Trẻ sốt siêu vi thường có biểu hiện đột ngột sốt cao vào chiều tối, nhất là buổi đêm. Nhiều mẹ lo lắng nhắn tin cho mình nhờ giải đáp thắc mắc và tư vấn cách chăm sóc con. Vì có nhiều câu hỏi trùng lặp nên mình sẽ tập hợp và giải đáp trong bài viết này. Các mẹ tham khảo để biết cần làm gì khi con bị sốt siêu vi nhé!
Biểu Hiện Của Sốt Siêu Vi
Hỏi: Bé sốt siêu vi nhưng không sốt cao, sốt tầm chiều xế và tối. Buổi sáng đi học thì mát lại. Nhiệt độ tầm 37-38°C. Ăn uống ngủ và sinh hoạt bình thường. Cách 2 tuần bị lại và tầm 3 ngày thì hết. Khám bác sĩ bảo về theo dõi, xét nghiệm bình thường. Vậy mình có nên cho con khám kỹ hơn không?
Đáp: Sốt về chiều tối, buổi sáng mát mẻ là đặc trưng của sốt siêu vi. Khám kỹ hơn cũng chỉ có vậy mẹ à. Con bị sốt siêu vi sẽ có biểu hiện như thế. Con hay sốt đi sốt lại nhiều lần là do sức đề kháng yếu dễ bị virus tấn công. Mẹ cho con uống nhiều nước, tiêm phòng đủ và tăng cường sức đề kháng.
Hỏi: Bé mình 4 tuổi, sáng này bé sốt. Mình có chở đi khám thì bác sĩ bảo sốt siêu vi rồi cho thuốc hạ sốt. Về nhà mình lau ấm bé thường xuyên kèm hạ sốt 4h/1 lần. Mà sao vẫn không bớt, 39-40 độ. Mình có nên cho con nhập viện ko?
Đáp: Bé có thể sốt cao khó hạ trong vòng 3 ngày đầu sau đó hạ sốt dần rồi hết hẳn. Mẹ chú ý cho con uống nhiều nước. Nếu con có biểu hiện bất thường thì nhập viện. Không thì chỉ cần theo dõi ở nhà.
Hỏi: Cho mình hỏi, bé nhà mình bị cảm cúm. Bé đã hết hắt xì ở ngày thứ 6 nhưng tới nay ngày thứ 9 bé vẫn còn sốt nhẹ. Có lúc con sốt lúc không, vậy có bình thường không?
Đáp: Con bị cảm cúm sẽ tự hết trong 7-10 ngày. Đến ngày thứ 9 bé vẫn còn sốt nhẹ, lúc sốt lúc không là bình thường. Mẹ cho con uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho con. 1-2 hôm nữa con sẽ khỏi hoàn toàn.
Hỏi: Bé nhà em 14 tháng tuổi, cân nặng 10,5kg. Hai ngày nay bé bị sốt có khi sốt cao 39-39,5 độ. Em có cho bé uống thuốc và hạ nhiệt bằng nước ấm nhưng vẫn không hạ. Cháu đi khám được bác sĩ chẩn đoán là nhiễm siêu vi. Tháng nào bé cũng bị sốt như vậy khoảng hai lần. Bé thường xuyên sốt như vậy có bất thường gì không ạ?
Đáp: Nhiễm siêu vi có thể sốt cao khó hạ trong 3 ngày đầu như biểu hiện của bé nhà mẹ. Giai đoạn 1-2 tuổi trẻ thường xuyên sốt như vậy là bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển của con. Mẹ chú ý tăng cường sức đề kháng và tiêm phòng cúm để bảo vệ sức khỏe cho con.
Hỏi: Bé nhà em 20,5 tháng tuổi. Cách đây tầm 1 tháng bé sốt cao đi khám xét nghiệm máu kết luận sốt virut. Sau đó tầm 1 tuần bé hết sốt. Từ đó đến nay bé cứ vài ngày sốt uống thuốc hạ rồi mấy ngày sau sốt lại. Em không biết có phải do đổi môi trường sống nên bé bị vậy hay bé bị gì nữa. Lúc trước nhà em ở mặt đất, mới chuyển lên chung cư tầng cao nên nhiều gió lắm ạ.
Đáp: Nguyên nhân một phần có thể do môi trường và cả sức khỏe của bé. Con hay sốt đi sốt lại chứng tỏ sức đề kháng của con kém. Mẹ tăng cường sức đề kháng của con bằng ăn uống, vận động và tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời, mẹ cũng chú ý giữ ấm tai mũi họng cho con những ngày nhiều gió nhé.
