Em bé 4 tháng tuổi bắt đầu biết làm nhiều trò, khuấy động không khí gia đình rộn ràng hơn. Mẹ đã “thuộc lòng” những tín hiệu của con nên cũng vơi bớt đi nhiều áp lực phải không nào? Con có một vài điều chỉnh nhỏ trong giờ giấc sinh hoạt nhưng không đáng kể. Sự kiện nổi bật nhất trong tháng này là con tập lẫy, mút tay và gặm nhấm cả thế giới. Mẹ chuẩn bị đi làm lại thì thời điểm này mẹ tập cho con bú bình là vừa. Một vài mẹ bắt đầu sốt ruột muốn cho con ăn dặm sớm có nên không? Các mẹ cùng xem cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi có gì thú vị nhé!
Note: Bài viết này nằm trong Series “Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con” – Chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm chi tiết quá trình chăm sóc bé từ lúc mới sinh (1 ngày tuổi) cho tới 12 tháng tuổi. Series chính là cuốn cẩm nang cần thiết cho các ba mẹ – để chuẩn bị hành trang đón bé chào đời. Ba Mẹ xem đầy đủ các bài viết trong Series Tại Đây.
Mục Lục Bài Viết
Con Yêu Tập Lẫy
Ôi, chăm sóc bé 4 tháng tuổi mẹ sẽ được chứng kiến con vật vã trong những trận tập lẫy :)). Không biết bé nhà mẹ thế nào chứ Xuka cứ gọi là hì hụi hết ngày tới đêm. Nhấc và đánh được cái mông qua rồi mà cái đầu vẫn không tài nào ngóc lên được. Có lúc mẹ thương quá, nhón tay hỗ trợ một tẹo là chị Ka òa lên khóc ăn vạ. Cũng phải thôi, người ta đang cố gắng tự lực cánh sinh thì lại đi hỗ trợ làm gì. Không tin tưởng hả, nghĩ người ta không làm được hả? Vậy người ta khóc om sòm lên cho mà biết, hi hi!
Hì hụi suốt như vậy tới 3m20d Xuka nhà mình cũng lẫy được cái đầu tiên, sau lại nằm bẹp dí :)). Mẹ và bà phải tích cực tập luyện cho con hàng ngày. Hỗ trợ con một chút thôi bằng cách giữ mông cho cái đầu dễ ngóc lên này. Tiếp tục tập tummy time để cơ cổ, cơ lưng, cơ bụng con được cứng cáp.
Từ 4m trở ra con lẫy thành thạo nên ngóc đầu liên tục để khám phá thế giới xung quanh. Kể cả lúc đang ngủ cũng lẫy :D Nên các mẹ phải bố trí trông con cẩn thận nhé.
Ak các mẹ chú ý, cũng có những bạn biết lật chậm hơn. Như chị Sóc nhà mình hơn 5m mới lật được. Nên mẹ đừng quá sốt ruột nhé.
Ghi Chú Cho Mẹ
Khi trải qua các mốc phát triển quan trọng, có 2 biểu hiện thường làm các mẹ bối rối. Những lý giải sau sẽ giúp mẹ hiểu rõ và biết xử trí đúng cách:
Con đã biết lẫy, bò, tập đứng, tập đi,… tự dưng không làm nữa. Con có bị làm sao không/Có bình thường không? Điều này hoàn toàn bình thường. Mẹ có thể hiểu là con đang “lùi 1 bước để tiến 3 bước”. Con tạm hoãn 1 chút để ôn luyện bài học vừa học được trong “tâm trí”. Sau 2-3 tuần con học xong sẽ sẵn sàng lẫy, đi, đứng,… trở lại. Và lần tập 2 này sẽ rất nhanh nhuần nhuyễn.
Khi được mẹ giúp đỡ con hay khóc: dấu hiệu con muốn tự mình luyện tập kỹ năng. Đôi khi chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa chăm sóc và bao bọc. Thấy con vật vã, mẹ thật khó kềm mong muốn giúp con, làm thay con một chút. Tưởng là tốt cho con, hóa ra là đang cản trở quá trình con tự rèn luyện các kỹ năng. Mẹ chỉ nên hỗ trợ con một xíu thôi, đừng làm thay hết cho con mẹ nhé!
