Xin chào ba mẹ, chúng ta lại gặp nhau trên kênh âm thanh Podcast Mẹ Việt. Kênh chia sẻ những câu chuyện thành công, truyền cảm hứng và niềm tin cho rất nhiều ba mẹ tự tin can thiệp chậm nói cho con tại nhà. Cuối tháng 5 rồi, khi mà ba mẹ và các con đã có thể thở phào nhẹ nhõm sau kỳ thi học kỳ 1. Mẹ Việt lại nhớ lại câu chuyện 9 tháng trước, lúc mẹ Nguyệt đến với Mẹ Việt để can thiệp cho Bắp. Đồng thời lúc này Bắp cũng đang chập chững bước vào lớp 1. Và mẹ Nguyệt với bao nỗi lo lắng thấp thỏm sợ con vẫn còn “non” quá, chưa theo kịp được các bạn. Bạn Bắp được chẩn đoán là giảm chú ý. Lúc 6 tuổi con đã có thể nói được cả câu nhưng giao tiếp vẫn rất hạn chế. Con thường trả lời 1 từ, 2 từ, thi thoảng mới nói câu. Giao tiếp đơn giản và hầu như là rập khuôn. Hy vọng con có thể “đuổi kịp” các bạn đồng trang lứa. Mẹ vẫn ngày ngày ngược xuôi đưa đón con đi học can thiệp. Con không có nhiều cải thiện, nhưng mẹ cũng không biết làm sao để giúp con.
Thật tình cờ trong 1 lần đợi con tan học ở lớp can thiệp. Mẹ đã gặp được chị Ngọc giới thiệu về chương trình đồng hành chuyên sâu của Mẹ Việt. Mẹ đã mạnh mẽ đăng ký học để tự mình có đủ kiến thức, kỹ năng hỗ trợ cho con. Và vượt ngoài mong đợi của mẹ, Bắp đã phát triển tiến bộ từng ngày. Sau 9 tháng đồng hành cùng Mẹ Việt can thiệp giảm chú ý cho Bắp. Giờ đây Bắp đã biết chơi với bạn, tương tác tốt xã hội tốt. Con có thể nói những câu khiến cả nhà “té ngửa” vì không ai nghĩ con biết được như vậy. 9 tháng là cuộc đua của 2 mẹ con vừa học kiến thức trên trường, vừa tăng cường phát triển ngôn ngữ, nhận thức cho con. Nhưng kết quả ngày hôm nay quả thực là ngọt ngào và “không tưởng”. Và mẹ Bắp cũng rút ra được cho mình nhiều bài học khi làm mẹ của 1 em bé “giảm chú ý”. Những kinh nghiệm quý báu đó, mẹ Bắp đã sẵn sàng chia sẻ cùng các ba mẹ trong podcast này. Ba mẹ cùng lắng nghe nhé!
Mục Lục Bài Viết
- 1 Mẹ phát hiện con có dấu hiệu tăng động giảm chú ý
- 2 3 năm can thiệp không đủ tích cực con dậm chân tại chỗ
- 3 Con thay đổi khi ba mẹ thay đổi
- 4 Ngỡ ngàng khi con nói tốt hơn mỗi ngày
- 5 Tăng cường giao tiếp – chìa khoá giúp con tiến bộ mỗi ngày
- 6 Cái loa thần thánh giúp con nói “hay”
- 7 Hiệu quả của việc đọc sách theo lộ trình của riêng con
- 8 Giúp con tăng khả năng tập trung
- 9 Người bạn đồng hành thân thiết của mẹ
- 10 Tương lai con nằm trong bàn tay mẹ
- 11 Đứng dậy từ đáy của sự tiêu cực
- 12 Hành trình học lớp 1 của con
- 13 Lời kết
Mẹ phát hiện con có dấu hiệu tăng động giảm chú ý
Xin chào chị Nguyệt, rất vui khi chị nhận lời tham gia chương trình Gặp gỡ và chia sẻ cùng Mẹ Việt. Trước khi bắt đầu, chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và bé nhà mình để các ba mẹ được biết nhé!
Xin chào cô Thương, xin chào các mẹ đang nghe chương trình Podcast của MV. Mình tên là Nguyệt, mẹ của bé Bắp (Đặng Quốc Minh Phương), hiện đang sống tại quận 10, TP.HCM. Tình trạng của con được bác sĩ đánh giá trước đây là tăng động giảm chú ý. Và gần đây nhất được sự thăm khám của bác Giang thì bạn có dấu hiệu của tự kỷ nhẹ, đang đợi test lại xem ở mức độ nào. Hiện mình là học viên khóa Chuyên Sâu chậm nói của Mẹ Việt MVK29.
Dạ vâng, các ba mẹ đang rất nóng lòng muốn nghe chị Nguyệt chia sẻ về hành trình chị đã hỗ trợ cho Bắp. Chị phát hiện ra tình trạng tăng động giảm chú ý của Bắp từ khi nào vậy ạ? Chị đã làm những gì để hỗ trợ cho con? Thời gian đó chị đã gặp những khó khăn gì trong quá trình hỗ trợ bạn nhỏ tăng động giảm chú ý như Bắp?
