Sau 3 bài viết về cảm lạnh và cảm cúm ở trẻ em, mình nhận được khá nhiều câu hỏi chủ đề này. Các mẹ thường thắc mắc con nên uống thuốc gì, chăm sóc thế nào để nhanh khỏi? Mẹ bị cảm, bị cúm làm sao để không lây cho con? Nên tiếp tục hay ngưng cho con bú? Mình đã tổng hợp lại các câu hỏi và giải đáp cụ thể dưới đây. Mời các mẹ cùng đọc để biết cách xử lý khi con không may cảm lạnh, cảm cúm. Nếu đọc xong bài mẹ vẫn còn thắc mắc khác, đừng quên để lại câu hỏi dưới phần bình luận nhé!
Cảm lạnh và cảm cúm là những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Mẹ tham khảo thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ trong những bài viết sau:
Bài 1: Trẻ Sơ Sinh Bị Cảm Lạnh Và Giải Đáp Thắc Mắc Thường Gặp Của Mẹ
Bài 2: Mẹ Có Đang Nhầm Lẫn Giữa Cảm Cúm Và Cảm Lạnh Ở Trẻ Em?
Bài 3: Điều Trị Cảm Cúm Ở Trẻ Sơ Sinh Lúc Giao Mùa Sao Cho Hiệu Quả?
Mục Lục Bài Viết
Cảm Lạnh
Hỏi: Bé nhà em mới được 1 tháng tuổi. 2 hôm trước trời trở lạnh đột ngột nên hai mẹ con đều bị cảm. Bé lúc thức thì thở khò khè, thỉnh thoảng có ho. Con ngủ bình thường, bú mẹ bình thường. Em và bé có thể uống thuốc gì cho nhanh khỏi ạ? Em có phải ngưng cho con bú không?
Đáp: Mẹ chú ý thực đơn giàu vitamin C, ăn cháo giải cảm. Bé bị ho có thể cho uống tắc chưng đường phèn/húng chanh,… tự làm hoặc siro ho thảo dược. Mẹ nhỏ mũi hay xịt mũi, rửa mũi ngày 2-3 lần bằng nước muối sinh lý. Và vệ sinh mắt, mũi bé bằng cách nhỏ nước muối sinh lý ngày 2-3 lần. Mẹ không cần ngưng việc cho con bú, ngược lại cần cho con bú tích cực hơn mẹ nhé. Mẹ nhớ mang khẩu trang và sát trùng tay trước mỗi lần chăm sóc, cho con bú là được.
Hỏi: Bé nhà em 6 tháng tuổi. Mấy hôm trước chuyển trời nên con bị cảm lạnh. Mình đã đưa con đi khám và được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Chủ yếu hạ sốt và cho uống siro ho thảo dược. Con bị đến nay đã là 3 ngày. Mình sợ con bệnh nặng hơn nên không dám tắm. Nhưng thấy con hay gãi chắc vì ngứa, khó chịu. Bé bị cảm tắm được không và tắm như thế nào cho an toàn?
Đáp: Trẻ không tắm nhiều ngày dễ mắc các bệnh ngoài da. Vì thế, trẻ bị cảm vẫn nên tắm rửa để vừa sạch sẽ, con vừa thoải mái. Mẹ chú ý tắm cho con bằng nước ấm trong phòng kín gió. Tắm nhanh từ 5-10 phút và lau khô người con trước khi mặc quần áo.
Hỏi: Bé nhà mình 2 tháng tuổi. Cách đây 1 tuần bé ho nhẹ và thở khò khè, nghẹt mũi khó thở. Mình đưa bé đi khám thì bác sĩ bảo bị viêm hô hấp trên do lây cảm từ mẹ. Sau khi khám bác sĩ cho về nhà nhỏ nước muối và hút mũi cho bé chứ không cần nhập viện. 1 tuần nay bé đỡ ho hơn chút nhưng mà vẫn còn nghẹt mũi nhiều. Ngày mình dùng 3-4 lọ nước muối rửa mũi rồi hút mũi 3-4 lần bé mới thở được. Mũi hút ra lúc dịch vàng lúc dịch nhầy màu trắng. Bé không bị sốt. Tư vấn giúp mình nên làm gì để bé nhanh hết nghẹt mũi ạ? Liệu tình trạng này kéo dài có biến chứng qua viêm phổi hay viêm tai giữa không ạ? Nếu có cần mình phải làm gì để bé không bị biến chứng qua 2 bệnh này?