Con Chậm Tăng Cân
Cân nặng của con tháng này chỉ tăng lèo tèo vài trăm gram có làm các mẹ stress không nhỉ ^^. Hầu như mẹ nào thấy tăng cân ít cũng có nỗi lo “vô lý” không biết con bị làm sao. Vì sao mà mình gọi là nỗi lo vô lý???
Con tiêu thụ nhiều năng lượng để phát triển các kỹ năng mới như lẫy, cầm, nắm,… Dẫn đến tình trạng con có thể bú cùng lượng sữa với tháng trước nhưng tăng cân ít hơn. Đây là sự phát triển hết sức tự nhiên mà bất cứ trẻ nào giai đoạn này cũng sẽ trải qua. Vì thế mẹ yên tâm và đừng áp lực con phải tăng cân nhanh giống 3 tháng đầu nhé ^^.
Từ tháng thứ 4 trở đi, trẻ bắt đầu tăng cân chậm lại. Mỗi tháng chỉ tăng trung bình từ 400 – 600gr. Mẹ tra trong bảng tiêu chuẩn cân nặng của trẻ để yên tâm chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi nhé.
Chuyện Ti Mẹ
Điều tuyệt vời nhất trong tháng này mẹ biết là gì không? Là khi bú, con đặt bàn tay bé nhỏ lên ôm lấy bầu sữa mẹ. Thật đáng yêu vô cùng các mẹ nhỉ! Thế này thì bảo sao mẹ không nghiện em cho được, hi hi! Về lượng sữa, mình vẫn cho con bú theo nhu cầu. Kết hợp theo dõi tã và cân nặng cuối tháng của con trong chuẩn là được.
Vấn đề thường gặp trong tháng này là con có dấu hiệu bú ít lại. Các mẹ lo lắng, sợ con không bú đủ sữa lại tăng cữ bú lên, mỗi cữ cách nhau chỉ 1-2 tiếng. Kết quả mỗi cữ con chỉ mút mát vài chục ml làm mẹ đã stress nay còn stress hơn. Chính việc bú quá dày làm con quen bú lắt nhắt, đói không đói, no không no. Không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm tình hình trở nên rối ren hơn mẹ nhé.
Cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi, mẹ lưu ý hạn chế con hóng chuyện trong quá trình tu ti. Mẹ điều chỉnh lại không gian lúc cho con bú cần yên tĩnh, không ai làm phiền. Chuyện ti mẹ thì cứ đúng cữ mời con ti, mỗi cữ cách nhau ít nhất 3,5 – 4 tiếng. Giờ ăn của con còn liên quan đến lịch ngủ, sinh hoạt. Mẹ đừng vì vài ml sữa mà phá hỏng cả một nếp sinh hoạt tốt đã dày công xây dựng.
Thêm nữa là lượng sữa con bú được trong các cữ sẽ không đều nhau. Có cữ bú nhiều có cữ ít là chuyện bình thường. Mẹ không phải lo lắng nha.
Chuyện Giấc Ngủ
Lịch ngủ của bạn Xuka tháng thứ 4 này không có nhiều xáo trộn lắm. Con vẫn cần 3 giấc vào ban ngày và giấc ngủ dài ban đêm. 3 giấc ngày thường là 1 giấc dài tầm 2 tiếng và 2 giấc ngắn từ 45p-1 tiếng.
Tuy nhiên, mẹ để ý tháng này con không ngủ sâu lắm, giấc ngày 45p là rục rịch dậy chơi. Đêm có khi hì hụi tập lẫy đến tận 11 giờ mới chịu ngủ. Nhưng trộm vía con ngủ một lèo và có khi chỉ cựa mình 1 lần duy nhất để ti mẹ. Con đang trong giai đoạn nhạy cảm với khám phá thế giới nên ăn ngủ có chuệch choạc đôi chút. Mẹ thông cảm nhé ^^.
Một số bé 4 tháng tuổi đã dự trữ đủ năng lượng để ngủ xuyên đêm là tốt. Nhưng nếu con đang bú mỗi đêm 3-4 lần, mỗi lần chỉ bú lắt nhắt thì mẹ xem lại. Khả năng là con không đói mà cần ti mẹ mới ngủ lại được. Cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi không phụ thuộc ti mẹ khi ngủ là thay ti mẹ bằng ti giả.