Bắp thì không bị chậm nói như 1 số bạn trong lớp của mẹ đang học. Tuy nhiên bạn có những biểu hiện lạ như đi vòng vòng liên tục, không tập trung chơi 1 trò gì lâu, hay giơ bàn tay lên nhìn trong vô thức, sợ những đồ vật quanh mình, sợ tiếng động to như tiếng khoan tường, đóng đinh, tiếng máy xay sinh tố. Thời điểm đó là lúc bạn chưa tròn 3 tuổi, bạn nói bình thường, nhưng ko giao tiếp chủ động, nếu có ai đó đặt câu hỏi cho bạn thì bạn không biết cách trả lời mà chỉ lập lại câu hỏi đó, khi mẹ mớm thì mới trả lời bằng cách lập lại câu trả lời mà mẹ đã chỉ. Trong giờ học lúc bấy giờ là hay lo ra, nhìn ra cửa sổ, ko ngồi cùng nhóm bạn nghe cô hướng dẫn/ dạy. Không chơi cùng với bạn, không nói chuyện với bạn. Thích chơi 1 mình.
Khi phát hiện ra con có những biểu hiện đó thì mình lập tức đưa con đi khám, bỏ mặc bao sự can ngăn của gia đình. Khi ấy, mình ko hề có 1 kiến thức gì về chứng tăng động giảm chú ý/ rối loạn phổ tự kỷ… Linh cảm mình thấy rằng con đang không ổn, rất không ổn. Và thế rồi mình bắt đầu hỏi cậu em trai ruột của mình, là dân dược nên ít nhiều cũng có nhiều kết nối trong ngành. Cậu ấy giới thiệu cho mình 1 bác sĩ về tâm thần kinh, gặp bác sĩ này xong, mình càng hoang mang tột độ, bác sĩ luận con bị rối loạn sợ hãi, rối loạn cảm giác… Chỉ định đi chụp điện não đồ và cho 1 mớ thuốc về uống. Không có 1 kiến thức gì về chứng/ bệnh này nhưng mình vẫn từ chối theo lời bác sĩ, dù lúc ấy cũng có dẫn con vào Hòa Hảo vượt qua bao lần ngoáy lỗ mũi test Covid để chụp điện não…
Không dừng ở đó, mình hỏi tiếp cậu em xem có 1 nguồn thông tin bác sĩ nào khác ko thì được giới thiệu bác sĩ Diệp, bác sĩ mình theo khám tới giờ. Qua quá trình thăm khám bác kết luận Bắp bị tăng động giảm chú ý. Cần hỗ trợ thuốc và can thiệp giáo dục 1.1 ngay tại phòng khám.
Vâng, thật may là chị đã không chủ quan và hành động quyết liệt khi nhận thấy dấu hiệu bất ổn ở con. Ba mẹ lưu ý nhé, phát hiện thấy con không ổn là cho con thăm khám và chủ động tìm phương án can thiệp cho con ngay. Đừng bỏ lỡ thời gian can thiệp của con vì bất cứ lý do gì.
3 năm can thiệp không đủ tích cực con dậm chân tại chỗ
Chị đã cho con đi học can thiệp trong bao lâu và hiệu quả như thế nào vậy ạ?
Khi ấy mình vẫn rất coi nhẹ việc can thiệp, nghĩ rằng chỉ cần hỗ trợ thuốc là đủ và mình tích cực hơn với con ở nhà là đủ. Mình bắt đầu cho con uống thuốc theo liều lượng và chỉ định của bác sĩ. Thế rồi đến tháng 3 năm ngoái, mình chợt choàng tỉnh, giật mình khi thấy con đã đến tuổi vô lớp 1 (tức là tháng 9 năm ngoái). Mà sao con cứ ngơ ngơ, không nói không rằng, không năng động lanh lẹ như các bạn cùng lứa. Con chưa biết tự lo cho mình thì làm sao đi học được?! Thế là mình quýnh quáng xách con đi đến các trung tâm can thiệp mặc cho trời mưa gió bão bùng gì cũng đi. Bởi vì mình nghĩ mình không có 1 kiến thức gì cả về cái chứng này. Mình phải đi nhờ các trung tâm đặc biệt để họ có phương pháp phù hợp. Khi đó học cũng trong khoảng 5 tháng. Học ở cả 2 trung tâm. Kết quả: không có 1 chuyển biến gì cả.
uhm, thực ra 5 tháng là khoảng thời gian đủ để đánh giá con có học hiệu quả hay không. Nếu ba mẹ thấy con không tiến bộ nhiều thì hãy mạnh dạn tìm cho mình một giải pháp khác hiệu quả hơn. Theo em được biết thì chị Nguyệt tình cờ biết đến Mẹ Việt trong 1 lần chở con đi học can thiệp. Chị ngồi đợi con ở ngoài và trò chuyện cùng 1 mẹ cũng hiện đang học tại Mẹ Việt. Chị đã nghĩ gì khi chị nhanh chóng quyết định đăng ký khóa học Chuyên sâu để tự học và can thiệp cho con?
