Trong loạt bài trước, mình đã cùng mẹ tìm hiểu về các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em. Tiếp nối chủ đề bệnh đường hô hấp, bài này mình chia sẻ về các bệnh viêm hô hấp dưới. Một số bệnh có tính chất nguy hiểm, do đó chăm sóc trẻ mẹ cần hết sức chú ý. Các mẹ có con nhỏ nên tìm hiểu thông tin về bệnh trước. Khi con vừa có dấu hiệu nhiễm bệnh, mẹ phát hiện sớm và điều trị ngay sẽ hiệu quả.
Mục Lục Bài Viết
- 1 Viêm Đường Hô Hấp Dưới Là Gì?
- 2 Các Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Dưới Thường Gặp
- 3 Triệu Chứng Viêm Đường Hô Hấp Dưới Ở Trẻ Em
- 4 Dấu Hiệu Trẻ Đang Gặp Nguy Hiểm
- 5 Chăm Sóc Trẻ Viêm Đường Hô Hấp Dưới
- 6 Viêm Đường Hô Hấp Dưới Có Lây Không?
- 7 Nguyên Nhân Gây Bệnh Viêm Hô Hấp Dưới
- 8 Phòng Bệnh Hiệu Quả Cho Trẻ
- 9 Kết Luận
Viêm Đường Hô Hấp Dưới Là Gì?
Trước tiên, để biết viêm đường hô hấp dưới là gì, mẹ cần biết các cơ quan của đường hô hấp dưới. Đường hô hấp dưới bao gồm: khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi. Viêm đường hô hấp dưới là tình trạng nhiễm khuẩn một trong các cơ quan trên.
Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân, những lúc thời tiết thay đổi thất thường. Các triệu chứng của bệnh thường kéo dài dai dẳng và có thể tái phát nhiều lần trong năm. Thực ra, bệnh viêm phế quản, tiểu phế quản hay khí quản thường ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách có nguy cơ biến chứng sang viêm phổi. Mà viêm phổi thì lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở nước ta. Vì vậy, khi trẻ bị viêm đường hô hấp dưới, mẹ hãy tập trung chăm sóc trẻ thật tốt nhé.
Tổng quan bệnh đường hô hấp ở trẻ em: Bách Khoa Toàn Thư Về Bệnh Đường Hô Hấp Ở Trẻ Em
Các Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Dưới Thường Gặp
Thực tế, mẹ sẽ ít nghe về bệnh viêm hô hấp dưới vì đây là tên gọi dùng trong y khoa nhiều hơn. Mẹ thường biết đến bệnh qua những tên bệnh cụ thể: viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hay viêm phổi.
Viêm hô hấp dưới được phân loại thành viêm cấp tính và mãn tính. Cấp tính hay cấp là từ dùng để chỉ những bệnh khởi phát nhanh, diễn ra trong thời gian ngắn. Ví dụ: viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản cấp,… Mãn tính hay mạn tính là từ dùng để chỉ các bệnh hay tái phát nhiều lần và điều trị kéo dài.
Các bệnh viêm đường hô hấp dưới thường gặp gồm:
Viêm Phế Quản
Phế quản có thể tắc nghẽn do niêm mạc phế quản bị kích thích phồng lên, tăng tiết dịch nhầy. Theo đó, trẻ mới nhiễm khuẩn niêm mạc phế quản gọi là viêm phế quản cấp tính. Bệnh thường kéo dài trong vài tuần (<30 ngày).
Bệnh không được điều trị dứt điểm sẽ kéo dài và dễ tái đi tái lại nhiều lần. Khi đó, trẻ sẽ chuyển sang viêm phế quản mãn tính. Trẻ sẽ phải “sống chung với bệnh” nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Mẹ đọc thêm: Bé Bị Viêm Phế Quản Thở Khò Khè Mẹ Phải Làm Sao?
Viêm Tiểu Phế Quản
Bệnh này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng. Nguyên nhân là do các tiểu phế quản chưa phát triển hoàn thiện. Các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ làm các chất nhờn tích tụ trong đường hô hấp. Vì thế, trẻ sẽ cảm thấy khó thở.