Có ý kiến cho rằng con khó ngủ, ngủ không sâu giấc là do ngủ ngày nhiều quá. Và khuyên mẹ cắt giấc ngày của con là không đúng mẹ nhé. Con không ngủ ngày đủ sẽ bị kích thích thần kinh dẫn đến khó ngủ đêm hơn. Mẹ đảm bảo mỗi giấc ngày không dài quá 2 giờ. Giấc cuối cùng kết thúc trước 5h chiều là được.
Bé 4 Tháng Tuổi Biết Làm Gì
Chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi thật nhiều niềm vui vì con đã biết làm nhiều trò.
Cười: Nếu tháng trước con mới chỉ cười duyên thì tháng này đã bật cười thành tiếng. Bố mẹ thực sự hạnh phúc vì điều đó.
Mút tay và ti giả: Khi đã điều khiển được đôi tay cũng là lúc Xuka nhà mình giã từ ti giả. Nhất định không thèm ngậm nữa vì Xuka đã có thể cho tay vào miệng để mút. Ban đầu là bất chấp tất cả, cứ tống nguyên bàn tay vào miệng đã. Rồi quá đà lại ọe [móc họng mà, ko ọe mới là lạ :))]. Sau Ka thành thạo thì chỉ cho mỗi ngón cái vào miệng thôi. Mẹ ok luôn, luộc ti giả cất đi. Về quê mọi người cũng cứ nói sao cho con mút tay vậy, bẩn lắm. Nhưng không sao, mút tay là nhu cầu bình thường của trẻ và thực ra là có lợi cho con. Cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi đúng là ba mẹ đừng cấm cản nhu cầu “gặm mút” của bạn ấy nhé.
Bé nhà mẹ không thích ti giả hay ngược lại xem ti giả như vật bất ly thân cũng được. Nếu dùng thì đến 1 tuổi mẹ cai ti giả để không ảnh hưởng sức khỏe răng miệng của con.
Ngậm đồ chơi: Em bé của mẹ dường như muốn gặm nhấm cả thế giới. Mẹ thật vui vì em đã bước vào giai đoạn nhạy cảm với khám phá xung quanh bằng miệng.
Các mẹ thường ngăn cản con ngậm đồ chơi vì sợ bẩn. Nhưng kỳ thực là đang vô tình cản trở sự phát triển của con. Thay vì cấm cản, mẹ hãy chọn đồ chơi gặm nướu. Và giặt sạch để con gặm thỏa thích nhé.
Mẹ tham khảo: Top 10 Đồ Chơi Thông Minh Cho Bé Dưới 1 Tuổi
Chơi Cùng Con
Em bé 4 tháng tuổi rất thích chơi đùa cùng người lớn. Và thú vị là ba mẹ càng bày nhiều trò sẽ càng kích thích con phát triển thông minh đấy. Ba mẹ cũng sẽ có cơ hội gần gũi và hiểu rõ tính cách của con hơn. Những trò mình thường chơi với Xuka là:
- Nói chuyện, kể chuyện, đọc sách, đọc thơ, hát cho con nghe, cho con xem nhiều tranh ảnh.
- Bế con đứng trước gương, biểu cảm khuôn mặt cho con xem và khuyến khích con bắt chước.
- Khi con lật hay Tummy time: đặt đồ chơi hơi ngoài tầm với khuyến khích con chộp lấy. Thay đổi vị trí đặt bên trái, bên phải để rèn luyện cho con sự linh hoạt.
- Bé 4 tháng tuổi cực kỳ thích chơi ú òa đó mẹ.
Tập Bú Bình
Tới tháng thứ 4 nhiều mẹ cũng rục rịch tập cho bé bú bình để chuẩn bị đi làm lại rồi. Các con kể cũng ngộ các mẹ nhỉ? Lúc mới sinh cho bú bình thì phần lớn mê bình, bỏ ti mẹ. Vậy mà bú mẹ được rồi thì “sống chết” ôm bầu sữa mẹ tu ti. Đưa bình vào nhất quyết lè ra không chịu bú.
Tập bú bình cho bé mẹ làm như sau:
- Hút sữa mẹ bỏ vào bình cho con ti. Vị sữa mẹ quen con dễ chấp nhận hơn.
- Nên để cho bà hoặc bố, hoặc ai đó quen với bé cho bé bú. Có hơi mẹ hay bóng dáng mẹ, bé đòi bú mẹ sẽ không hợp tác bú bình.