Đúng, mình đã quen chị Ngọc khi ngồi chờ con can thiệp. Nói chung là sảng quá rồi, nghe ai chỉ đâu cũng đi hết. Vì thấy chẳng có biết bám víu vô ai, vô chỗ nào nữa hết. Nên sau khi nghe chị Ngọc nói là mình gọi ngay cho cô cho cô tư vấn giáo dục nhà Mẹ Việt trong đêm đó. Qua ngày hôm sau thì cô Thương gọi.
Mình dừng việc cho con đi học trung tâm vì lý do không tiện đi lại (đường sá xa xôi, mưa nắng), kết quả học sau mấy tháng đó cũng ko có cải thiện gì. Với cho con theo học ở Trung Tâm thì chỉ có can thiệp 1h/ ngày, mình nhận thấy không đủ. Việc mình tự học để can thiệp cho con thì đỡ tốn công đi lại, vừa có kiến thức đi cùng con xuyên suốt 24/24, có các cô tư vấn giáo dục bên cạnh lại yên tâm về mặt tinh thần, có bất cứ vấn đề gì cần hỏi thì có các cô hỗ trợ ngay lập tức.
Vâng đúng rồi chị Nguyệt, vậy là chị cũng dc trải nghiệm đủ cả việc con đi học can thiệp rồi. Và thời điểm đó duyên may gặp dc mẹ Ngọc giới thiệu, chị lại biết dc ba mẹ cũng rất cần tham gia vào việc hỗ trợ cho con. Và thực sự dù có đi học can thiệp hay không thì đòi hỏi cha mẹ phải có kiến thức đề đồng hành cùng con. Vì hơn ai hết, mình mới là người thương, người hiểu con nhất. Đồng hành cùng con suốt cả chặng đường dài hạn cũng chỉ có thể là ba mẹ thôi.
Con thay đổi khi ba mẹ thay đổi
Quay trở về câu chuyện của chị Nguyệt. Bắt đầu mọi hành trình can thiệp, Mẹ Việt luôn dành nhiều thời gian để cùng ba mẹ thiết lập tư duy chuẩn. Để mình hiểu rõ và có định hướng, có động lực rõ ràng để can thiệp hiệu quả cho con. Chị Nguyệt đã thay đổi tư duy, chị nhận ra những điều gì sau khi học zoom Chuyên sâu cùng các cô ạ?
Phải nói rằng, gặp MV là 1 sự may mắn của mình và của con. Mình đã như bị mù/ bị đi lạc trong cái thế giới của chứng bệnh thời đại. Mình thiếu thông tin/ thiếu kiến thức trầm trọng. Mình cần lắm sự hỗ trợ của các chuyên gia/ những người am tường/ những người có kiến thức về chứng bệnh này. Song song thời gian mình tìm trường can thiệp, mình cũng bắt đầu mò mẫm tìm thông tin qua mạng. Thì ôi thôi nó càng làm mình rối ren hơn bao giờ hết. Càng đọc càng rối, mọi thứ với mình rất mông lung bất định, người này nói thế này, người kia nói thế kia. Và đâu là đúng, đâu là cái mình nên theo. Mình bị lạc!
Và rồi khi gặp MV như gặp phải cái phao, mình bám vào đó và đc khai mở bóc tách từ từ qua những buổi học chung/ những buổi chia sẻ riêng. Mình hiểu đc bản chất của vấn đề/ hiểu được con mình hơn. Từ đó có kế hoạch đi cùng con trong từng hoạt động hằng ngày, trong từng câu nói với con.
Ngỡ ngàng khi con nói tốt hơn mỗi ngày
Con thay đổi khi ba mẹ bắt đầu thay đổi. Tư duy và cách hành động khác sẽ đưa đến kết quả khác. Vậy thì sau những thay đổi của chị, Bắp đã tiến bộ như thế nào?
Sau bao nỗ lực thì Bắp đã vô lớp 1 thành công, đã trải qua kì thi học kì 1 bắt đầu học kì 2. Bắp đã chủ động nói chuyện với cô giáo, chủ động xin thức ăn, rủ anh chị em họ trong nhà chơi cùng, biết đi xe scooter. Con thích đọc sách, thuộc rất nhiều bài thơ, bắt chước cách nói chuyện theo loa. Biết đòi hỏi, biết nói lên cảm xúc/ chính kiến của mình. Mừng nhất là tách ra khỏi mẹ, ko còn kè kè bám mẹ như trước đây.