Cho Trẻ Uống Thuốc
Hỏi: Con em 8 tháng 24 ngày, hôm qua sốt 38 độ lúc 16h. Em lau mình liên tục nên cũng hạ tầm 37-37.5. Đến 19h đi khám bác sĩ thì con sốt 38.4 độ, ko ho, ko sổ mũi. Bác sĩ chẩn đoán: nghi sốt siêu vi hoặc cúm rồi cho thuốc về uống. Nhưng vấn đề là con em khó uống thuốc quá, uống vào là ọc (qua mũi và miệng) giờ em phải làm sao?
Đáp: Nếu là sốt siêu vi hoặc cúm thì chủ yếu dùng thuốc hạ sốt. Dưới 38.5 độ con chưa cần uống thuốc. Khi nào con sốt trên 38.5 độ, mẹ pha gói hạ sốt cho con uống từng muỗng nhỏ. Con không uống thuốc hạ sốt được thì mẹ dùng hạ sốt dạng viên đạn đặt cho con. Tuy nhiên, nên hạn chế dùng hạ sốt đặt hậu môn.
Hỏi: Con mình 3,5 tuổi sốt virut do lây của ông nội (đã làm xét nghiệm máu, bị sốt virut). Cả đêm sốt 39,5 – 39,7 độ, lúc hạ được lúc không hạ được. Uống efferalgan 240mg, cháu 16kg. Không ép cháu uống nhiều nước được. Vậy với trẻ nhỏ có nên truyền nước (như người lớn) không ạ. Bố cháu cứ bắt nhập viện. Mình nên xử lý thế nào tốt nhất để con nhanh khỏi?
Đáp: Mẹ cho con uống hạ sốt như vậy là đúng rồi. Con không uống được nhiều nước một lần đâu. Mẹ cho con uống bằng ống hút hay uống từng ngụm nhỏ, uống nhiều lần để bù nước. Hầu như các mẹ thử cách này đều hiệu quả. Trường hợp con nôn nhiều, không ăn uống được, sốt kèm đi ngoài mất nước mới cần truyền dịch. Con không cần nhập viện nếu không có vấn đề bất thường như trên.
Hỏi: Bé em lần đầu sốt siêu vi. Em có cho bé đi bệnh viện khám thì họ nói họng bé bình thường. Không cho thuốc kháng sinh chỉ cho thuốc hạ sốt. Nhưng em thấy bé ho, đôi lúc ngủ có khi nghe có đờm. Cho e hỏi sốt siêu vi là không dùng kháng sinh mà tự hết sốt được không?
Đáp: Bản chất sốt siêu vi là tự hết trong vòng 7-10 ngày. Kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn, không có tác dụng với virus. Do đó, sốt siêu vi không cần uống kháng sinh. Mẹ chú ý cho con uống nhiều nước.
Hỏi: Bé nhà em 17 tháng tuổi. Hôm bữa cháu sốt và nhiều nước miếng. Mà cháu sốt đến 4 ngày đi khám bác sĩ nói bị sốt vi khuẩn. Hiện tại con đã uống thuốc và hết sốt nhưng sốt đó có nguy hiểm không ạ?
Đáp: Sốt do vi khuẩn thì nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Con đã uống thuốc và hết sốt là đã không còn nguy hiểm nên mẹ hoàn toàn yên tâm.
Hỏi: Bé bị viêm họng nhẹ và sốt 38 độ vậy có cần uống kháng sinh không?
Đáp: Mẹ theo dõi mấy ngày tiếp theo con sốt cao đột ngột (virus) hay sốt cao từ từ (vi khuẩn). Bé bị viêm họng do virus thì không cần uống kháng sinh. Viêm họng do vi khuẩn thì phải uống kháng sinh.
Biểu Hiện Sau Sốt Siêu Vi
Hỏi: Con em đi khám bị sốt virus ho chảy mũi. Con đã uống hạ sốt hạ rồi. Ngày thì con chơi bình thường, tối đi ngủ lâu lâu bé giật nhẹ nhẹ có sao không ạ?
Đáp: Nếu con co giật thì mẹ đưa con đi khám nhé.
Hỏi: Bé nhà mình gần 12 tháng, cách đây vài ngày bé sốt siêu vi tới 41 độ. Mình sợ quá có đưa đi bệnh viện mà bác sĩ chỉ nói về nhà hạ nhiệt cho bé. Bé sốt 7 ngày, 3 ngày sốt nhẹ 38.5, 38.6, 38.9. 4 ngày sốt cao có thể đến 41 độ, bé không có hiện tượng co giật. Nay bé mình cắt cơn sốt được 3 ngày, mình theo dõi thấy bé không còn lanh và hoạt bát như trước. Có khi nào sốt cao quá ảnh hưởng tới não của bé dẫn tới bệnh tự kỷ không ạ?
