Ngày nay chúng ta thường nói đến hot trend. Hot trend là một trào lưu xuất hiện, phát triển mạnh trong một giai đoạn nào đó rồi mất đi. Vậy mà bệnh đường hô hấp ở trẻ em không phải là trend vẫn cứ hot đều các mẹ nhỉ. Độ hot của nó thì không cần bảo chứng luôn vì mùa nào cũng bị, trẻ nào cũng gặp. Các mẹ không còn xa lạ gì hình ảnh con nghẹt mũi, sổ mũi, ho, sốt xảy ra quanh năm. Bệnh kéo dài dai dẳng, tái phát nhiều lần là nỗi ám ảnh của không ít mẹ. Mẹ hãy cùng tìm hiểu về các bệnh đường hô hấp ở trẻ để nhanh chóng chặn đứng “hot trend” này nhé!
Mục Lục Bài Viết
Bệnh Đường Hô Hấp Ở Trẻ Em Là Gì?
Bệnh đường hô hấp ở trẻ em là tình trạng nhiễm khuẩn đường thở, đường dẫn khí và phổi. Đường thở các mẹ biết đến dưới cái tên dân dã là tai, mũi, họng. Đường dẫn khí là thanh quản, khí quản, phế quản. Và phổi thì bao gồm phổi, phế quản, tiểu phế quản.
Hệ miễn dịch và đường thở chưa hoàn thiện của con là “miếng mồi ngon” cho bệnh tấn công. Thống kê trung bình một năm trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp từ 5-8 lần. Trẻ thường có biểu hiện ho nhưng không quá 30 ngày. Một số bệnh lành tính được mẹ chăm sóc tốt, đa phần trẻ sẽ tự khỏi bệnh trong 10-14 ngày. Tuy nhiên, vẫn có 20-25% trường hợp trẻ có thể từ bệnh nhẹ chuyển biến thành viêm phổi. Mà viêm phổi lại có nhiều nguy cơ biến chứng cao và rất nguy hiểm.
Như vậy, quan trọng nhất khi con bệnh đường hô hấp các mẹ chú ý hai điều:
– Chăm sóc các bệnh về đường hô hấp thật tốt để không biến chứng sang viêm phổi.
– Phát hiện sớm dấu hiệu trẻ bị viêm phổi để đưa trẻ đi bệnh viện kịp thời.
Phân Loại Bệnh Đường Hô Hấp Ở Trẻ Em
Bệnh về đường hô hấp chia làm hai loại gồm: nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và mãn tính.
Nhiễm Khuẩn Hô Hấp Cấp Tính
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em được phân chia thành viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới.
Viêm Đường Hô Hấp Trên
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là tình trạng nhiễm khuẩn ở vùng tai – mũi – họng. Bệnh thường do virus, vi khuẩn gây ra. Mẹ dễ dàng nhận biết bệnh qua những triệu chứng điển hình nghẹt mũi, sổ mũi, viêm họng, viêm amidan,…
Đơn giản thôi các mẹ ạ. Các triệu chứng kể trên tuy hơi “lầy lội” nhưng không nguy hiểm. Mẹ bình tĩnh, kiên trì chăm sóc tốt các dấu hiệu đó sẽ biến mất trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên chủ quan nhé. Các triệu chứng không điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm đường hô hấp dưới. Các bệnh này cộng hưởng với nhau sẽ làm trẻ có nguy cơ biến chứng viêm phổi.
Chi tiết về viêm hô hấp trên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ tham khảo: Hiểu Về Viêm Đường Hô Hấp Trên Ở Trẻ Sơ Sinh Và Trẻ Nhỏ
Viêm Đường Hô Hấp Dưới
Viêm đường hô hấp dưới các mẹ có thể nghe lạ tai. Nhưng nói đến viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi,… thì hầu như mẹ nào cũng biết. Các bệnh viêm hô hấp dưới thường có triệu chứng đặc trưng là ho, ho có đờm, thở khò khè,…
Ho là một triệu chứng rất hay gặp ở trẻ. Tiếng ho của trẻ có rất nhiều ý nghĩa, mẹ đọc thêm Tại Đây.
