Trẻ sơ sinh vặn mình là hiện tượng rất phổ biến. Hầu hết trẻ từ sau sinh đến vài tuần tuổi đều có biểu hiện vặn mình không ít thì nhiều. Tuy nhiên, điều này lại khiến không ít mẹ lo lắng, đặc biệt là mẹ mới sinh con lần đầu. Ba mẹ hãy cùng Team Mẹ Việt tìm hiểu vì sao trẻ sơ sinh hay vặn mình và cách khắc phục nhé!
Mục Lục Bài Viết
Vì Sao Trẻ Sơ Sinh Hay Vặn Mình
Có hai nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh vặn mình. Đó là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.
Nếu do yếu tố sinh lý, thì mẹ hoàn toàn có thể yên tâm. Bởi hiện tượng này sẽ nhanh chóng chấm dứt khi trẻ bước sang tháng thứ 3, 4. Ngược lại nếu xuất phát từ bệnh lý thì mẹ cần phát hiện sớm để đưa trẻ đi khám kịp thời nhé.
Trẻ Sơ Sinh Vặn Mình Do Sinh Lý
Biểu Hiện
Trẻ gồng người vặn mình, mặt hơi đỏ lên và kết thúc trong vài phút. Tuy nhiên, trẻ không thường xuyên cáu bẳn, trẻ ăn ngủ tốt và lên cân bình thường.
Trẻ sơ sinh vặn mình do sinh lý là một hiện tượng bình thường. Bởi bé chưa quen với cuộc sống ở bên ngoài từ cung của mẹ. Vặn mình chính là hoạt động vận động của trẻ. Bởi trẻ nằm lâu một tư thế (nằm ngửa) rất dễ bị mỏi người, mỏi các cơ. Vặn mình cũng giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra vỏ não bé chưa phát triển đầy đủ, nên dễ bị kích thích. Tạo ra các phản xạ như giật mình, quơ tay, quơ chân, co chân.
Các Yếu Tố Kích Thích
Một số yếu tố sinh lý, môi trường kích thích trẻ vặn mình, đó là:
- Nơi ngủ của bé không được thoải mái. Có quá nhiều ánh sáng, tiếng ồn lớn làm bé bị giật mình. Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho trẻ sơ sinh vặn mình. Vì vậy mẹ cần ưu tiên kiểm tra những điều này trước khi xem xét đến các lý do khác. Mẹ cũng tìm hiểu nguyên nhân trẻ sơ sinh khó ngủ tại đây nhé.
- Do trẻ đói: Trẻ sơ sinh khả năng dự trữ năng lượng thấp, hơn nữa dạ dày nhỏ nên bé ăn được rất ít mỗi lần. Khi ngủ bé cũng có thể bị đói, làm bé khó chịu, vặn mình, quấy khóc. Tuy nhiên mẹ cũng không nên cho bé bú quá no. Vì sẽ khiến bé ọc sữa sau mỗi lần bú hoặc mỗi khi vặn mình.
- Trẻ vặn mình do tã bị ướt, bị quấn quá chặt: Trẻ thường đột ngột quơ tay co chân, giật mình khi ngủ nên cần được quấn để ngủ ngon. Nhưng nếu bị quấn chặt quá hoặc tã ướt bé cũng khó chịu nên vặn mình.
- Khi bé rặn tiểu hoặc đại tiện: Khi đi tiểu hay đại tiện, trẻ sơ sinh hay vặn mình, gồng mình, đỏ mặt. Do phản xạ rặn để điều chỉnh cơ vòng hậu môn và cơ vòng bàng quang chưa phát triển hoàn thiện.
Vặn mình do các yếu tố trên đều không đáng lo ngại. Mẹ chỉ cần điều chỉnh các yếu tố kích thích sẽ giúp trẻ hết vặn mình mà không cần đến sự can thiệp của bác sĩ.
Trẻ Vặn Mình Do Bệnh Lý
Bên cạnh những dấu hiệu vặn mình do sinh lý, thì có những bé hay vặn mình do yếu tố bệnh lý.
Biểu Hiện
Các biểu hiện thường gặp là: trẻ vặn mình, đỏ mặt, khó thở, ưỡn lưng, quấy khóc, khóc thét về đêm. Hay nôn trớ, đổ mồ hôi trộm, tổn thương da, chán ăn, tăng cân chậm.
Các Nguyên Nhân
Các nguyên nhân bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh vặn mình khi ngủ bao gồm:
- Trẻ bị thiếu canxi: Thường gặp ở những trẻ sinh non, chế độ dinh dưỡng của mẹ kém. Ít tiếp xúc với nắng mặt trời nhưng lại không bổ sung vitamin D đường uống. Bé bị hạ canxi xuất hiện các triệu chứng như: Bé hay vặn mình ngủ không sâu giấc, dễ kích động, quấy khóc về đêm, đổ mồ hôi trộm, rụng tóc hình vành khăn. Bé hay nôn trớ, nấc, chán ăn, chậm lớn, chậm phát triển vận động,… Trẻ có những biểu hiện của bệnh còi xương.
- Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản: cơ thắt dưới thực quản của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Do đó dễ gây hiện tượng trào ngược thức ăn từ dạ dày lên, bé sẽ thường bị nôn trớ. Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm trẻ khó chịu cũng dẫn tới vặn mình. Trào ngược thực quản có thể gây ra những biến chứng như hít sặc sữa, viêm phổi, chậm tăng cân,…
- Trẻ mắc các bệnh lý về gan: như vàng da làm cơ thể trẻ sản sinh bilirubin quá mức. Khiến não bộ của trẻ bị tổn thương và gây ra tình trạng co giật ở trẻ sơ sinh.
- Các bệnh lý khác: Trẻ sơ sinh vặn mình khi ngủ có thể do bị các bệnh ngoài da gây ra ngứa ngáy. Hay côn trùng chui vào tai làm trẻ khó chịu nên vặn mình.
Nhiều Mẹ thắc mắc không biết bé vặn mình thì ngủ có ngon không, có ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé không. Làm cách nào bé ngủ ngon hơn? Mẹ tham khảo bài viết này nhé!
Cách Hạn Chế Trẻ Sơ Sinh Vặn Mình
Khi trẻ sơ sinh hay vặn mình, điều đầu tiên ba mẹ cần quan sát để xác định: trẻ vặn mình do sinh lý hay bệnh lý.
Ba mẹ tuyệt đối không sử dụng mẹo chữa dân gian cho trẻ gặp vấn đề bệnh lý. Mà phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay để có những chẩn đoán kịp thời để có cách chữa và chăm sóc phù hợp nhất.
Đối với những biểu hiện sinh lý bình thường, cách chữa vặn mình ở trẻ sơ sinh các mẹ có thể áp dụng như sau:
Sử Dụng Quần Áo, Bỉm Tã Thoải Mái
Mẹ hãy lựa chọn những bộ quần áo rộng rãi, đủ ấm cho bé và chất liệu tốt. Nên lựa chọn chất liệu cotton thấm hút mồ hôi tốt, thoáng mát. Đệm và chăn gối của trẻ cũng nên dùng loại có chất liệu tốt và sạch sẽ. Không nên để vương mùi nước tiểu, ướt do nước tiểu của trẻ gây khó chịu cho cả bố mẹ và bé.
Tạo Không Gian Ngủ Thoải Mái Cho Bé
Không gian ngủ của trẻ cần yên tĩnh, thoải mái. Mẹ nên để nhiệt độ phòng ngủ của trẻ vừa đủ, không nên quá nóng hoặc quá lạnh. Mẹ hãy dùng mẹo này để kiểm tra nhiệt độ phòng thích hợp với con chưa nhé!
Sờ vào trán, gáy và lưng của con nếu thấy mát và khô thoáng thì nhiệt độ phù hợp. Con sẽ ngủ ngon, hạn chế vặn mình. Ngược lại, những vị trí này bị nóng, đổ mồ hôi mẹ nên hạ nhiệt độ hoặc cởi bớt quần áo để con đươc mát.
Massage Cho Bé
Mẹ nên massage cho bé sau khi tắm hoặc trước khi đi ngủ. Đây là giải pháp đơn giản, an toàn. Các động tác chạm – massage sẽ khiến bé cảm thấy dễ chịu, giảm căng thẳng ngay lập tức. Cơ thể bé cũng giảm các nhức mỏi, khó chịu. Bé cũng sẽ cảm thấy an toàn, ngủ ngoan hơn với sự vuốt ve dịu dàng của mẹ.
Mẹ trò chuyện âu yếm với con trong lúc massage sẽ giúp con cảm thấy an toàn và được che chở. Bé sẽ thôi không còn gồng mình, vặn mình vậy nữa. Ngoài ra massage cho bé cung mang lại rất nhiều lợi ích cho bé. Ba mẹ tìm hiểu lợi ích massage cho bé tại đây nhé
Đôi khi việc trẻ vặn mình cũng là cách bé thể hiện cảm xúc đau, khó chịu, không thoải mái. Vì thế massage cũng là một liệu pháp giúp bé thư giãn hiệu quả. Tuy nhiên mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện khác để xác định bé đang gặp tình trạng gì nhé.
Mẹ hoàn toàn có thể tự tin massage cho bé khi tham gia khóa học: Massage cho trẻ sơ sinh chuẩn quốc tế của Mẹ Việt do chị Phạm Thuần – giảng viên massage quốc tế giảng dạy.
Tắm Nắng Thường Xuyên Cho Bé
Tình trạng thiếu canxi ở trẻ sơ sinh sẽ dễ khiến bé có hiện tượng: gồng mình đỏ mặt, vặn mình và ngủ không ngon, không sâu, dễ quấy khóc. Để đảm bảo bé có được lượng Vitamin D cần thiết cho quá trình tổng hợp canxi cho cơ thể. Các mẹ hãy cho bé tắm nắng thường xuyên nhé.
Tốt nhất là vào lúc buổi sáng, bình minh vừa lên, mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên. Thời gian tắm nắng cho trẻ sơ sinh tốt nhất chỉ nên từ 10 – 15 phút mỗi ngày. Khi tắm nắng cho trẻ chú ý tìm nơi ít gió, ấm áp. Đặc biệt ngày nào trời lộng gió hoặc quá lạnh thì không nên cho bé ra ngoài tắm nắng.
