Sau chủ đề sốt ở trẻ em, mình rất vui khi nhận được phản hồi tích cực từ các mẹ. Những tâm sự như kiến thức thực tế, áp dụng hiệu quả cho con là nguồn động lực lớn để mình tiếp tục chia sẻ. Bên cạnh đó, mình cũng nhận được nhiều thắc mắc về sốt phát ban. Đây là một bệnh hay gặp ở trẻ với “nhận dạng” dễ gây hoang mang cho các mẹ. Nhưng kỳ thực, hiểu đúng về sốt phát ban mẹ sẽ thấy bệnh này không “khó trị” như mẹ nghĩ. Nào, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Mục Lục Bài Viết
Sốt Phát Ban Là Gì?
Trẻ sốt phát ban thường làm mẹ lo lắng với triệu chứng khởi đầu là sốt cao kéo dài. Sau 3-5 ngày, con hạ sốt, mẹ chưa kịp mừng thì… Chao ôi! Con bị PHÁT BAN!!! Dây thần kinh của mẹ chưa chùng xuống lại vội vã căng lên. Rốt cuộc bệnh này, dấu hiệu này có nguy hiểm không? Câu trả lời sẽ được sáng tỏ sau khi mẹ hiểu rõ về 3 vấn đề sau của sốt phát ban:
- Sốt phát ban là gì?
- Biểu hiện, cách phân biệt sốt phát ban của con là nguy hiểm hay lành tính?
- Mẹ chăm sóc con như thế nào để nhanh khỏi bệnh?
Trước hết mẹ cần biết sốt phát ban hay sốt siêu vi phát ban là do virus gây ra. Virus ở đây không phải là một mà là hàng trăm, hàng ngàn con các mẹ ạ.
Bệnh nguy hiểm hay không phụ thuộc vào virus gây bệnh là loại nào. Cụ thể, bệnh sởi, rubella (do virus sởi, rubella gây ra) được xếp vào nguy hiểm vì nguy cơ biến chứng cao. Tuy nhiên bệnh có vắc xin phòng ngừa nên mẹ không phải quá lo lắng đâu.
Các sốt phát ban còn lại hầu hết do virus herpes 6 hoặc 7 gây ra và được xếp vào diện lành tính. Nếu con nhiễm sốt phát ban loại này mẹ có thể thở phào nhẹ nhõm rồi đấy. Bệnh thường chỉ kéo dài từ 5-7 ngày, các nốt ban sẽ tự lặn mà không hề để lại sẹo.
Vậy làm sao mẹ biết sốt phát ban của con là nguy hiểm hay lành tính? Mẹ dựa vào các biểu hiện của bệnh để phân biệt nhé.
Biểu Hiện Của Sốt Phát Ban Lành Tính
- Trẻ bắt đầu với triệu chứng sốt cao trên 39.5°C ngay khi nhiễm bệnh, kéo dài từ 3-5 ngày.
- Bệnh thường kèm theo các triệu chứng: ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm họng, buồn nôn, tiêu chảy,…
- Khi bắt đầu hạ sốt, trẻ có dấu hiệu phát ban. Ban có thể là nốt mẩn đỏ hay đốm da màu đỏ/hồng. Một số nốt có thể có vòng tròn trắng bao quanh. Ban nổi bắt đầu ở ngực, bụng, lưng rồi lan dần đến cổ, cánh tay nhưng không nổi ở mặt và chân.
- Các nốt ban sẽ tự biến mất sau vài ngày mà không gây khó chịu gì cho trẻ.
Chi tiết: Bé Nổi Mẩn Đỏ Khắp Người Sau Sốt Là Bệnh Gì? Cách Mẹ Chăm Sóc Tại Nhà
Nếu mẹ thấy những dấu hiệu đặc trưng của sốt phát ban dạng lành tính này ở con, mẹ có thể yên tâm rồi đó. Mẹ bình tĩnh và kiên nhẫn chăm sóc con theo đúng hướng dẫn, con sẽ hồi phục nhanh thôi.
Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn thận trọng. Có thật bệnh của bé nhà em là lành tính không? Lành tính mà sao ban nổi dày quá chị Thuần ơi? Để mẹ thực sự yên tâm, mình hướng dẫn mẹ cách phân biệt sốt phát ban với sởi, rubella nha!
Cách kiểm tra nhanh nhất là mẹ mở sổ tiêm chủng của con ra. Mẹ lật trang chủng ngừa sởi, rubella xem con được tiêm đầy đủ 2 mũi chưa. Con đã tiêm vacxin thì tỷ lệ mắc bệnh rất thấp, mẹ có thể loại trừ hai bệnh này.
Nếu chưa tiêm chủng, con vẫn có nguy cơ nhiễm sởi, rubella. Mẹ quan sát kỹ biểu hiện của con và đối chiếu bảng sau nhé.
Phân Biệt Sốt Phát Ban Với Sởi, Rubella
*Koplik là các hạt nhỏ 0,5-1 mm màu trắng có quầng ban đỏ ở trên niêm mạc miệng. Mẹ có thể tự xem hoặc nhờ các bác sĩ kiểm tra.
Oke, đến đây mẹ đã có thể xác định được con nhiễm sốt phát ban hay sởi, rubella rồi phải không?
Mẹ chú ý nè, nếu có dấu hiệu nhiễm sởi, mẹ nên sắp xếp đưa trẻ đến bệnh viện sớm. Các bác sĩ sẽ chăm sóc và theo dõi biến chứng, cấp cứu kịp thời cho con khi cần. Rubella thì tuyệt đối hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan virus, đặc biệt là cho mẹ bầu.
Dù bệnh nguy hiểm hay không thì mỗi lần con bệnh cũng khiến mẹ lắc đầu ngán ngẩm. Chi bằng mẹ cứ tiêm phòng đầy đủ cho con để chẳng phải lo lắng nhiều, phải không nào!
Cuối cùng, nếu con chỉ nhiễm sốt phát ban lành tính, mẹ yên tâm chăm sóc con tại nhà nhé!
Chăm Sóc Hiệu Quả Trẻ Sốt Phát Ban
Để chăm sóc hiệu quả thì trước hết mẹ xem con sốt bao nhiêu độ, con sốt cao hay thấp? Nếu sốt cao mẹ cần hạ sốt cho con phù hợp để tránh mệt mỏi và biến chứng. Cách hạ sốt cho trẻ an toàn, hạn chế dùng thuốc hạ sốt mẹ tham khảo TẠI ĐÂY.
Riêng sốt phát ban ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi ban nổi cũng là lúc thân nhiệt con bắt đầu hạ. Vì vậy việc quan trọng lúc này không còn là tập trung hạ sốt nữa. Mà mẹ cần chăm sóc làn da của con đúng cách để các nốt ban nhanh lặn nhé!
Chăm Sóc Da Cho Trẻ Sốt Phát Ban
Để làn da của trẻ mau trở lại trắng hồng, mịn màng mà không để lại sẹo, mẹ tuân thủ những yếu tố sau:
Vệ sinh da: Tắm cho trẻ thận trọng để giữ da trẻ luôn sạch sẽ.
Có mẹ vừa nghe đến đây đã giật mình thắc mắc: “không được em ơi, sốt phát ban phải kiêng tắm chứ!” Câu chuyện này nói ra thì dài nên các mẹ muốn tìm hiểu rõ có thể đọc bài viết:
Bé Bị Sốt Phát Ban Có Tắm Được Không?
Giảm ngứa: trẻ phát ban có thể bị ngứa hoặc không. Khi ngứa con sẽ gãi dẫn đến trầy xước và để lại sẹo. Để giúp con giảm ngứa, mẹ có thể sử dụng thuốc giảm triệu chứng ngứa. Tuy nhiên, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nhé. Các loại thuốc này thường có thành phần corticoid, tác dụng nhanh nhưng tác dụng phụ cũng nhiều.