Đáp: Biểu hiện không còn lanh, hoạt bát là do sau đợt sốt bé còn mệt và yếu sức. Mẹ chú ý tẩm bổ cho con sau vài ngày con sẽ linh hoạt trở lại. Sốt cao do siêu vi không dẫn tới bệnh tự kỷ đâu mẹ nhé.
Hỏi: Con em hơn 6 tháng, cháu sốt trên 38 độ từ 9h hôm qua. Mình cho hạ sốt xuống chỉ còn 37,5°C nhưng bé ngủ không sâu giấc. Mình có phải đưa con đi khám ngay hay theo dõi ở nhà tiếp?
Đáp: Có thể con mệt nên trằn trọc, ngủ không sâu giấc. Mẹ tiếp tục theo dõi con ở nhà. Con có dấu hiệu sốt cao trên 39 độ hay co giật thì đưa đi khám ngay.
Hỏi: Tôi có một cháu gái 30 tháng tuổi. Gần đây cháu hay bị sốt cao dẫn đến co giật, tôi có đưa cháu đến nằm viện khoảng 1 tuần, bác sĩ bảo cháu bị sốt siêu vi. Khi cháu ra viện, về nhà khoảng 10 ngày sau lại sốt lại và co giật, trợn mắt, tôi cũng đưa bé nhập viện điều trị 1 tuần, cũng chẩn đoán cháu bị sốt siêu vi. Tôi nên làm gì để cháu thôi không co giật nữa? Cháu co giật như vậy có ảnh hưởng gì đến trí não không?
Đáp: Khi cháu bị co giật, đặt cháu nằm nghiêng để tránh sặc, hóc, nghẹt đường thở. Không vắt chanh hay nhét bất cứ thứ gì vào miệng vì cháu sẽ không tự cắn lưỡi được đâu. Sau khi cháu hết co giật, cho cháu nằm nghỉ ngơi. Nếu gia đình lo lắng nhiều, có thể đưa cháu đến bệnh viện để kiểm tra.
Vì cháu có tiền sử co giật nên trong nhà phải luôn luôn chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt. Cháu sốt 38 độ thì cho uống hạ sốt ngay. Trẻ không sốt cao sẽ không gây co giật.
Cuối cùng, nhìn hiện tượng co giật có vẻ đáng sợ nhưng thực chất là không đáng lo mấy. Co giật khi sốt không ảnh hưởng đến trí não, trí tuệ của trẻ. Sau 5 tuổi, tình trạng này sẽ mất đi.
Và sốt co giật chỉ xảy ra với một số ít trẻ có tiền sử hay gia đình có người từng sốt co giật. Vì vậy, các mẹ đừng quá lo con sốt cao sẽ bị co giật.
Lời Kết
Sốt siêu vi thường làm con sốt cao đột ngột nên khiến rất nhiều mẹ mất ăn mất ngủ. Qua giải đáp thắc mắc trên mẹ đã nhận ra sốt siêu vi có hẳn một quy trình hẳn hoi. Và về cơ bản bệnh này khá lành tính. Mẹ chỉ cần chăm sóc tốt là con sẽ tự khỏi bệnh. Vì vậy, từ giờ mỗi khi con bệnh, mẹ không cần quá hồi hộp nữa. Mẹ hãy bình tĩnh thực hiện tốt các bước chăm sóc con sẽ nhanh khỏi.
Để hiểu rõ hơn về sốt siêu vi và chăm sóc đúng cách khi con bệnh, mẹ tham khảo các bài viết chi tiết:
Bài 1: Sốt Siêu Vi Ở Trẻ – Thông tin từ A-Z
Bài 2: Biểu Hiện Của Sốt Siêu Vi Mẹ Cần Chú Ý
Bài 3: Cách Hạ Sốt Siêu Vi An Toàn Cho Trẻ Ngay Tại Nhà
Bài 4: Sốt Siêu Vi Uống Thuốc Gì Con Nhanh Khỏe Lại?
Bài 5: Sốt Siêu Vi Phát Ban Ở Trẻ Em Có Nguy Hiểm Không?
Bài 6: Sốt Siêu Vi Có Tắm Được Không?
- Hành trình 4 tháng mẹ dạy con tăng động giảm chú ý tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Mười Một 9, 2024
- Quả ngọt 9 tháng mẹ can thiệp cho con tăng động giảm chú ý học lớp 1 học tốt - Tháng Sáu 6, 2024
- Bài Test Sàng Lọc Tự Kỷ M-Chart-R (dành cho trẻ từ 16-30 tháng tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Mức Độ Tự Kỷ Của Trẻ CARS (dành cho trẻ trên 2 tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 25-30 tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 55-60 tháng - Tháng Năm 4, 2023