- Nếu con từ chối: cất bình đi và bế dỗ con một lát. Sau đó mang bình ra mời ti lại.
- Chọn bình sữa có núm ti giống hình dáng ti mẹ để con cảm giác quen thuộc.
Chắc chắn những lần đầu tiên con có thể phản ứng dữ dội và không hợp tác. Mẹ cũng xác định tinh thần con có thể bỏ ti 1-2 cữ. Nhưng hãy tin tưởng, bản năng sẽ không để con bị đói đâu. Sau vài cữ con sẽ bắt đầu hợp tác nhỏ giọt. Trong thời gian tập, mẹ nhớ tất cả các cữ đều cho bú bình để con nhanh quen nhé. Con quen rồi mới xen kẽ ti bình và ti mẹ trở lại.
Bí quyết để mẹ nhanh thành công đó là kiên quyết, quyết tâm đến cùng. Chứ mới 1-2 cữ mà mẹ đã xót con không chịu nổi thì sẽ càng khó tập, càng tội nghiệp con. Mẹ quyết tâm thì 2-3 ngày là con bú bình ngon lành.
Sức Khỏe Của Con
Hệ miễn dịch của con chưa hoàn thiện nên dễ gặp các vấn đề về sức khỏe. Con còn nhỏ nên trừ phi là thực sự cần thiết, mẹ hạn chế dùng thuốc cho con nhé. Trong blog Mẹ Việt, mình chia sẻ nhiều bài viết về cách xử trí các bệnh đơn giản như: bé bị sốt, bệnh về đường hô hấp, viêm da, táo bón, tiêu chảy,… Mẹ đọc thêm để tích lũy kinh nghiệm, cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi nhé.
Lịch Tiêm Chủng
Lịch tiêm phòng tháng này của con cơ bản là giống tháng trước.
- Vắc xin 5 trong 1 – mũi 2
- Vắc xin Rota – liều 2.
- Phế cầu – mũi 2.
Nếu con đang sốt cao hoặc có vấn đề về sức khỏe thì nên hoãn tiêm. Nhưng mẹ nhớ theo dõi con khỏe khoắn là cho đi tiêm sớm. Tiêm càng đúng lịch thì con càng được bảo vệ sớm.
Mẹ xem thêm: Trẻ Tiêm Phòng Bị Sốt Phải Làm Sao
Kết Lại
Cảm xúc của mẹ trong giai đoạn này đã khá lên nhiều rồi đúng không? Một phần vì chúng ta đã quen với công việc chăm sóc, quen với việc làm mẹ. Phần vì con cũng lớn hơn, tương tác được nhiều nên mẹ không còn cảm giác một mình nữa. Giai đoạn 4 tháng tuổi con cũng không có tuần khủng hoảng nên mẹ tranh thủ tận hưởng đi nhé. Bé ngày càng lớn sẽ phát sinh nhiều thứ. Ví dụ như chuẩn bị ăn dặm, chăm sóc răng miệng tốt khi bé mọc răng. Mẹ hãy dành thời gian tìm hiểu kiến thức trước để tự tin chăm sóc con. Và đừng quên bên cạnh nhu cầu phát triển thể chất, con còn cần phát triển trí tuệ và tinh thần đấy.
Các mẹ tham khảo: Sách Vải Hay Cho Bé Theo Chủ Đề Và Độ Tuổi
Sách Ehon Cho Bé 0-6 Tháng Tuổi – Người Bạn Đầu Đời Tuyệt Vời
Cuối cùng, hãy cùng chia sẻ những hạnh phúc, buồn vui và cả những khó khăn khi làm mẹ với các ba mẹ Việt khác nhé! Hẹn gặp lại các mẹ trong Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – 5 Tháng Tuổi nha!!!
- Hành trình 4 tháng mẹ dạy con tăng động giảm chú ý tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Mười Một 9, 2024
- Quả ngọt 9 tháng mẹ can thiệp cho con tăng động giảm chú ý học lớp 1 học tốt - Tháng Sáu 6, 2024
- Bài Test Sàng Lọc Tự Kỷ M-Chart-R (dành cho trẻ từ 16-30 tháng tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Mức Độ Tự Kỷ Của Trẻ CARS (dành cho trẻ trên 2 tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 25-30 tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 55-60 tháng - Tháng Năm 4, 2023