Mẹ tham khảo: Bệnh Viêm Tiểu Phế Quản Ở Trẻ Sơ Sinh Và 3 Nguyên Tắc Mẹ Cần Biết
Viêm Phổi
Đây là bệnh nguy hiểm đối với cơ thể còn non yếu của trẻ. Vì thế, mẹ cần quan tâm đặc biệt. Phổi khi bị tổn thương sẽ khiến dưỡng khí không thể đi vào máu. Trẻ có thể bị suy hô hấp và nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, ngay khi phát hiện viêm phổi mẹ nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc.
Nhận biết sớm các dấu hiệu viêm phổi là rất quan trọng. May mắn là bệnh hoàn toàn có thể được phát hiện trong những ngày đầu ngay tại nhà.
Chi tiết: Biểu Hiện Viêm Phổi Ở Trẻ Sơ Sinh Mẹ Có Thể Nhận Biết Sớm
Trẻ có thể bị viêm phổi do các tác nhân gây bệnh. Mặt khác, viêm phổi cũng có thể là biến chứng của các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản,… Chính vì thế, khi thấy bệnh của con kéo dài, mẹ cần theo dõi sát diễn tiến bệnh của trẻ. Bên cạnh đó, mẹ tích cực chữa trị các triệu chứng viêm hô hấp trên để không xảy ra biến chứng.
Triệu Chứng Viêm Đường Hô Hấp Dưới Ở Trẻ Em
Ho và thở khò khè là hai triệu chứng điển hình của bệnh viêm đường hô hấp dưới ở trẻ. Tuy các triệu chứng nhìn qua khá giống nhau nhưng mẹ để ý kỹ sẽ thấy có sự khác biệt. Cụ thể:
- Khàn giọng, khó nói: đây là dấu hiệu bệnh liên quan đến khí quản.
- Lúc đầu ho khan, vài ngày chuyển ho có đờm, nặng tức ngực: biểu hiện con bị viêm phế quản.
- Khó thở, thở khò khè, thở rít: biểu hiệu của viêm tiểu phế quản.
- Khó thở, đau ngực khi hít sâu, ho khạc đờm, ho ra máu, thở nhanh: triệu chứng của viêm phổi.
Đọc thêm: Trẻ Sơ Sinh Thở Khò Khè Như Có Đờm Là Dấu Hiệu Bệnh Gì?
5 Bí Quyết Trị Khò Khè Cho Trẻ Sơ Sinh Mẹ Cần Bỏ Túi Ngay
Ngoài ra, trẻ bị viêm đường hô hấp dưới lúc đầu có thể có những biểu hiện giống cảm lạnh:
- Bị nghẹt hoặc chảy nước mũi
- Sốt
- Đau họng
- Đau đầu âm ỉ
Vì vậy, ngay khi trẻ có dấu hiệu viêm hô hấp dưới, mẹ hãy chăm sóc trẻ thật chu đáo. Như vậy, trẻ vừa nhanh hồi phục, giảm biến chứng. Mẹ đồng thời cũng sớm phát hiện được các dấu hiệu nguy hiểm nếu có.
Dấu Hiệu Trẻ Đang Gặp Nguy Hiểm
Đa số các bệnh viêm đường hô hấp dưới mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, thể trạng non nớt của con kết hợp một số yếu tố thuận lợi thì mẹ vẫn nên đề phòng. Trẻ sinh non, nhẹ cân, có sẵn các bệnh trước đó khi nhiễm bệnh cần chú ý hơn. Thời tiết thay đổi đột ngột hay khắc nghiệt cũng góp phần làm cho bệnh dễ biến chứng. Những biến chứng nguy hiểm thường gặp là:
– Suy tim
– Suy hô hấp
– Ngừng hô hấp
– Nhiễm trùng máu
– Áp-xe phổi
Những trường hợp trên đều có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Vì vậy, khi nhận thấy những dấu hiệu nguy hiểm sau đây, mẹ nhanh chóng cho trẻ đi viện nhé:
- Sốt cao liên tục, kéo dài trên 3 ngày.
- Có vấn đề về đường thở: khò khè, thở nhanh, khó thở hoặc đau ngực.
- Ho nhiều kéo dài hơn 3 tuần hoặc ho ra máu hoặc đờm sẫm màu, có màu rỉ sét.
- Rối loạn tri giác: lừ đừ, có biểu hiện nhầm lẫn,…
- Bệnh về đường hô hấp tái phát nhiều lần hay bệnh kéo dài, đặc biệt là viêm phế quản.