Về ngôn ngữ, Bắp cũng đã có cải thiện rõ rệt. Trước đây bạn chỉ nói đc 1- 2 từ để giao tiếp/ để nói lên mong muốn/ nhu cầu của mình, không có câu cú đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ như bây giờ. Ví dụ, trước đây thì Bắp chỉ nói “ăn cơm/ coi tivi/ đi tắm….” Nhưng sau 3, 4 tháng sau khi theo MV thì bạn nói “mẹ ơi, mẹ cho con ăn cơm đi” và bây giờ thì “mẹ ơi, mẹ cho con ăn cơm đi, con đói bụng rồi, mình sẽ ăn gì vậy mẹ?”. Trước đây, mẹ chúc con ngủ ngon thì con cũng im lặng, sau 3, 4 tháng theo MV thì bạn nói lại “con chúc mẹ ngủ ngon” và bây giờ thì “bé yêu chúc mẹ yêu ngủ ngon, ngủ sớm để mai còn đi học nữa mẹ ạ” bằng 1 giọng nói trọ trẹ nũng nịu kiểu em bé mới biết nói, rồi dùng tay vuốt má mẹ nữa.
Rồi vô vàn những thay đổi khác nữa mà mình ko đủ thời gian mà kể ra ở đây. Không những cải thiện về ngôn ngữ mà còn tư duy nữa cô ạ. Như mới hôm qua, bà ngoại hỏi con “chiều con muốn ai đón con về, bà ngoại đón con nữa nhé!” thì bạn trả lời “hôm qua bà ngoại đón con rồi, hôm nay phải đến lượt bà Sắn chứ”… Ôi rất nhiều, rất nhiều sự thay đổi cô ạ.
Tuyệt vời quá chị Nguyệt! Nhiều ba mẹ cũng mong muốn được như Bắp. Muốn con chủ động giao tiếp với bạn bè, cô giáo, hay con có thể tự chủ làm những công việc cá nhân của con mà không cần sự nhắc nhở của ba mẹ. Tuy nhiên, đó là kết quả của cả một quá trình: bắt đầu từ áp dụng những kiến thức chuẩn, những phương pháp chuẩn và mẹ đồng hành bền bỉ tính bằng tháng, bằng năm.
Tăng cường giao tiếp – chìa khoá giúp con tiến bộ mỗi ngày
Sau khi hiểu rõ con học nói, con phát triển ngôn ngữ tốt chính là nhờ vào những hoạt động giáo dục hàng ngày. Cách chị tương tác với con đã khác biệt như thế nào so với trước đây? Chị có thể chia sẻ để các ba mẹ cùng rút kinh nghiệm và thay đổi nhé!
- Nói chuyện nhiều hơn với con. Nói bất cứ khi nào có thể. Bất cứ vấn đề gì/ đề tài gì. Trước đây mình không có nói nhiều vì thấy con ít tương tác nên nghĩ đó là tính cách mình ko can thiệp đc. Nhưng bây giờ, mình thấy suy nghĩ đó không đúng, do mình chưa biết cách để gợi mở cho con, chưa biết cách đặt câu hỏi để con có thể nương theo đó mà trả lời.
- Cách đọc truyện cho con. Trước đây sợ con ko hiểu nên cứ đọc theo cách của mình. Mình chỉ dùng những từ ngữ đơn giản dễ hiểu, và cứ thế lập tới lập lui mô tả tranh vẽ có sẵn trong truyện tạo ra 1 nội dung khác mà mình cho rằng nó gần gũi và dễ hiểu với con hoặc là vẫn dùng nội dung thật của truyện nhưng mình lại tóm tắt lại theo lối nói chuyện đơn giản của trẻ nhỏ. Và như thế đã vô tình làm giới hạn vốn từ của con, giới hạn sự phát triển ngôn ngữ của con rất nhiều.
- Đặt câu hỏi nhiều hơn. Trước đây cũng sợ con ko hiểu nên hỏi toàn câu hỏi có/ko. Không có câu hỏi mở. Ví dụ, trước đây mình hỏi “con đi công viên không?” thì mình sẽ nói rộng ra như thế này “vì là tuần này con dậy sớm đi học, là vì con không mè nheo với mẹ, là vì con ăn nhanh và gọn gàng nên mẹ sẽ thưởng cho con đi chơi công viên, con muốn đi công viên nào? Con sẽ chơi những trò chơi gì và sau khi đi chơi công viên thì còn muốn đi đâu nữa?”
- Tạo điều kiện cho con va chạm với thế giới hơn. Trước đây cứ hay sợ này sợ kia (sợ dơ/ sợ con té/ sợ con đau/ sợ con bị bạn ăn hiếp). Bây giờ mình suy nghĩ khác đi, con cần được trải nghiệm để tự có cảm nhận của riêng mình, tự đúc kết bài học cho mình và như thế sẽ trưởng thành hơn.
Wow mẹ Nguyệt ngày hôm nay đã thật khác mẹ Nguyệt của 9 tháng trước nhỉ. Bảo sao Bắp tiến bộ nhiều như vậy. Trong quá trình đồng hành cùng nhiều ba mẹ, Mẹ Việt gặp rất nhiều câu hỏi: Cô ơi, con có làm được cái này không? Con có biết cái kia không? Mẹ làm thế này được không? Hay là mẹ sợ con chưa biết? Và phần lớn những nỗi lo lắng, nỗi sợ này là vì ba mẹ chưa hiểu vấn đề của con. Quan trọng hơn, vì những sự không hiểu này mà ba mẹ đã vô tình giới hạn đi rất nhiều, đánh mất nhiều cơ hội giúp con tiến bộ nhanh. Khi và chỉ khi có kiến thức, hiểu rõ vấn đề của con thì ba mẹ mới vượt qua được nỗi sợ, bắt tay vào dạy con một cách tích cực, tin tưởng con. Lúc đó, kết quả sẽ giúp ba mẹ nhìn thấy con của mình có thể tiến bộ tuyệt vời như thế nào.
