Thủy đậu là bệnh lành tính có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên những nốt phỏng thủy đậu lại gây ra nhiều phiền toái đặc biệt là trẻ em, thậm chí có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ nếu không biết chăm sóc đúng cách. Trẻ được tiêm vắc xin phòng thủy đậu có khả năng phòng bệnh lên đến 97%. Vậy tiêm phòng thủy đậu bao nhiêu tiền? Tiêm phòng thủy đậu mấy mũi? Mình sẽ cùng các mẹ tìm hiểu nhé!
Mục Lục Bài Viết
Thủy Đậu Là Gì?
- Thủy đậu (dân gian mình thường gọi là bệnh trái rạ) do vi rút Varicella Zoster (VZV) gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất.
- Thủy đậu có thời gian ủ bệnh từ 10-20 ngày. Thủy đậu bắt đầu với những biểu hiện như sốt, đau đầu hay đau cơ, mệt mỏi hoặc chán ăn. Sau đó, bé sẽ xuất hiện những nốt tròn đỏ (nốt rạ) trong khoảng 12-24 giờ. Những nốt rạ sẽ dần tiến triển thành các mụn nước (nốt phỏng) có chứa dịch trong, có thể mọc toàn thân hoặc rải rác khắp cơ thể, trung bình từ 100–500 nốt.
- Bệnh thủy đậu sẽ kéo dài từ 5–10 ngày nếu không có biến chứng. Các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước thì có thể để lại sẹo. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, nếu không cẩn thận làm vỡ những mụn nước cũng sẽ để lại sẹo lõm.
Bệnh Thủy Đậu Có Lây Không?
– Bệnh thủy đậu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp (nói chuyện, ho, hắt hơi…) khi tiếp xúc với người bệnh.
– Khi nốt phỏng bị vỡ, dịch các nốt này có thể bị dây ra xung quanh hoặc dính vào các đồ dùng sinh hoạt của bệnh nhân như quần áo, khăn, ga trải giường… Người khác tiếp xúc với những vật dụng có mầm bệnh này cũng dễ bị lây bệnh.
– Trong thời gian ủ bệnh, dù không có một triệu chứng lâm sàng nào cụ thể nhưng người bệnh đã có khả năng lây bệnh. Thế nên thủy đậu có khả năng lây lan âm thầm và bùng phát thành dịch lớn vào các đợt cao điểm thường từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm.
Cách phòng ngừa tốt nhất là các mẹ cho con và các thành viên trong gia đình tiêm phòng vắc xin ngừa thủy đậu. 90% những người đã chủng ngừa thủy đậu sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), và thường là không bị biến chứng.
Phòng Ngừa Bệnh Thủy Đậu Bằng Tiêm Phòng Vắc Xin
Đối Tượng Nào Cần Tiêm Phòng Thủy Đậu?
Tất cả mọi người đều cần được tiêm phòng thủy đậu, đặc biệt:
- Trẻ em: hệ miễn dịch non nớt của trẻ em dễ bị virus thủy đậu tấn công. Khi bị bệnh, trẻ rất khó chịu, chăm sóc cho trẻ vất vả và có nguy cơ bị biến chứng cao, gây nguy hiểm cho trẻ.
- Phụ nữ chuẩn bị mang bầu:
- Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.
- Khi thai kỳ trong khoảng 13–20 tuần đầu, mắc bệnh thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, mắc chứng đầu nhỏ… ). Còn nếu mẹ bị mắc thủy đậu trong những ngày sắp sinh, con bị lây bệnh với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.
Chính vì vậy, ngay khi có ý định mang bầu, các chị em hãy chủ động tiêm phòng thủy đậu (tham khảo lịch tiêm chủng bên dưới để biết thời gian tiêm chủng phù hợp).
Ngoài ra, những thành viên khác trong gia đình nếu chưa từng bị mắc thủy đậu cũng nên chủ động tiêm phòng thủy đậu để tránh lây nhiễm cho trẻ khi trẻ chưa đến tuổi chích ngừa.