Ngoài tắm nắng, mẹ bổ sung vitamin D đều đặn cho bé. Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể trẻ hấp thu tốt canxi, ngăn ngừa được bệnh còi xương. Do đó, mỗi buổi sáng mẹ hãy bổ sung cho con liều dự phòng 400 IU vitamin D nhé!
Chế Độ Dinh Dưỡng Của Mẹ
Nguồn canxi thời điểm này của bé được cung cấp hoàn toàn từ sữa mẹ. Với trẻ bú mẹ, thường mẹ ăn gì con sẽ ăn đó. Vì vậy, mẹ hãy quan tâm bổ sung những thực đơn giàu dưỡng chất, canxi, vitamin, kẽm…
Mẹ ăn uống đầy đủ, tăng cường các thực phẩm giàu canxi như: cá hồi, cá ngừ, cá thu,… Các loại cá nhỏ có thể ăn luôn xương và uống thêm các thực phẩm bổ sung canxi. Bên cạnh đó, rau xanh, thịt, cá các loại cần đa dạng để trẻ sơ sinh phát triển tốt hơn.
Thực đơn đa dạng, đầy đủ canxi của mẹ chính là một cách gián tiếp để giúp bé yêu không bị vặn mình nữa.
Trẻ bú sữa ngoài đã có đủ hàm lượng canxi trong sữa nên mẹ không cần bổ sung nữa nhé.
Kiểm Tra Da Của Bé
Hãy chú ý tới những vùng da bị gấp, thường ở phần bắp tay, chân gần khuỷu, cổ, bẹn, vùng kín của bé… Xem có bị viêm nhiễm, hăm, đỏ loét hay mẩn đỏ không. Nếu tình trạng nổi mẩn đỏ, hăm quá nhiều cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ để có được những hướng dẫn điều trị phù hợp nhất.
Đặc biệt, nếu trẻ viêm loét, mẩn đỏ, đi kèm sốt cao, mẹ không nên tự ý bôi thuốc cho trẻ. Mà nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán đúng và xử lý kịp thời.
Khi có một trong những biểu hiện sau, mẹ cũng cần đưa con đi khám ngay:
- Hạ canxi máu: trẻ ngủ không yên giấc, hay bị giật mình, gồng mình kèm các biểu hiện: rụng tóc, nôn mửa, đổ mồ hôi trộm, nấc, quấy khóc, chậm lên cân..
- Trẻ sơ sinh vặn mình khó ngủ, sút cân và hay quấy khóc kéo dài.
- Kèm theo khó thở thì có thể trẻ bị chứng ngưng thở tắc nghẽn mãn tính. Tình trạng này có thể xảy ra lúc trẻ ngủ sâu hay buồn ngủ.
- Các vấn đề về thần kinh như rối loạn thần kinh bẩm sinh, tổn thương dây thần kinh,…
Không Sử Dụng Những “Mẹo Lạ” Chữa Vặn Mình
Vặn mình sinh lý không cần can thiệp sẽ tự hết khi trẻ lớn. Vặn mình bệnh lý thì cần được bác sĩ điều trị. Ba mẹ không nên tự ý chữa vặn mình theo dân gian như: xông hơi, tẩy lông trên lưng bé, chườm nóng, đắp lá… Bởi những phương pháp chữa mẹo chưa được kiểm chứng hiệu quả. Nhưng làn da non nớt của trẻ có thể bị ảnh hưởng, bị viêm nhiễm,… rất khó chữa. Do đó, ba mẹ hãy hiểu đúng và khắc phục các trường hợp trẻ sơ sinh hay vặn mình đúng cách.
Kết Luận
Hy vọng các thông tin sẽ giúp ba mẹ đưa ra biện pháp xử lý phù hợp nhất khi trẻ sơ sinh vặn mình. Ba mẹ cũng đừng ngại đặt câu hỏi bên dưới, Team Mẹ Việt sẽ giải đáp sớm cho ba mẹ nhé.Cuối cùng, xin chào và hẹn gặp lại ba mẹ trong các bài viết tiếp theo!
Các vấn đề thường gặp của bé:
Giải Mã Nguyên Nhân Trẻ Sơ Sinh Khóc Nhiều Và Cách Mẹ Khắc Phục
Mách Mẹ Cách Xử Lý Khi Trẻ Sơ Sinh Bị Đầy Hơi Chướng Bụng
- Hành trình 4 tháng mẹ dạy con tăng động giảm chú ý tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Mười Một 9, 2024
- Quả ngọt 9 tháng mẹ can thiệp cho con tăng động giảm chú ý học lớp 1 học tốt - Tháng Sáu 6, 2024
- Bài Test Sàng Lọc Tự Kỷ M-Chart-R (dành cho trẻ từ 16-30 tháng tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Mức Độ Tự Kỷ Của Trẻ CARS (dành cho trẻ trên 2 tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 25-30 tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 55-60 tháng - Tháng Năm 4, 2023