Đáp: Dịch mũi nhiều sẽ chảy xuống họng gây ho, có thể biến chứng viêm phổi hay viêm tai giữa. Bé bị dài ngày mẹ hạn chế hút mũi nhiều vì sẽ khô niêm mạc mũi, trẻ bị đau rát. Bé có dịch mũi nhiều nên mỗi lần rửa mẹ dùng 7-8 chai nước muối sinh lý. Mẹ tham khảo cách rửa mũi chi tiết Tại Đây. Mẹ cũng có thể làm bấc sâu kèn cho con thông thoáng mũi. Đảm bảo nhiệt độ phòng khô, thoáng, tránh khói thuốc lá, tránh quạt/điều hòa phả trực tiếp vào con. Nếu 3-5 ngày con vẫn không cải thiện mẹ đưa con đi khám bác sĩ.
Cảm Cúm
Hỏi: Bé nhà mình 9 tháng tuổi và mình đang bị cảm cúm. Mình sợ sẽ lây bệnh sang cho bé. Làm thế nào để hạn chế và không lây cúm sang cho bé vậy? Chồng mình đi làm suốt, chỉ có 2 mẹ con chăm nhau.
Đáp: Cảm cúm lây qua đường hô hấp. Nếu không nhờ được ai chăm bé, mẹ luôn đeo khẩu trang khi chăm sóc con. Mẹ nhớ phải rửa sạch tay với xà phòng diệt khuẩn trước mỗi lần chăm con hay sau khi ho, hắt hơi,… Sau 7-10 ngày mẹ hết bệnh có thể chăm sóc con bình thường.
Hỏi: Con mình 8 tháng tuổi bị cảm lạnh, sốt cao 39.5 độ hai hôm nay. Con rất khó chịu, quấy khóc nhiều, bú rất ít, có khi bỏ bú luôn. Nước tiểu ngày càng vàng. Con đang ăn dặm cũng không ăn uống được gì. Chỉ chịu uống ít nước cam. Em phải làm sao để con bú nhiều hơn? Con có cần uống thuốc gì không?
Đáp: Các triệu chứng của cúm thường nặng hơn cảm lạnh nên khả năng cao là bé bị nhiễm cúm. Tình trạng con bú ít, bỏ bú thường xuyên sẽ làm trẻ bị mất nước rất nguy hiểm. Vì vậy mẹ chia nhỏ cữ bú, cho con bú thành nhiều lần, liên tục trong ngày. Cho con uống nhiều ngụm nước nhỏ, oresol, nước dừa, nước cam,… Nếu con vẫn không ăn uống được mẹ nên đưa con đến bệnh viện. Các bác sĩ sẽ điều trị để tránh con bị mất nước.
Hỏi: Bé nhà em 23 tháng bị sốt 39 độ kèm sụt sịt mũi, ho khan. So với mọi lần, lần này con mệt mỏi, bơ phờ thấy rõ, quấy khóc, không chịu chơi, chỉ đòi bế. Em sờ vào người hỏi con đau chỗ nào thì chỗ nào con cũng khóc bảo đau. Con mệt không chịu ăn uống gì. Con em bị sao vậy ạ?
Đáp: Bé bị nhiễm cúm thường có dấu hiệu như cảm lạnh nhưng các triệu chứng nặng hơn. Ví dụ sốt cao, ho khan, đau nhức đầu, đau khắp mình mẩy,… Bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Mẹ chăm sóc con chú ý cho con uống nhiều nước, bú nhiều, ăn các món loãng. Con cần nghỉ ngơi nhiều, uống hạ sốt nếu trên 39 độ. Mẹ thường xuyên theo dõi dấu hiệu lừ đừ, không tỉnh táo, ngủ li bì hay thở nhanh, khó thở. Nếu có thì mẹ nhanh chóng đưa con đến bệnh viện mẹ nhé.