Cái loa thần thánh giúp con nói “hay”
Có một lần chị Nguyệt chia sẻ, nếu chị có cơ hội chia sẻ cùng các ba mẹ, chị sẽ thuyết phục ba mẹ sử dụng cho con cái loa vì nó quá “thần thánh”. Chị có thể chia sẻ là loa đã hỗ trợ Bắp phát triển như thế nào vậy ạ?
Đúng. Các mẹ hãy cho con nghe loa. Cái loa bây giờ trở thành người bạn rất thân với Bắp. Có thể ko tivi, ko dt, ko ipad nhưng phải có loa.
Loa giúp Bắp phát triển ngôn ngữ 1 cách diệu kỳ. Hầu như những câu nói Bắp nói đều là bắt chước từ trong loa. Đi ra đường thấy con chó thì chỉ mẹ, “mẹ ơi con chó là con cún đó mẹ, con cún này nó đang xa mẹ”. Thấy em bé khóc thì bạn nói “mẹ ơi, em Bon khóc liên hồi luôn á mẹ” (bạn nghe trong bài thơ cún con xa mẹ). Rồi 2 mẹ con đang chuẩn bị mặc áo đeo khẩu trang đi ra ngoài thì bạn nói “che tóc lại không là bị cháy nắng” (bạn nghe trong bài thơ yêu mẹ). “Mẹ ơi, ông mặt trời tỏa nắng kìa mẹ”, “con vô ý đánh rơi” (em cầm cái bát vô ý đánh rơi). Thấy kiến bò qua thì nói “con kiến gió kìa mẹ” (trong bài các loại kiến). Ôi nhiều lắm kể không hết được. Rồi nghe đến đâu mà ko hiểu thì hỏi lại mẹ chữ đó nghĩa là gì. Ngôn ngữ là sự bắt chước. Cho nên các mẹ hãy để con bắt chước loa nói để làm phong phú ngôn ngữ cho con nhé.
Loa có nhạc, âm nhạc giúp tâm hồn thư thái. Bắp hay nghe loa lúc vẽ tranh, lúc đánh răng, lúc tắm, lúc chờ mẹ, lúc đi học về, lúc ăn, lúc ngủ, lúc chơi… nói chung là khi nào cũng mở loa.
Thực tế thì khi được các cô Mẹ Việt giới thiệu về loa tắm ngôn ngữ, nhiều mẹ sẽ không thể mường tượng được cái loa bé nhỏ nhưng hiệu quả diệu kỳ. Chỉ có khi tự mình trải nghiệm, cho con nghe loa thì mới tin chị ha. Với các bé chậm nói thì việc đầu tiên và đơn giản nhất để bắt đầu đó là cho con nghe nội dung thơ, nhạc, đồng dao từ chiếc loa dc MV biên soạn riêng cho các bé chậm nói nhé. Ba mẹ hãy thực hành ngay và luôn giúp con phát triển ngôn ngữ ngay hôm nay nhé.
Hiệu quả của việc đọc sách theo lộ trình của riêng con
Em được biết là trước đây chị cũng đã mua sách khá nhiều và đọc sách cho Bắp từ sớm. Nhưng Bắp ít tập trung chú ý nên hiệu quả cũng không cao. Mỗi giai đoạn học tập phát triển ngôn ngữ của trẻ, Mẹ Việt thiết kế chương trình học cho con bao gồm cả sách, giáo cụ học tập riêng phù hợp với năng lực của con. Chị thấy các tài liệu các cô Mẹ Việt tư vấn cho chị như thế nào? Và cách các cô đồng hành, hướng dẫn chị sử dụng sách, giáo cụ dạy con có gì khác biệt so với tự chị mày mò và đọc cho con, dạy cho con?
Khác lắm. Mình mua không có sự chọn lọc. Mình chủ yếu thấy mình thích là mình mua chứ không rõ con đã đủ sức/ dư sức đọc những loại sách ấy hay không. Có các cô đi cùng, mình an tâm lắm, vì các cô đang nắm quá trình của con, cần cung cấp những sách gì tại thời điểm này. Hơn nữa, khi đi cùng con, thấy có vấn đề phát sinh gì thì nói với cô, cô sẽ đề xuất sách phù hợp. Sách và giáo cụ của Mẹ Việt thì khỏi bàn về chất liệu và màu sắc. Sự khác biệt giữa tự chọn sách/ giáo cụ cho con và việc để các cô tư vấn đề xuất sách, đó là các cô hướng dẫn cách chơi cùng con/ đọc cùng con.