Trong số đó, bệnh khiến các mẹ lo ngại nhất là viêm phổi. Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, viêm phổi nếu được điều trị kịp thời sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm. Những dấu hiệu sớm của viêm phổi hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường ngay tại nhà. Vì vậy, thay vì lo lắng mẹ hãy học cách nhận biết các dấu hiệu của viêm phổi.
Chi tiết các bệnh viêm hô hấp dưới, các mẹ theo dõi bài viết: Viêm Đường Hô Hấp Dưới Ở Trẻ Em Và Cách Mẹ Nhận Biết
Viêm Đường Hô Hấp Mãn Tính
Bệnh này thường được biết đến là hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,… Trong đó, trẻ mắc hen suyễn thường do yếu tố di truyền quyết định. Trẻ thường mắc bệnh đường hô hấp mà không điều trị dứt điểm, để lâu cũng chuyển thành mãn tính.
Những bệnh do di truyền khó trị dứt điểm nhưng mẹ vẫn có cách kiểm soát an toàn. Mẹ chủ yếu giữ con tránh xa những tác nhân gây kích thích bệnh là được.
Trong các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em thì các bệnh cấp tính dễ đối phó hơn. Mẹ nên tập trung giải quyết dứt điểm mỗi lần con bệnh. Nhưng quan trọng là sau những lần đó, mẹ rút kinh nghiệm phòng bệnh cho con tốt hơn. Như thế thì mẹ mới không lo bệnh thành mãn tính. Các bệnh về đường hô hấp kể ra cũng không khó nhằn lắm đâu các mẹ. Chăm sóc trẻ mẹ lưu ý một số nguyên tắc cơ bản, bệnh sẽ được đẩy lùi nhanh mẹ nhé!
Chăm Sóc Khi Trẻ Bệnh Đường Hô Hấp
Kinh Nghiệm Của Mẹ
Chăm sóc trẻ bệnh đường hô hấp, mình thường nhắn nhủ các mẹ ghi nhớ 3 từ: “chia để trị”.
Đơn giản là con có tất cả những triệu chứng nào, mẹ “chia ra”, liệt kê hết ra. Sau đó, mẹ “trị” từng chứng một là xong. Đơn giản quá phải không các mẹ ^^. Đến đây có mẹ nghĩ bụng, không ăn thua đâu! Ba cái chứng ho, sổ mũi, nghẹt mũi ấy thấy vậy mà khó hết lắm.
Kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho các mẹ, mình nhận ra mẹ biết hết đấy nhưng làm chưa đủ. Mẹ phải trị đồng thời các triệu chứng, mỗi triệu chứng phải trị đến nơi đến chốn. Nếu con sổ mũi và ho mẹ chỉ trị một trong hai hoặc thấy bớt rồi không trị nữa. Như thế thì bệnh kéo dài là đúng rồi mẹ ạ.
Chăm Sóc Trẻ Bệnh Đường Hô Hấp
Ok, nắm được nguyên tắc này rồi thì các mẹ chăm sóc trẻ như sau:
- Trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi: cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường cho bú mẹ. Mẹ làm thông thoáng đường mũi với nước muối sinh lý để con dễ thở, dễ bú.
- Trẻ bị ho, đau họng, thở khò khè: đối với ho, mẹ xác định xem con ho khan hay ho có đờm. Mẹ tập trung tìm nguyên nhân trẻ bị ho. Nếu do đờm nhiều mẹ cần long đờm, hút đờm giúp thông thoáng đường thở, giảm ho. Mẹ cũng có thể áp dụng các bài thuốc dân gian như: tắc chưng đường phèn, húng quế, tía tô,…
- Trẻ bị sốt: hạ sốt an toàn cho trẻ ưu tiên các phương pháp chườm nước ấm, đắp lá,…
- Không lạm dụng thuốc kháng sinh các mẹ nhé.
- Nâng cao sức đề kháng tự nhiên: cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng để có sức chống lại bệnh.
- Mẹ theo dõi trẻ 24/24: kịp thời phát hiện dấu hiệu nguy hiểm hay viêm phổi mà đưa con đến bệnh viện.