Tiêm Phòng Thủy Đậu Bao Nhiêu Tiền?
Có 4 loại vắc xin phòng ngừa thủy đậu gồm: Varivax (Mỹ), Varilix (Bỉ), OKavax (Pháp) và Varicella (Hàn Quốc). Giá các loại vắc xin dao động như sau:
- Varivax: 624.000đ – 805.000 đ/ mũi.
- Varilix: 370.000 đ/ mũi.
- OKavax: 480.000 đ/ mũi.
- Varicella: 700.000 đ/ mũi.
Tùy vào vắc xin có tại trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng dịch vụ và mức giá vắc xin mà các mẹ lựa chọn vắc xin phù hợp cho con nhé.
Tiêm Phòng Thủy Đậu Mấy Mũi?
Tiêm phòng thủy đậu gồm 2 mũi. Thời gian tiêm giữa các mũi có sự khác nhau theo độ tuổi. Các mẹ tham khảo lịch tiêm chủng sau:
- Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi: tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 3 tháng. Riêng trẻ dưới 4 tuổi: mũi 1 lúc 12 tháng tuổi, mũi 2 lúc 4-6 tuổi.
- Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1,5 tháng.
- Phụ nữ có kế hoạch sinh con cần tiêm phòng vắc xin thủy đậu trước khi mang thai từ 3 đến 5 tháng (3 tháng với vắc xin Varicella và 5 tháng với vắc xin Varivax).
Lưu Ý Khi Tiêm Phòng Thủy Đậu
Ngoài những lưu ý thông thường khi tiêm vắc xin, mẹ lưu ý những điểm sau:
- Vắc xin thủy đậu cần ít nhất 1-2 tuần mới có thể phát huy tác dụng. Các mẹ chú ý đưa con đi tiêm chủng trước mùa dịch ít nhất 1 tháng để kịp bảo vệ con.
- Vắc xin thủy đậu là vắc xin sống, giảm độc lực, có thể tiêm CÙNG LÚC với vắc xin ngừa các bệnh khác như sởi – quai bị – rubella, hay 5 trong 1, 6 trong 1, tiêm cùng lúc với uống vắc xin bại liệt OPV. Tuy nhiên, nếu không tiêm cùng lúc, thì phải cách nhau từ 6 tuần trở lên để đảm bảo vắc xin tạo ra được kháng nguyên bảo vệ cơ thể.
- Một số vắc xin chỉ cần tiêm 1 liều, tuy nhiên, vẫn có khuyến cáo để đạt được hiệu quả bảo vệ tối ưu, có thể tiêm thêm 1 mũi nhắc.
Tác Dụng Phụ Của Vắc Xin Thủy Đậu
Một số tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin thủy đậu là:
- Sưng đau, tấy đỏ, ngứa, tụ máu, nổi cục cứng tại vị trí tiêm.
- Ngứa, sốt, và phát ban, có thể biểu hiện trong vòng 1-3 tuần sau khi tiêm.
- Những người có nguy cơ cao mắc phản ứng phụ với vắc-xin sẽ có triệu chứng sốt, kèm theo phát ban dạng nốt phỏng trong vòng 2 – 4 tuần sau khi tiêm.
Tuy nhiên, những phản ứng như sốt, sưng đau, ngứa sẽ tự hết sau 1-2 ngày. Trường hợp phát ban cũng sẽ tự hết trong vòng 4 tuần.
Một số ít trường hợp rất hiếm gặp có thể bị xuất huyết, chảy máu cam hoặc chảy máu niêm mạc trong miệng. Nếu tình trạng này xảy ra, mẹ hãy đưa trẻ hoặc người bệnh đến các cơ sở y tế chăm sóc và điều trị.
Đọc thêm: Trẻ Tiêm Phòng Bị Sốt Phải Làm Sao
Lưu Ý Sau Khi Tiêm Phòng Thủy Đậu
- Sau khi tiêm phòng, phụ nữ cần kiêng cữ, tránh có thai trong vòng 3 tháng.