Vâng chị, sách là một giáo cụ không thể thiếu với trẻ. Một số ba mẹ nghĩ rằng trẻ rlptk, tđgcy không đọc được sách, hoặc chỉ đọc được những sách đơn giản là sai lầm. Việc chọn sách cho các con sẽ khó khăn hơn, ba mẹ cần có kiến thức để lựa chọn các sách phù hợp năng lực của con. Còn với các bé trong khóa Chuyên sâu đồng hành, Mẹ Việt hiểu được năng lực của các con nên thiết kế cho các con một lộ trình đọc sách từ cơ bản đến nâng cao và chuyên sâu. Từng bước giúp các con phát triển ngôn ngữ, nhận thức và học tập tốt. Theo lộ trình đọc sách các cô thiết kế thì con sẽ có nhiều tiến bộ vượt trội nên các ba mẹ rất yên tâm.
Giúp con tăng khả năng tập trung
Một vấn đề mà các ba mẹ có con tđgcy rất quan tâm. Làm thế nào để con giảm hành vi tăng động giảm chú ý? Chị đã từng bước giúp Bắp học tập tập trung như thế nào? Ba mẹ cần lưu ý những gì để giúp con tăng khả năng tập trung?
-Thuốc: theo bác sĩ thì mình không bàn ở đây rồi hen.
– Dinh dưỡng: bỏ sữa bò tươi thay bằng sữa hạt. Không ăn mì gói và nhiều kẹo bánh. Ăn trái cây, uống nước ép, nước lọc.
– Giải pháp giáo dục: Mình chọn Mẹ Việt đi cùng với mình để hiểu rõ hơn về cách tư duy của trẻ, đặc biệt là trẻ tăng động giảm chú ý, để nắm rõ lý thuyết cho đến thực hành cách dạy/ cách truyền đạt cho trẻ dựa trên khung năng lực có sẵn của mình. Mình thực hành, rồi quay phim lại, gởi về cho các cô chỉnh sửa và mình lại thực hành lại dựa trên những chỉnh sửa góp ý của các cô. Ví dụ cách đọc truyện cho con nghe, cách tương tác với con qua sách tương tác, cách hướng dẫn con các cách vận động tinh/ vận động thô. Thậm chí mình còn quay lại cho các cô xem những khoảnh khắc nhõng nhẽo trả treo của con với mình, để các cô có chỉnh sửa trên thực tế trên sự việc thật.
Không biết các mẹ khác sao chứ cá nhân mình thấy việc sửa bài qua việc quay video vầy là rất hiệu quả và thực tế. Mình có cơ hội xem lại chính cách nói năng/ trình bày của mình với con và cả phản ứng của con như thế nào. Qua đó các cô phân tích, mổ xẻ để mình rút ra được những điểm cần hoàn thiện của mình cũng như những điểm cần phát huy tiếp. Các cô có 1 group chung, các mẹ post bài lên đấy, và tụi mình cũng có cơ hội để xem cách các mẹ tương tác với con, qua đó cũng rút ra được kinh nghiệm cho mình nữa đó. Việc quay video nó còn tạo cho mình động lực là phải chuẩn bị bài vở đàng hoàng trước khi dạy con nữa. Hôm nào không chuẩn bị là bị các cô phát hiện ra ngay :P . Nói chung lại mình rất thích phương pháp quay video lại để các cô chỉnh sửa trên đó, mình coi đi coi lại rất nhiều lần sau đó và rút ra được phương pháp chuẩn để dạy con. Mình đã từng làm đi làm lại rất nhiều lần để chỉnh sửa cái lỗi bị các cô phát hiện, và giờ giống như là thuộc nằm lòng luôn khi dạy con đó các mẹ.
Vâng, đây cũng là khó khăn của phần lớn ba mẹ khi can thiệp cho các bạn đặc biệt. Lúc học thì dễ nhưng đến lúc thực hành lại khó, ba mẹ có thể quên mất lý thuyết hoặc là mình sai mà không biết sai ở đâu luôn. Chính vì thế, mỗi video các cô đều sửa bài rất kỹ. Hướng dẫn mẹ ngôn ngữ phù hợp, cách tương tác đúng cách với con. Học qua những video này ba mẹ rút kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật dạy con rất nhanh. Em vẫn còn nhớ mỗi 1 lần các cô sửa bài chị lại vỡ lẽ, à chị hiểu rồi. Để chị xé nháp làm lại. Và trong suốt hơn 9 tháng qua, em đếm không biết bao nhiêu lần chị xé nháp. Nhưng mỗi một video lại thấy chị thay đổi cách dạy con: đơn giản hơn, tự nhiên hơn, Bắp dễ hiểu hơn. Kỹ năng dạy của mẹ càng tiến bộ thì con càng được hưởng lợi, phải không nào ^^
Người bạn đồng hành thân thiết của mẹ
Trên hành trình can thiệp cho con, các cô Mẹ Việt đã đồng hành hỗ trợ chị như thế nào? Và chị có cảm nhận gì về các cô Mẹ Việt?