Dấu Hiệu Nguy Hiểm Trẻ Cần Đến Bệnh Viện
Hầu hết các bệnh đường hô hấp ở trẻ em có thể được chăm sóc ngay tại nhà. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho con, mẹ cần biết cách phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm:
- Trẻ có dấu hiệu tím tái.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi bỏ bú hoặc bú kém. Trẻ trên 6 tháng không uống được nước.
- Xuất hiện sốt co giật.
- Dấu hiệu rối loạn tri giác: lừ đừ, ngủ li bì, khó đánh thức.
- Thở có tiếng rít.
- Suy dinh dưỡng nặng.
Khi nhận thấy những dấu hiệu này mẹ cần đưa con đến bệnh viện sớm. Các bác sĩ sẽ thăm khám và kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp.
Đặc biệt, bé nhà mẹ dưới 3 tháng tuổi mà kèm sốt hay hạ nhiệt độ (con lạnh), thở khò khè, mẹ nên đưa con đi khám ngay nhé.
Cách tốt nhất chấm dứt mọi âu lo và muộn phiền khi con bệnh là giữ con đừng bệnh. Mẹ nắm được các nguyên nhân gây bệnh mẹ sẽ biết nên làm gì để phòng ngừa cho trẻ.
Nguyên Nhân Gây Bệnh Đường Hô Hấp Ở Trẻ
Viêm hô hấp trên ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng như viêm hô hấp dưới thường xảy ra do:
Trẻ bị nhiễm virus: đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh về đường hô hấp cho trẻ. Một số virus thì khá “hiền hậu” kiểu tự đến rồi tự đi các mẹ à. Loại này thì mẹ không cần lo lắng nhiều vì sau 7-10 ngày trẻ sẽ hết bệnh. Một số khác thì “tinh ranh” hơn, có khả năng gây biến chứng nguy hiểm cho con. Điển hình cho loại này là bệnh cảm cúm, ho gà,…
Tìm hiểu thêm về cảm cúm, cảm lạnh ở trẻ em: Trẻ Sơ Sinh Bị Cảm Lạnh Và Giải Đáp Thắc Mắc Thường Gặp Của Mẹ
Trẻ bị nhiễm vi khuẩn: một số vi khuẩn thường gây bệnh ở trẻ như bạch hầu, phế cầu khuẩn,… “Bạn” này xuất hiện thì mẹ phải dùng kháng sinh cho con mới hết bệnh được. Mà đã uống kháng sinh là uống đủ liều, không tự ý dừng thuốc mẹ nhé!
Kháng sinh dùng để tiêu diệt vi khuẩn và hoàn toàn vô tác dụng với virus. Vì vậy, các bệnh do virus gây ra mẹ không được lạm dụng kháng sinh.
Ngoài ra, sẽ thật thiếu sót nếu mẹ quên mất yếu tố môi trường. Các dị nguyên trong nhà mẹ nên để ý như lông vật nuôi, xơ vải, nấm mốc, bụi bẩn,… Môi trường xung quanh bị ô nhiễm, nhiều khói bụi, khói thuốc lá,… cũng dễ gây bệnh cho con. Các thời điểm giao mùa thì mẹ chú ý phấn hoa, độ ẩm không khí,…
Nguyên nhân gây bệnh đã rõ ràng. Giờ là lúc chúng ta lên kế hoạch tiêu diệt mầm bệnh và phòng bệnh hiệu quả cho con.
Phòng Bệnh Đường Hô Hấp Cho Trẻ
Các tác nhân gây bệnh thường lợi dụng lúc hệ miễn dịch của con suy yếu để tấn công. Mẹ biết không, để phòng bệnh đường hô hấp hiệu quả cho trẻ trước tiên trẻ phải khỏe. Hệ miễn dịch của trẻ đủ khả năng bảo vệ trẻ trước mầm bệnh. Thêm vào đó, môi trường càng ít mầm bệnh, trẻ càng có cơ hội phát triển khỏe mạnh.