Mình thì ít khi dùng thuốc cho con lắm. Mình chuộng cách nấu nước lá tắm cho con, vừa sạch, vừa hết ngứa lại thoang thoảng mùi thiên nhiên. Qua quá trình học tập ở trường Đông y mình có tổng hợp lại một số lá thường dùng tắm cho bé rất mát. Mẹ xem chi tiết về cách chọn lá và cách dùng qua bài viết: Sốt Phát Ban Tắm Lá Gì Cho Trẻ Để Nhanh Khỏi Bệnh
Ăn Uống Và Nghỉ Ngơi
Uống nhiều nước: mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước nha. Mẹ cho con uống đa dạng từ nước lọc, nước ép hoa quả, rau má, diếp cá,… đều rất tốt.
Thức ăn phù hợp: con thích các món ăn dễ tiêu như cháo, súp, ngũ cốc đấy mẹ ơi! Con ốm không ăn được nhiều một lần nên mẹ chia nhỏ thành nhiều bữa cho con nhé! Mẹ có thể tham khảo những món nên ăn và những món nên kiêng khi con sốt phát ban trong bài viết: Trẻ Bị Sốt Phát ban Nên Ăn Gì?
Nghỉ ngơi: con thường mệt mỏi nên cần nghỉ ngơi nhiều trên giường. Mẹ có thể xoa bóp tay chân cho con đỡ mỏi.
Nhiều mẹ truyền tai nhau sốt phát ban ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió, kiêng nhiều món ăn các kiểu. Trong những “bí kíp truyền miệng” này cũng có cái đúng nhưng cũng lắm cái chưa đúng. Mẹ nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng nhé. Một số kiêng cữ nên và không nên, mẹ xem bài viết Sốt Phát Ban Ở Trẻ Em Cần Kiêng Gì Để Nhanh Hết?
Chăm con mới thấu lòng cha mẹ! Đặc biệt là chăm con ốm phải không các mẹ. Bên cạnh việc chăm sóc con đúng cách, mẹ cũng cần theo dõi liên tục các biểu hiện, tiến triển bệnh của con để có giải pháp phù hợp nhé.
Dấu Hiệu Nguy Hiểm Ở Trẻ Mẹ Cần Đưa Đi Khám Sớm
Con ốm mẹ và gia đình cần chăm sóc và theo dõi thường xuyên, liên tục. Nếu con có những dấu hiệu bất thường như sau thì mẹ cần đưa bé đi khám sớm:
- Trẻ sốt cao hơn 39.5-40°C, uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ.
- Trẻ bị sốt phát ban và sốt kéo dài hơn 5 ngày.
- Các nốt ban không có dấu hiệu thuyên giảm sau 3 ngày.
- Vị trí phát ban xuất hiện mủ, rỉ dịch, sưng lên.
- Có dấu hiệu rối loạn về tri giác: quấy khóc, lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê, thở gấp,…
- Có dấu hiệu phù ở mặt, chân hoặc toàn thân.
- Các dấu hiệu khác mà mẹ nghĩ là bất thường.
Chỉ cần có một trong những triệu chứng kể trên, mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám sớm nhé. Các biến chứng hay nhiễm trùng được phát hiện kịp thời sẽ không gây nguy hiểm cho con.
Nói chung, con mệt thì mẹ cũng không bao giờ khỏe được. Nên mẹ hãy chủ động phòng ngừa sốt phát ban để con luôn khỏe mạnh và vui tươi nhé.
Cách Phòng Ngừa Sốt Phát Ban Cho Trẻ
Mẹ phòng ngừa cho trẻ tốt nhất khi biết nguyên nhân và cách con bị lây nhiễm sốt phát ban.
Như mình đã chia sẻ ở trên, sốt phát ban do virus herpes 6, 7 gây ra. Bệnh chủ yếu lây nhiễm qua đường hô hấp. Trẻ bị nhiễm bệnh khi nói chuyện, ho, hắt hơi sẽ làm bắn ra các dịch có chứa mầm bệnh. Các dịch này dính vào các trẻ khác và gây bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây gián tiếp qua dùng chung vật dụng cá nhân. Ví dụ, con đi học ở trường uống chung ca nước với bạn nhiễm bệnh thì cũng bị lây nhiễm.