Tuyệt vời! Gặp được các cô mình như có người trao tấm bản đồ và cùng đi song song với mình vậy. Các cô lắng nghe và cùng phân tích vấn đề với mình từ những ngày đầu cho đến bây giờ. 2 khóa học đã kết thúc, nhưng các cô vẫn luôn song hành với mình. Các cô rất tận tình giúp đỡ, hỗ trợ. Gửi clip cho các cô xem là các cô hướng dẫn, chỉ cách cho các mẹ thực hành rất chi tiết và rõ ràng từng câu từng chữ. Thắc mắc ở đâu chỉ cần nhắn tin là các giải quyết cho mình nhanh gọn. Như mình có nói trong những ngày đầu tiếp xúc với các cô Mẹ Việt, các cô đang làm 1 việc rất là phước đức cho các con, cho những người mẹ có con là những con ốc sên như vầy. Vì không có các cô, những người mẹ này thật sự không biết bám víu vào đâu. Vì ở Việt Nam mình thực sự chưa có 1 tổ chức nào có thể hỗ trợ cho những đối tượng như vậy cả.
Vâng, chính vì ở Việt Nam mình chưa phổ biến can thiệp gia đình. Vậy nên Mẹ Việt càng quyết tâm trở thành đơn vị giáo dục hướng đến ba mẹ, giúp ba mẹ hoàn thiện mảnh ghép giáo dục cho trẻ đặc biệt tại gia đình. Để chia sẻ phần nào những áp lực, khó khăn và hỗ trợ ba mẹ can thiệp hiệu quả cho con tại nhà.
Tương lai con nằm trong bàn tay mẹ
Các cô vẫn còn nhớ những ngày đầu khi chị vào khoá học Chuyên sâu, khi nghe giảng chị rất chăm chú. Nhưng bên cạnh đó cũng phảng phất 1 nét căng thẳng, trầm tư rất nhiều. Vì lo lắng cho con, vì những áp lực vô hình đang đè nặng trên đôi vai của chị. Tuy nhiên, sau 2 tháng, 3 tháng đồng hành, mọi người đều rất bất ngờ vì mỗi lần hiện diện mẹ Bắp lại cười rạng rỡ, năng lượng tích cực và lạc quan tràn đầy. Về điều này chị có chia sẻ gì không?
Ai đã làm mẹ rồi thì sẽ hiểu cảm giác của mình. Đặc biệt là làm mẹ của những đứa trẻ đặc biệt. Lo lắng cho 1 tương lai mịt mờ, bi quan cho 1 cuộc đời ảm đạm của con. Nhưng khi gặp MV, mình ý thức được rằng, tương lai của con nó còn phụ thuộc vào mình, mình nắm đc bản đồ trong tay rồi, vấn đề là ở mình có đủ thời gian và kiên nhẫn cho con hay ko thôi. Nghĩ như thế mình lạc quan hơn rất nhiều, tích cực hơn nhiều, mình vạch ra lộ trình cho mình, mình làm mới mình trước để có đòn bẩy/ có động lực/ có sức mạnh để đi cùng con ốc sên của mình nữa.
Đứng dậy từ đáy của sự tiêu cực
Và cả thấy được con mỗi ngày đều có tiến bộ mới nên mẹ mới yên lòng, có thể thở phào nhẹ nhõm. Sự lạc quan của mình cần có cơ sở đúng không chị :) Mẹ Bắp không chỉ lạc quan hơn mà mẹ Bắp còn trở thành người truyền cảm hứng cho các mẹ trong lớp MVK29 của mình. Chị thường xuyên chia sẻ, động viên, cổ vũ các mẹ trong lớp cố gắng lên. Hãy làm tất cả hết sức mình để không bỏ lỡ thời gian của con. Mẹ Bắp như là “chị cả tinh thần” của các mẹ, truyền cho các mẹ năng lượng tích cực, cho các mẹ thêm sức mạnh để đồng hành cùng con. Nhờ vậy mà nhiều bé trong lớp MVK29 tiến bộ rất tốt. Chị cũng kết thêm được nhiều “chị em”, có thêm nhiều mối quan hệ chất lượng ngoài đời thực. Chị có thể nói đôi lời về việc này không?
Tại mình đã trải qua các cung bậc cảm xúc đó rồi á cô Thương. Cho nên mình rất hiểu cảm xúc của các mẹ. Mẹ Bắp đã từng ở dưới đáy của sự bi quan/ tiêu cực. Đã từng rất đau khổ và tuyệt vọng. Tự dày vò chính bản thân mình rất nhiều. Nhưng mà rồi mình ý thức được rằng, cứ chìm đắm trong cái vũng ấy thì không thể giải quyết được gì, con mình càng tệ hại hơn nữa. Thế nên mình phải dọn dẹp chính mình trước, tưới tắm mình lại, làm mới mình lại để mà mình còn giúp con mình. Vì không ai có thể giúp con mình ngoài mình được cả. Cho nên mình thương con là mình phải thương mình trước. Mình luôn tâm niệm rằng, không phải tự nhiên mà con mình đến với mình. Con đến với mình để dạy cho mình những bài học. Nói theo nhà Phật là có duyên/ có nợ với nhau, mình không thể chối bỏ được. Nên thay vì đau khổ chán chường thì mình hãy thay đổi để tiếp nhận điều mình cho là không may, không vui ấy để mà bước tiếp. Mình cứ hết sức/ hết lòng rồi thì sẽ được đền đáp. Mình tin như vậy!