Trên thực tế, nhiều trẻ từ bệnh nhẹ chuyển sang nặng là vì mẹ bị động trước diễn biến bệnh. Mẹ chưa nắm được các dấu hiệu cần lưu ý nên vô tình phớt lờ các cảnh báo quan trọng. Tuy nhiên, khi chúng ta hiểu rõ về bệnh sẽ hoàn toàn ngăn chặn được các tình huống nguy hiểm. Vì thế, mẹ hãy thường xuyên cập nhật kiến thức và cách điều trị bệnh nhé. Tìm hiểu trước sẽ giúp mẹ chủ động chăm sóc và bé yêu luôn được bảo vệ an toàn.
Chăm Sóc Trẻ Viêm Đường Hô Hấp Dưới
Không phải tất cả trường hợp trẻ viêm hô hấp dưới đều cần điều trị ở bệnh viện. Trẻ chỉ nhiễm viêm hô hấp dưới nhẹ, mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà với 2 nguyên tắc:
- Điều trị triệu chứng: con thường bị sốt, ho, nghẹt mũi, chảy mũi,… Mẹ hạ sốt an toàn và tham khảo cách trị nghẹt mũi, chảy mũi hay các bài thuốc trị ho.
- Nâng Cao Đề Kháng Cho Con: để hệ miễn dịch của trẻ đủ khỏe mạnh và tự đẩy lùi bệnh. Mẹ hãy cho con uống nhiều nước, ăn đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi nhiều.
Một số trường hợp viêm hô hấp dưới cần điều trị bằng thuốc hoặc các thiết bị hỗ trợ khác. Các vấn đề điều trị mẹ lưu ý:
Kháng sinh: con có cần thiết sử dụng kháng sinh hay không phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ và làm xét nghiệm cần thiết sẽ có kết luận chính xác.
Ống hít, máy khí dung: có thể sử dụng để điều trị khi con khó thở. Tuy nhiên, sử dụng sai cách về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ xem con có thực sự cần dùng biện pháp này không? Liều lượng dùng như thế nào là phù hợp.
Truyền dịch: nên theo yêu cầu của bác sĩ và thực hiện tại bệnh viện là an toàn nhất cho con.
Mẹ tích cực chăm sóc tầm 5-7 ngày là con đã bắt đầu khỏe. Đến đây, nhiều mẹ bận bịu thường hỏi mình có nên cho con đi học lại chưa. Câu trả lời của mình nằm dưới đây nhé.
Viêm Đường Hô Hấp Dưới Có Lây Không?
Viêm đường hô hấp dưới là bệnh có khả năng lây lan cao. Trẻ bị lây nhiễm viêm đường hô hấp dưới qua đường hô hấp. Khi nói chuyện hay bị ho, mầm bệnh chứa trong nước bọt của người bệnh bắn ra bám vào người khỏe và lây bệnh.
Vì vậy, khi trẻ bệnh mẹ nên cho nghỉ ngơi ở nhà và khỏe hẳn rồi mới đi học lại. Như vậy sẽ đảm bảo trẻ không lây bệnh cho các bạn. Đồng thời, trẻ cũng được bảo vệ, không bị nhiễm thêm bệnh do sức đề kháng đang suy yếu.
Môi trường nhà trẻ, mẫu giáo rất đông trẻ con. Chỉ cần một bé nhiễm mầm bệnh có thể lây lan cho các bạn trong lớp rất nhanh.
Nguyên Nhân Gây Bệnh Viêm Hô Hấp Dưới
Viêm đường hô hấp dưới ở trẻ chủ yếu do các nguyên nhân:
Nhiễm virus: rhino, corona, cúm, virus hợp bào hô hấp RSV,… Có đến hơn 200 virus gây ra bệnh ở trẻ. Trẻ bị nhiễm virus nào sẽ miễn dịch với virus đó, nhưng vẫn có khả năng bị nhiễm những virus khác.
Nhiễm vi khuẩn: Streptococcus, Staphylococcus aureus,… trẻ bắt buộc phải sử dụng kháng sinh. Kháng sinh mẹ nên cho trẻ uống đủ liều ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm.
Có đến 90% bệnh do virus gây ra và ít khi biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, lúc này, hệ miễn dịch của trẻ đang suy yếu sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công. Vì vậy, khi trẻ nhiễm bệnh mẹ hãy chăm sóc thật tốt để tránh con bị nhiễm thêm vi khuẩn.