Nâng Cao Sức Đề Kháng Tự Nhiên Của Trẻ
Mẹ có thể tăng cường sức đề kháng cho con hàng ngày theo những cách sau:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và càng lâu càng tốt. Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp bổ sung, hoàn thiện hệ miễn dịch của con.
- Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
- Tiêm phòng cho trẻ đúng lịch. Đây là cách ngăn ngừa trẻ nhiễm các bệnh nguy hiểm thường gặp ở 0-6 tuổi.
- Chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất, các nguyên tố vi lượng cho trẻ.
- Mùa hè mẹ cho trẻ mặc đồ thoáng mát, mùa đông thì chú ý mặc đủ ấm.
Môi Trường Nuôi Dưỡng Trong Lành
- Nơi ở nên tránh xa nguồn ô nhiễm, khói bụi, không khói thuốc lá,… Nếu nhà mẹ dùng bếp than, củi thì tránh cho trẻ hít phải khói.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh về đường hô hấp hay nghi có bệnh. Không đưa trẻ đến nơi đông người khi đang có dịch bệnh.
- Mẹ và người thân thường xuyên rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc trẻ.
- Trẻ trong độ tuổi ăn dặm, mẹ thường xuyên giặt sạch đồ chơi của trẻ. Tuổi tập bò, tập đi, mẹ chịu khó lau dọn nhà cửa sạch sẽ tránh bụi bẩn.
- Mẹ tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi chơi và đi vệ sinh. Các thói quen tập từ sớm sẽ giúp trẻ bảo vệ mình trong nhiều trường hợp đó mẹ.
Kết Luận
Những bệnh đường hô hấp ở trẻ em thường làm mẹ đau đầu bởi bệnh rất hay tái phát. Mà các triệu chứng thì rất “chịu khó” kéo dài dai dẳng làm mẹ nẫu hết cả ruột. Trẻ sổ mũi, ho,… kéo dài tuy ít nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Thực tế như mình đã chia sẻ, chỉ cần mẹ biết một vài mẹo, việc điều trị sẽ rất hiệu quả. Những kinh nghiệm điều trị và chăm sóc hiệu quả cho trẻ mình thường chia sẻ cùng các mẹ trong Cộng Đồng Mẹ Việt. Nhiều mẹ đã áp dụng và có kết quả khả quan. Mẹ hãy cùng tham khảo thông tin và nhận hỗ trợ từ nhiều mẹ bỉm sữa khác nhé!
- 5 tháng mẹ dạy con chậm nói từ nói TỪ ĐƠN đến CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP - Tháng Tám 9, 2024
- Mẹ can thiệp chậm nói thành công cho 2 bé sinh đôi (chậm đơn thuần và rối loạn phổ tự kỷ) - Tháng Bảy 24, 2024
- 5 tháng mẹ can thiệp chậm nói cho con 7 tuổi tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Bảy 5, 2024
- 2 tháng mẹ học tự dạy con chậm nói nói cả câu: “Chúc ba mẹ ngủ ngon” - Tháng Sáu 3, 2024
- Mẹ sống ở Đức tự can thiệp chậm nói giúp con cải thiện vượt bậc - Tháng Sáu 3, 2024
- Sống ở nước ngoài, mẹ can thiệp chậm nói cho con tại nhà thành công - Tháng Năm 29, 2024
- Hành trình kỳ diệu 3 tháng mẹ vượt vũ môn giúp bé tự kỷ kịp vào lớp 1 - Tháng Ba 12, 2024
- Hành trình 3 tháng mẹ can thiệp con bập bẹ 10 từ đơn đến nói cả câu! - Tháng Ba 7, 2024
- Vượt ngoài mong đợi, mẹ dạy bé tự kỷ 1 tháng nói được 100 từ đôi - Tháng Một 16, 2024
- Biết ơn Cô Thuần Mẹ Việt cho mẹ niềm tin can thiệp thành công cho con - Tháng Chín 25, 2023
- Hành trình 5 tháng mẹ dạy con học nói từ chưa bật âm đến nói cả câu - Tháng Tám 27, 2023
- 10 tháng ròng can thiệp tại nhà thành công cho bé rối loạn phổ tự kỷ - Tháng Năm 30, 2023