Cảm ơn chị đã lan toả những thông điệp yêu thương tích cực. Truyền thêm động lực cho các ba mẹ đồng hành cùng con.
Hành trình học lớp 1 của con
Hiện tại, Bắp đang là cô học sinh lớp 1, và mẹ Bắp cũng đang là học viên lớp Mẹ Việt Level 2 – Khoá Phát triển kỹ năng học tập và Kỹ năng tương tác xã hội cho trẻ rlptk, tđgcy. Để giúp con hòa nhập học đường. Nhiều ba mẹ nghĩ rằng con vào tiểu học là trăm sự nhờ cô giáo. Ba mẹ dạy con ở nhà thêm thì dạy được gì thì dạy, “được đến đâu hay đến đó”. Bản thân chị đã có trải nghiệm, chị thấy ba mẹ có cần “học” không? Sự học của ba mẹ quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của con? Chị hãy chia sẻ thêm về hành trình đồng hành cùng con học lớp 1 được không ạ?
Rất rất cần. Sự học ko bao giờ là đủ, nhất là là đối với các trẻ đặc biệt này. Mình vẫn hay nói vui, nghề ba mẹ là 1 nghề khó, nó đòi hỏi rất nhiều kĩ năng và khung năng lực để có thể làm đúng, làm tốt. Để có kỹ năng thì phải học và ko dừng trau dồi thì mới có thể giúp con mình phát triển toàn diện và đồng bộ. Không những trẻ đặc biệt như con của tụi mình ở đây mà những đứa trẻ khác đề cần phải được dạy dỗ để phát triển và thành người có ích cho gia đình & XH. Chia sẻ thêm về hành trình đồng hành cùng Bắp học lớp 1:
Mình phải bám sát với cô qua sổ báo bài, qua đt, tin nhắn, các nội dung dạy trên lớp của cô cần được đồng bộ với mình khi dạy ở nhà cho con. Bên cạnh việc giúp con ôn tập bài ở lớp, mình vẫn tiếp tục đồng hành dạy kèm con nâng cao nhận thức qua sách và học cụ hằng ngày. Duy trì đọc truyện/ đọc sách hằng ngày. Vì nhận thức có đủ thì kiến thức sẽ rất dễ dàng được hấp thu. Nên việc này sẽ phải được tiến hành song song. Ngoài ra cũng tạo điều kiện cho con tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn bằng cách cho con ra ngoài vào dịp cuối tuần như đi công viên, đi bơi lội, tắm biển, camping, picnic…
Vâng đây là kinh nghiệm mẹ Bắp rút ra dc khi Bắp sắp hoàn thành chương trình lớp 1 rồi, chắc nhiều ba mẹ cần lắm đây.
Hiện tại qua chia sẻ nãy giờ, em thấy chị đã có định hướng rõ ràng về việc đồng hành cùng con mỗi ngày rồi. Vậy với những ba mẹ còn đang hoang mang, đang loay hoay tìm cách hỗ trợ cho các bạn chậm nói, đặc biệt là các bạn tđgcy, chị có lời khuyên gì dành cho các ba mẹ?
Các mẹ cần lắm sự bình tĩnh và sáng suốt trong việc lựa chọn sàng lọc thông tin trên mạng. Dành thời gian nghiên cứu/ lựa chọn đơn vị cơ sở hỗ trợ mình trên hành trình đồng hành cùng con. Khi tìm đc đơn vị hỗ trợ mình rồi thì cần lắm sự kiên nhẫn, bền bỉ, lạc quan, tích cực và luôn hướng về phía trước.
Lời kết
Rất cảm ơn những chia sẻ của chị Nguyệt. Mẹ Việt tin rằng những chia sẻ của chị đã giúp các ba mẹ vững tin vào tương lai tươi sáng của con. Ba mẹ hãy luôn tin rằng các con hoàn toàn có thể đến trường, học tập tốt như bao bạn đồng trang lứa khác. Đồng thời, ba mẹ cũng thêm niềm tin đồng hành dạy con tại nhà. Ba mẹ hoàn toàn có thể học cách tự can thiệp, tự dạy con hiệu quả tại nhà. Chỉ cần ba mẹ đủ sự quyết tâm và kiên trì. Mẹ Việt sẽ luôn đồng hành cùng ba mẹ :)
- Hành trình 4 tháng mẹ dạy con tăng động giảm chú ý tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Mười Một 9, 2024
- Quả ngọt 9 tháng mẹ can thiệp cho con tăng động giảm chú ý học lớp 1 học tốt - Tháng Sáu 6, 2024
- Bài Test Sàng Lọc Tự Kỷ M-Chart-R (dành cho trẻ từ 16-30 tháng tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Mức Độ Tự Kỷ Của Trẻ CARS (dành cho trẻ trên 2 tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 25-30 tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 55-60 tháng - Tháng Năm 4, 2023