Nhiễm nấm Mycoplasma: đây không phải là virus hay vi khuẩn, nhưng lại có đặc điểm của cả 2 loại này. Trẻ viêm hô hấp dưới tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ kiểm soát được bệnh.
Các nguyên nhân vật lý khác: khói thuốc lá, bụi, hóa chất, các chất gây dị ứng, ô nhiễm không khí,… Điều trị cho trẻ nhiễm bệnh các nguyên nhân này rất đơn giản. Trước tiên, mẹ cách ly trẻ khỏi nguồn ô nhiễm, sau đó điều trị các triệu chứng như ở trên. Trẻ sẽ nhanh chóng khỏe lại.
Phòng Bệnh Hiệu Quả Cho Trẻ
Nguyên tắc chung khi phòng ngừa viêm đường hô hấp dưới cho trẻ là tránh nhiễm mầm bệnh. Mẹ bảo vệ trẻ bằng cách:
- Mẹ dùng khăn giấy che miệng khi ho hoặc hắt xì. Nếu không có khăn giấy thì mẹ hãy dùng khuỷu tay thay thế. Khi trẻ lớn, mẹ có thể hướng dẫn trẻ cùng làm.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc người bệnh. Đặc biệt trong mùa dịch mẹ không nên đưa con đến những nơi công cộng nhiều.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay cho trẻ sạch sẽ để tránh mầm bệnh.
- Môi trường nuôi dưỡng trẻ không thuốc lá.
- Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
- Tiêm vắc xin đầy đủ (vắc xin cúm, phế cầu,…).
- Giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh, đặc biệt là ở cổ, ngực, mũi.
- Nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho trẻ thông qua hoạt động thể chất và chế độ dinh dưỡng.
Kết Luận
Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp mẹ hiểu về viêm đường hô hấp dưới. Hiểu về bệnh rồi mẹ sẽ biết cách chủ động phòng ngừa và đối phó khi bệnh xảy ra. Mẹ biết không, ngoài bệnh hô hấp, con còn rất “mong manh” trước nhiều bệnh khác. Mà bệnh nào mẹ cũng có thể phòng ngừa, cũng có thể chăm sóc tốt khi hiểu rõ về bệnh.
Vì vậy, mỗi ngày mẹ dành chút thời gian đọc những bài viết chia sẻ trên Blog MeViet.vn nhé. Chắc chắn mẹ sẽ khám phá nhiều điều hữu ích cho hai mẹ con đấy. Hoặc nếu mẹ muốn kết nối nhiều hơn với mình và nhiều mẹ Việt khác, mẹ luôn được chào đón ở Cộng Đồng Mẹ Việt.
- 5 tháng mẹ dạy con chậm nói từ nói TỪ ĐƠN đến CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP - Tháng Tám 9, 2024
- Mẹ can thiệp chậm nói thành công cho 2 bé sinh đôi (chậm đơn thuần và rối loạn phổ tự kỷ) - Tháng Bảy 24, 2024
- 5 tháng mẹ can thiệp chậm nói cho con 7 tuổi tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Bảy 5, 2024
- 2 tháng mẹ học tự dạy con chậm nói nói cả câu: “Chúc ba mẹ ngủ ngon” - Tháng Sáu 3, 2024
- Mẹ sống ở Đức tự can thiệp chậm nói giúp con cải thiện vượt bậc - Tháng Sáu 3, 2024
- Sống ở nước ngoài, mẹ can thiệp chậm nói cho con tại nhà thành công - Tháng Năm 29, 2024
- Hành trình kỳ diệu 3 tháng mẹ vượt vũ môn giúp bé tự kỷ kịp vào lớp 1 - Tháng Ba 12, 2024
- Hành trình 3 tháng mẹ can thiệp con bập bẹ 10 từ đơn đến nói cả câu! - Tháng Ba 7, 2024
- Vượt ngoài mong đợi, mẹ dạy bé tự kỷ 1 tháng nói được 100 từ đôi - Tháng Một 16, 2024
- Biết ơn Cô Thuần Mẹ Việt cho mẹ niềm tin can thiệp thành công cho con - Tháng Chín 25, 2023
- Hành trình 5 tháng mẹ dạy con học nói từ chưa bật âm đến nói cả câu - Tháng Tám 27, 2023
- 10 tháng ròng can thiệp tại nhà thành công cho bé rối loạn phổ tự kỷ - Tháng Năm 30, 2023