Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi và ho thường làm các mẹ lần đầu làm mẹ lúng túng. Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao? Làm cách nào để trị ho cho con? Mình hiểu tâm lý lần đầu trong vai trò làm mẹ sẽ khiến mẹ bỡ ngỡ và nhiều lo lắng. Tuy nhiên chẳng mấy chốc mà mẹ thuần thục cách xử lý những vấn đề bé con thế này đâu. Với kinh nghiệm là mẹ của 2 bạn nhỏ, mình sẽ hướng dẫn mẹ cách xử lý nghẹt mũi và ho trong vòng 3 nốt nhạc nhé ^^ Nào chúng ta cũng bắt đầu thôi.
Mục Lục Bài Viết
Nhận Biết Trẻ Sơ Sinh Bị Nghẹt Mũi Và Ho
Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh mẹ dễ nhận biết nhất là lúc mẹ cho con măm măm sữa. Trẻ có dấu hiệu khó bú, đang bú phải dừng lại nghỉ rồi mới bú tiếp. Trẻ không bú dài hơi và dễ bị sặc. Ngoài ra, nghẹt mũi làm trẻ hít thở khó khăn nên trẻ phản ứng bằng cách khó chịu, quấy khóc. Mẹ ẵm trẻ đầu cao hơn mông hoặc bế đứng trẻ sẽ dễ chịu hơn nhé.
Bình thường khoang mũi nhỏ bé của con sẽ tự tiết dịch nhầy. Dịch nhầy đóng vai trò là một lớp cửa ngăn chặn bụi bẩn, virus… xâm nhập vào cơ thể con. Vì nhiều lý do, dịch nhầy trở nên “dồi dào” hơn mức cần thiết. Chúng làm hẹp đường đi của không khí và… con bị nghẹt mũi.
Thêm vào đó, con còn nhỏ chưa quen với thở bằng miệng. Khi nghẹt mũi con phải thở bằng miệng nhiều hơn, do đó mà ho khan có cơ hội viếng thăm. Chất nhầy nghẹt mũi lâu ngày có thể chảy xuống họng làm con ngứa cổ họng, gây ho có đờm. Nhưng cũng có khi ho được gây ra cùng bởi lý do làm con nghẹt mũi. Và dù vì lý do gì chăng nữa thì mẹ vẫn phải “xử lý” nhanh gọn 2 triệu chứng này.
Con nghẹt mũi và ho kéo dài dẫn đến viêm họng, ho khan, nôn mửa, khô tím môi v.v,… Dĩ nhiên là các bà mẹ chúng ta không hề muốn con bệnh một chút nào phải không? Vì thế ngay khi chớm bệnh, mẹ áp dụng những cách dưới đây để chăm sóc con mau khỏi nhé!
Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Bị Nghẹt Mũi Và Ho Đúng Cách
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao? Nước muối sinh lý là biện pháp giúp điều trị nghẹt mũi hiệu quả nhất. Mẹ có thể dễ dàng mua những chai nước muối sinh lý 0.9% tại các tiệm thuốc tây. Mẹ áp dụng những cách sau đây sẽ giúp mũi con thông thoáng.
Cách Chữa Nghẹt Mũi
Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý: Mẹ nhỏ nước muối vào hai hốc mũi của trẻ để làm giảm chất nhầy. Mẹ nhỏ mỗi bên 1 giọt, nhỏ 3 lần/ngày, trẻ sẽ nhanh hết nghẹt mũi.
Massage cánh mũi: Sau khi nhỏ nước muối, mẹ dùng 2 ngón trỏ vuốt nhẹ nhàng từ đỉnh mũi xuống hai bên má. Mẹ massage 2-3 lần mỗi ngày là trẻ sẽ nhanh thông thoáng mũi. Massage gián tiếp làm cho dịch nhầy tan ra giúp trẻ dễ thở hơn.
Dùng Dụng Cụ Hút Mũi: loại bỏ bớt dịch nhầy dư thừa. Trước khi hút, mẹ nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên cánh mũi. Mẹ chờ 1 phút để dịch nhầy loãng rồi đặt con nằm nghiêng và đưa dụng cụ vào mũi hút. Mẹ tránh dùng miệng hút mũi cho trẻ nhé vì cách ấy có thể lây nhiễm mầm bệnh cho con.
