹ không bao giờ phải lo lắng về nhiệt độ pha sữa hay lích kích rửa, tiệt trùng bình sữa,… Mẹ cũng không cần bận tâm đến bảo quản hay là tiếc sữa thừa con chưa uống hết.
Thêm vào đó, khi đi ra ngoài mẹ chỉ cần mang theo một chiếc khăn lớn. Khi nào con đói thì che chắn cho con ti mẹ mọi lúc mọi nơi mà vẫn kín đáo. Thật tiện lợi phải không nào ^^
Có Giấc Ngủ Đêm Trọn Vẹn Hơn
Sau khi sinh con, mẹ luôn trong tình trạng thèm… ngủ, ngủ và ngủ. Thật không quá khi ví von mẹ sau sinh mong được ngủ đủ như nắng hạn mong mưa rào. Thế nhưng sự thật lại phũ phàng khi con vẫn có nhu cầu bú đêm.
Với trẻ bú bình, mỗi lần tới cữ mẹ phải lọ mọ dậy pha sữa cho con bú. Con bú xong phải rửa bình, tráng nước sôi để chuẩn bị cữ bú sau. Đến lúc vào nằm lại được một tí lại phải dậy vì đến cữ bú hay thay tã.
Tuy nhiên, mẹ sẽ có một giấc ngủ đêm trọn vẹn hơn nếu cho con bú trực tiếp. Mẹ thử hình dung con đói sữa tỉnh giấc đã có ngay bầu sữa của mẹ bên cạnh. Con vừa tu ti vừa ngủ ngon lành. Mẹ vừa nằm vừa cho con bú cũng ít bị mất giấc.
Giảm Cân
Thêm một lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ là giúp mẹ giảm cân nhanh chóng. Trong suốt thai kỳ, mẹ có dấu hiệu tăng cân nhiều để tích trữ một lớp mỡ đặc biệt.
Sau khi sinh, lớp mỡ này thực hiện nhiệm vụ giúp sản xuất ra sữa. Mỗi ngày, chỉ riêng việc cho con bú đã giúp mẹ đốt cháy ít nhất 500 calo. Vì vậy, tích cực cho con bú là cách tuyệt vời nhất để mẹ nhanh lấy lại vóc dáng.
Giảm Căng Thẳng Và Nguy Cơ Trầm Cảm Sau Sinh
Mẹ hiện đại đã quen với guồng quay công việc tất bật, phải di chuyển liên tục. Nay chỉ quanh quẩn trong nhà chăm sóc bé sẽ cảm thấy ngột ngạt, mất tự do. Vì thế mà mẹ dễ nảy sinh căng thẳng, cáu gắt. Thêm vào đó, cơ thể thay đổi nội tiết tố bất thường có thể làm mẹ trầm cảm sau sinh.
Giây phút thiên thần của mẹ mắt tròn xoe chóp chép miệng thèm sữa đáng yêu lắm! Nhìn cách con vội vàng đớp ti mẹ mút ngon lành sẽ làm mẹ bật cười hạnh phúc. Khoảnh khắc con no sữa lim dim ngủ trên tay mang lại cho mẹ cảm giác bình yên đến lạ. Lúc rời ti mẹ lại còn sót vài giọt sữa thơm thơm trên má. Thật không hạnh phúc nào sánh bằng mẹ nhỉ? Làm mẹ vất vả là thế. Vậy mà chỉ cần con ti ngoan ngủ ngoan, bao mệt mỏi của mẹ tan biết hết.
Về mặt khoa học, khi mẹ cho con bú, oxytocin (hormone tình yêu) được giải phóng. Oxytocin có tác dụng làm giảm nồng độ hormone cortisol gây căng thẳng, mất ngủ về đêm. Vì vậy, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ là giúp giảm căng thẳng, ít nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Chậm Kinh Nguyệt Và Tránh Thai Tự Nhiên
Chu kỳ kinh nguyệt sẽ tạm ngưng trong thời gian con ti sữa mẹ hoàn toàn. Ít nhất là cho đến khi con bổ sung dinh dưỡng bằng đường khác như ăn dặm, uống sữa ngoài. Ở một số mẹ, quá trình này có thể diễn ra sớm hơn hoặc chậm hơn (sau cai sữa). Đây là cách cơ thể tự đảm bảo khoảng cách hợp lý giữa các lần mang thai.