- 6 tuần sau khi tiêm chủng vắc xin thủy đậu, cần hạn chế tiếp xúc với những người có khả năng cao bị lây truyền bệnh thủy đậu như người mắc bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch, phụ nữ đang mang thai, trẻ sơ sinh có mẹ chưa từng mắc bệnh thủy đậu.
- Phụ nữ đang cho con bú cần thận trọng khi tiêm vắc xin vì có khả năng virus được bài tiết vào sữa mẹ.
- Khi tiêm vắc xin thủy đậu cần nghỉ ngơi trong và sau khi tiêm 1 ngày, và luôn giữ gìn sạch sẽ vị trí tiêm.
- Khi có các biểu hiện sốt, co giật cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
Vài Lời Nhắn Nhủ Đến Mẹ
Các mẹ từng chăm con thủy đậu đều hiểu nỗi khổ vừa xem cảnh con hóa thành xì trum trong phút chốc (cả người bôi thuốc xanh methylen) vừa khó khăn sắp xếp công việc, xin nghỉ công ty để chăm con. Tuy thủy đậu là một bệnh dễ gặp phải ở trẻ em nhưng vắc xin thủy đậu khi tiêm chủng đầy đủ 2 liều có tác dụng bảo vệ con từ 10 – 20 năm. Con sẽ được bảo vệ tối đa ngay cả trong thời điểm xảy ra dịch bệnh. Vì sức khỏe của con, của gia đình và cộng đồng, hãy tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch vắc xin ngừa thủy đậu mẹ nhé!
Để nắm rõ chi tiết và không bỏ sót các mũi tiêm phòng dịch vụ cho trẻ, mời các mẹ đón đọc bài viết: Các Mũi Tiêm Phòng Dịch Vụ Cho Trẻ Mẹ Cần Biết
*Lưu ý: Giá vắc xin trong bài tham khảo từ bảng giá cập nhật năm 2019 của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, viện Pasteur TP.HCM và hệ thống tiêm chủng VNVC. Giá có thể thay đổi theo từng khu vực, vùng miền khác nhau.
- 5 tháng mẹ dạy con chậm nói từ nói TỪ ĐƠN đến CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP - Tháng Tám 9, 2024
- Mẹ can thiệp chậm nói thành công cho 2 bé sinh đôi (chậm đơn thuần và rối loạn phổ tự kỷ) - Tháng Bảy 24, 2024
- 5 tháng mẹ can thiệp chậm nói cho con 7 tuổi tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Bảy 5, 2024
- 2 tháng mẹ học tự dạy con chậm nói nói cả câu: “Chúc ba mẹ ngủ ngon” - Tháng Sáu 3, 2024
- Mẹ sống ở Đức tự can thiệp chậm nói giúp con cải thiện vượt bậc - Tháng Sáu 3, 2024
- Sống ở nước ngoài, mẹ can thiệp chậm nói cho con tại nhà thành công - Tháng Năm 29, 2024
- Hành trình kỳ diệu 3 tháng mẹ vượt vũ môn giúp bé tự kỷ kịp vào lớp 1 - Tháng Ba 12, 2024
- Hành trình 3 tháng mẹ can thiệp con bập bẹ 10 từ đơn đến nói cả câu! - Tháng Ba 7, 2024
- Vượt ngoài mong đợi, mẹ dạy bé tự kỷ 1 tháng nói được 100 từ đôi - Tháng Một 16, 2024
- Biết ơn Cô Thuần Mẹ Việt cho mẹ niềm tin can thiệp thành công cho con - Tháng Chín 25, 2023
- Hành trình 5 tháng mẹ dạy con học nói từ chưa bật âm đến nói cả câu - Tháng Tám 27, 2023
- 10 tháng ròng can thiệp tại nhà thành công cho bé rối loạn phổ tự kỷ - Tháng Năm 30, 2023