Loại bỏ chất nhầy: chất nhầy nhiều có thể tạo thành một lớp vỏ cứng xung quanh mũi con. Mẹ dùng miếng bông làm ẩm bằng nước ấm lau nhẹ nhàng cho chất nhầy bong ra.
Mẹ lần đầu thực hiện cho con có thể cảm thấy chưa tự tin. Mẹ hãy thử tự rửa/hút mũi cho mình trước để cảm nhận lực cần dùng phù hợp cho con. Tuy nhiên, mẹ nhớ phải vệ sinh dụng cũ kỹ càng trước khi dùng cho con nhé. Mẹ cần tư vấn nhiều hơn về cách thực hiện, mẹ có thể trao đổi thêm trong Cộng Đồng Mẹ Việt.
Đọc thêm chi tiết: Cách Trị Nghẹt Mũi Ở Trẻ Sơ Sinh – Mẹo Hay Không Dùng Thuốc
Giảm Ho Cho Trẻ
Nếu trẻ ho khan, mẹ chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước sẽ giúp giảm triệu chứng đáng kể. Nếu trẻ ho có đờm, mẹ áp dụng cách vỗ rung long đờm ở lưng cho trẻ.
Mẹ có thể tự làm các bài thuốc dân gian giảm ho cho trẻ với tắc, húng quế, tía tô,… Mật ong cũng giảm ho tốt nhưng không dùng cho trẻ sơ sinh vì có thể gây dị ứng. Do đó, mẹ chỉ dùng mật ong cho trẻ trên 1 tuổi thôi nhé! Các bài thuốc và cách làm cụ thể giúp trẻ giảm ho mình chia sẻ chi tiết Tại Đây. Mẹ có thể đọc thêm để có kinh nghiệm trị ho hiệu quả cho con.
Trên đây là những cách điều trị nghẹt mũi và ho cho trẻ không dùng thuốc. Bên cạnh đó, có những lưu ý quan trọng mẹ cần biết trong quá trình chăm sóc trẻ. Chúng ta cùng tìm hiểu tiếp nhé.
Lưu Ý Khác Khi Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Bị Nghẹt Mũi Và Ho
Tích cực cho con bú mẹ: bổ sung nước và kháng thể, tăng cường sức đề kháng của con.
Nâng cao đầu khi ngủ: một chiếc khăn hoặc gối nhỏ kê đầu giúp trẻ dễ thở, ngủ ngon hơn. Gối cho trẻ chỉ nên dày 1-2cm mẹ nhé! Gối cao quá sẽ ảnh hưởng không tốt đến đầu, cổ và cột sống trẻ.
Làm ẩm không khí: đặt bình phun nước mát hoặc máy làm ẩm sẽ giúp tăng độ ẩm trong phòng. Trẻ hít thở dễ dàng hơn.
Tắm cho trẻ bằng nước ấm có nhỏ 1-2 giọt tinh dầu. Mẹ có thể dùng tinh dầu bạc hà/tỏi/bưởi hoặc tinh dầu tràm. Hít thở hơi nước có tinh dầu sẽ giúp mũi bé dễ thông hơn.
Bôi dầu tràm vào ngực, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cổ và chóp mũi cho trẻ. Dầu tràm vừa giữ ấm, vừa cay cay the the giúp trẻ thông mũi và đỡ ho hơn.
Mẹ kiên trì áp dụng những cách này 2-3 ngày sẽ thấy các triệu chứng của con giảm hẳn. Mẹ thấy đấy, nghẹt mũi và ho thật ra cũng không ghê gớm lắm đúng không? Hầu hết các trường hợp mẹ có thể theo dõi và chăm sóc con tại nhà.
Khi Nào Trẻ Nghẹt Mũi Và Ho Cần Đi Khám?
Trẻ cần được bác sĩ chăm sóc nếu xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm sau:
- Sốt cao liên tục 3 ngày, quấy khóc dữ dội.
- Đau tai (không cho chạm vào tai).