Hỏi: Bé nhà em 17 tháng bị sốt cao 39.5 độ, ho nhiều, thỉnh thoảng nổi da gà. Em đi khám bác sĩ thì bảo con bị cảm cúm. Bác sĩ chỉ kê thuốc hạ sốt, siro ho dặn em về nhớ cho con uống nhiều nước. Em thấy tình trạng con nặng hơn mọi khi mà sao bác sĩ không cho thuốc kháng sinh thì làm sao khỏi được ạ?
Đáp: Trẻ bị cảm cúm là do bị nhiễm virus. Kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn, không có tác dụng với virus. Do đó, bé của mẹ bị cảm cúm không cần uống kháng sinh. Bệnh của trẻ sẽ khỏi sau 7-10 ngày. Mẹ chăm sóc chú ý hạ sốt, cho con uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng,… con sẽ nhanh hồi phục. Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết có thể dẫn đến kháng kháng sinh rất nguy hiểm. Mẹ chú ý tiêm phòng cúm đều đặn hàng năm để bảo vệ sức khỏe cho con.
Kết Luận
Sức đề kháng của trẻ còn yếu nên thường nhiễm cảm lạnh, cảm cúm mỗi khi trời lạnh hay giao mùa. Mẹ chú ý đưa trẻ đi tiêm phòng cúm hàng năm để giúp con phòng ngừa bệnh cúm. Con không may nhiễm bệnh thì mẹ cũng bình tĩnh, tìm hiểu về bệnh và chăm sóc con tại nhà. Hầu hết các trường hợp cảm lạnh đều nhẹ và tự khỏi sau 1 tuần – 10 ngày. Cúm có triệu chứng nặng hơn nên cần chú ý hơn. Tuy rằng bệnh không quá nguy hiểm. Nhưng với trẻ có thể diễn biến khó lường. Do đó, mẹ bình tĩnh chăm sóc con nhưng không chủ quan nhé!
- 5 tháng mẹ dạy con chậm nói từ nói TỪ ĐƠN đến CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP - Tháng Tám 9, 2024
- Mẹ can thiệp chậm nói thành công cho 2 bé sinh đôi (chậm đơn thuần và rối loạn phổ tự kỷ) - Tháng Bảy 24, 2024
- 5 tháng mẹ can thiệp chậm nói cho con 7 tuổi tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Bảy 5, 2024
- 2 tháng mẹ học tự dạy con chậm nói nói cả câu: “Chúc ba mẹ ngủ ngon” - Tháng Sáu 3, 2024
- Mẹ sống ở Đức tự can thiệp chậm nói giúp con cải thiện vượt bậc - Tháng Sáu 3, 2024
- Sống ở nước ngoài, mẹ can thiệp chậm nói cho con tại nhà thành công - Tháng Năm 29, 2024
- Hành trình kỳ diệu 3 tháng mẹ vượt vũ môn giúp bé tự kỷ kịp vào lớp 1 - Tháng Ba 12, 2024
- Hành trình 3 tháng mẹ can thiệp con bập bẹ 10 từ đơn đến nói cả câu! - Tháng Ba 7, 2024
- Vượt ngoài mong đợi, mẹ dạy bé tự kỷ 1 tháng nói được 100 từ đôi - Tháng Một 16, 2024
- Biết ơn Cô Thuần Mẹ Việt cho mẹ niềm tin can thiệp thành công cho con - Tháng Chín 25, 2023
- Hành trình 5 tháng mẹ dạy con học nói từ chưa bật âm đến nói cả câu - Tháng Tám 27, 2023
- 10 tháng ròng can thiệp tại nhà thành công cho bé rối loạn phổ tự kỷ - Tháng Năm 30, 2023