Như vậy dựa vào cách thức truyền bệnh sốt phát ban, mẹ có thể hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ bằng cách:
- Trong thời điểm có dịch bệnh, mẹ nên cho trẻ ở nhà để tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Mẹ hạn chế cho trẻ đến các nơi công cộng. Nếu phải đến những nơi này, mẹ nhớ cho trẻ tránh xa tay vịn cầu thang, tay nắm cửa,… ở nơi công cộng. Những vị trí này nhiều người tiếp xúc có thể tiềm ẩn mầm bệnh virus.
- Mẹ luôn rửa tay sạch trước khi tiếp xúc với trẻ.
- Mẹ tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi chơi, đi vệ sinh.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý. Mẹ khuyến khích trẻ vận động nhiều. Thay đổi thói quen nâng cao đề kháng tự nhiên cho con thay vì dùng thuốc sẽ mang lại hiệu quả tích cực lâu dài.
- Chích ngừa vắc xin cho trẻ đúng lịch để bảo vệ sức khỏe trẻ trước những bệnh nguy hiểm.
Tổng Kết
Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một trong những bệnh phổ biến của trẻ. Phổ biến đến mức hầu hết các trẻ đều sốt phát ban ít nhất một lần trong đời. Tuy vậy, quá trình điều trị sốt phát ban lại không cần sử dụng quá nhiều thuốc. Sốt phát ban cần nhất là trẻ được nghỉ ngơi nhiều, ăn uống hợp lý và tránh bội nhiễm.
Mình hiểu tâm lý các mẹ muốn con mau hết bệnh nên thường cho trẻ uống thuốc. Nhưng thuốc dùng nhiều thì gây tác dụng phụ, dùng không đúng lại ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy, mình hi vọng, các mẹ bỏ chút thời gian tìm hiểu về bệnh để biết cần dùng thuốc hay không. Dành vài phút mỗi ngày tìm hiểu những cách nâng cao đề kháng tự nhiên cho con. Nếu mẹ cần hỗ trợ về kiến thức hay kinh nghiệm, mẹ liên hệ mình tại đây. Hoặc mẹ cũng có thể kết nối và nhận chia sẻ, hỗ trợ từ hàng ngàn mẹ Việt tại Cộng Đồng Mẹ Việt. Thay đổi nhỏ của mẹ hôm nay sẽ tạo nên thành quả lớn cho con trong tương lai. Mẹ đã sẵn sàng chưa nào ^^
- 5 tháng mẹ dạy con chậm nói từ nói TỪ ĐƠN đến CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP - Tháng Tám 9, 2024
- Mẹ can thiệp chậm nói thành công cho 2 bé sinh đôi (chậm đơn thuần và rối loạn phổ tự kỷ) - Tháng Bảy 24, 2024
- 5 tháng mẹ can thiệp chậm nói cho con 7 tuổi tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Bảy 5, 2024
- 2 tháng mẹ học tự dạy con chậm nói nói cả câu: “Chúc ba mẹ ngủ ngon” - Tháng Sáu 3, 2024
- Mẹ sống ở Đức tự can thiệp chậm nói giúp con cải thiện vượt bậc - Tháng Sáu 3, 2024
- Sống ở nước ngoài, mẹ can thiệp chậm nói cho con tại nhà thành công - Tháng Năm 29, 2024
- Hành trình kỳ diệu 3 tháng mẹ vượt vũ môn giúp bé tự kỷ kịp vào lớp 1 - Tháng Ba 12, 2024
- Hành trình 3 tháng mẹ can thiệp con bập bẹ 10 từ đơn đến nói cả câu! - Tháng Ba 7, 2024
- Vượt ngoài mong đợi, mẹ dạy bé tự kỷ 1 tháng nói được 100 từ đôi - Tháng Một 16, 2024
- Biết ơn Cô Thuần Mẹ Việt cho mẹ niềm tin can thiệp thành công cho con - Tháng Chín 25, 2023
- Hành trình 5 tháng mẹ dạy con học nói từ chưa bật âm đến nói cả câu - Tháng Tám 27, 2023
- 10 tháng ròng can thiệp tại nhà thành công cho bé rối loạn phổ tự kỷ - Tháng Năm 30, 2023