Vì vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ còn có tác dụng ngừa thai tự nhiên. Tuy nhiên, cách này chỉ đạt tỉ lệ tránh thai cao với hai điều kiện. Đó là mẹ cho con bú trực tiếp và con ti sữa mẹ hoàn toàn. Bên cạnh đó, vẫn có một tỷ lệ sai sót nhỏ có thể xảy ra. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả ngừa thai tốt nhất, mẹ nên tham khảo thêm những phương pháp khác.
Giảm Nguy Cơ Ung Thư
Các nhà khoa học khám phá ra lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ trực tiếp như sau:
- Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, tử cung, ung thư vú tiền mãn kinh.
- Giảm tỷ lệ viêm khớp, thấp khớp, loãng xương.
- Ít nguy cơ bị mắc tiểu đường, cao huyết áp.
Thật tuyệt vời phải không mẹ? Vì vậy, mẹ hãy cho con bú để tận dụng những lợi ích bảo vệ sức khỏe này nhé!
Thắt Chặt Tình Mẫu Tử
Hình ảnh thiên thần bé nhỏ ôm bầu sữa mẹ nút say sưa thật sự chạm đến trái tim của mẹ. Tự dưng mẹ thấy yêu lắm, thương lắm khúc ruột của mình. Khoảnh khắc ấy mẹ cảm nhận sâu sắc tình mẫu tử thiêng liêng đến nhường nào.
Mỗi lần cho con bú là một lần mẹ vuốt ve, âu yếm và tâm tình những điều ngọt ngào. Con say sưa mút sữa tạo ra một cảm giác nhột nhột đáng yêu nơi bầu sữa mẹ. Cảm giác ấy thật hạnh phúc, ngọt ngào và bình yên. Tưởng tượng dòng sữa mẹ đang căng tràn, nuôi dưỡng con khôn lớn từng ngày. Thật xúc động lắm phải không mẹ?
Cứ mỗi lần cho con ti, thế giới dường như bé lại vừa bằng một em bé trên tay mẹ. Bầu trời của con thì mở ra thênh thang vừa y hình dáng mẹ. Sợi dây liên kết tình cảm mẹ con cứ tự nhiên mà bền chặt như thế đấy. Mẹ càng cảm nhận hạnh phúc khi có con sẽ càng tự tin hơn trong vai trò làm mẹ. Người ta bảo mẹ hiểu con đến mức chỉ cần nhìn đã biết con muốn gì chính là bắt đầu từ đây.
Tiết Kiệm Chi Phí
Sữa mẹ luôn luôn miễn phí nhưng sữa bột thì không mẹ ạ. Trung bình 1 tháng bé sẽ uống từ 4-6 hộp sữa. Thêm các khoản mua bình sữa, nước rửa bình sữa, bình giữ nhiệt,… Tính ra cho con ti mẹ mỗi tháng sẽ tiết kiệm được ít nhất 2-3 triệu. Mẹ cũng không phải lo lắng về sữa giả, tăng giá hay tình trạng khan hiếm sữa.
Chưa hết, trẻ ti sữa mẹ được bổ sung kháng thể trực tiếp từ mẹ truyền sang con. Con thường cứng cáp, khỏe mạnh, ít ốm vặt. Mẹ không phải đâu đầu về các khoản chi phí khám chữa bệnh cho con.
Nhắn Nhủ Mẹ
Ngẫm nghĩ kỹ thì cho con ti mẹ trực tiếp vừa tốt cho mẹ, cho con mà lại kinh tế các mẹ nhỉ :)) Nhưng tại sao sữa mẹ tốt như vậy mà không phải mẹ nào cũng chọn cho con ti mẹ hoàn toàn? Nuôi con bằng sữa mẹ có khó khăn không? Những khó khăn đó là gì? Mẹ hãy cùng đọc bài viết Nuôi Con Hoàn Toàn Bằng Sữa Mẹ – Khó Hay Dễ???. Những chia sẻ chân thật sẽ giúp mẹ chuẩn bị tốt tâm lý và cả phương án giải quyết mọi khó khăn. Dù mẹ dự định nuôi con sữa mẹ trong 6 tháng hay đến tận 2-3 tuổi, mẹ đều nên đọc bài viết này nhé!
- Hành trình 4 tháng mẹ dạy con tăng động giảm chú ý tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Mười Một 9, 2024
- Quả ngọt 9 tháng mẹ can thiệp cho con tăng động giảm chú ý học lớp 1 học tốt - Tháng Sáu 6, 2024
- Bài Test Sàng Lọc Tự Kỷ M-Chart-R (dành cho trẻ từ 16-30 tháng tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Mức Độ Tự Kỷ Của Trẻ CARS (dành cho trẻ trên 2 tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 25-30 tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 55-60 tháng - Tháng Năm 4, 2023