- Sổ mũi vàng, mũi xanh.
- Trẻ bỏ bú, ngủ li bì.
- Trẻ khó thở, thở nhanh, lồng ngực hõm sâu, thở nghe tiếng rít (dấu hiệu viêm phổi).
Thực ra với các mẹ có con nhỏ, nghẹt mũi và ho chẳng khác nào “chuyện thường ngày ở huyện”. Tuy triệu chứng không nghiêm trọng nhưng gây cho con khó chịu. Mẹ biết không, khi biết nguyên nhân gây nghẹt mũi và ho, mẹ sẽ ngừa bệnh cho con hiệu quả đấy.
Nguyên Nhân Trẻ Sơ Sinh Bị Nghẹt Mũi Và Ho
Điểm mặt nguyên nhân làm con nghẹt mũi và ho:
- Các bệnh viêm đường hô hấp trên: thường gây ra bởi virus, thỉnh thoảng là do vi khuẩn.
- Chất nhầy bào thai: các chất này còn sót lại trong quá trình sinh nở.
- Thời tiết thay đổi đột ngột, giao mùa: trẻ chưa kịp thích nghi với thay đổi.
- Dị ứng: lông vật nuôi, phấn hoa, khói thuốc lá, nước hoa, bụi bẩn, ô nhiễm,…
Những nguyên nhân này ngoài gây ra nghẹt mũi và ho, còn có thể kèm các triệu chứng khác. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà con hắt hơi, chảy nước mũi, ngáy, hơi thở nặng nề, sốt, phát ban,…
Trẻ sơ sinh nghẹt mũi và ho không nguy hiểm nhưng là nỗi ám ảnh của mẹ nuôi con nhỏ. Rất may là mẹ hoàn toàn có thể phòng ngừa nghẹt mũi và ho cho con dễ dàng. Cách phòng ngừa cũng rất đơn giản mà mẹ nào cũng có thể làm được.
Cách Phòng Ngừa Đơn Giản Mà Hiệu Quả
Mẹ có thể chủ động phòng ngừa cho trẻ với hai nguyên tắc cơ bản. Một là nâng cao sức đề kháng tự nhiên để con tự chống lại virus, vi khuẩn. Hai là giữ cho môi trường nuôi dưỡng con luôn trong lành, ít tác nhân gây bệnh. Mẹ có thể tham khảo những cách dưới đây.
- Cho trẻ bú mẹ nhiều, hoàn toàn trong 6 tháng đầu và có thể kéo dài đến 2 tuổi. Kháng thể từ sữa mẹ sẽ giúp con hoàn thiện hệ miễn dịch và nâng cao sức đề kháng. Trẻ trên 6 tháng tuổi mẹ nên cho trẻ uống bổ sung nước để giúp khoang mũi đỡ tắc nghẽn.
- Luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ. Ho, hắt hơi dùng khăn giấy hoặc tay che miệng.
- Giữ trẻ tránh xa các tác nhân có thể gây dị ứng.
- Thường xuyên quét dọn nhà cửa, vệ sinh máy lạnh định kỳ, không hút thuốc,…
Những nguyên tắc này không những giúp trẻ tránh hầu hết các bệnh đường hô hấp mà còn nhiều bệnh khác. Vì vậy, mẹ hãy chia sẻ với người thân để cùng mẹ thay đổi thói quen chăm con khỏe nhé. Mẹ sẽ dần thấy những thay đổi nhỏ mang lại lợi ích vô cùng lớn cho sức khỏe của con đấy!
Chút Tâm Tình Gửi Mẹ
Từ ngày con ra đời mẹ như hóa thành cô Tấm. Mẹ lúc nào cũng chú ý dọn dẹp, lau chùi liên tục từ nhà cửa đến đồ dùng của con. Lúc đầu chưa quen mẹ sẽ áp lực một chút vì mọi thứ phải luôn sạch sẽ hơn trước.
Nhưng dần dần mình nhận ra đó lại là một cơ hội tốt cho cả gia đình mẹ à. Nhờ có con, cả gia đình giờ đây được hít thở, hưởng thụ một bầu không khí trong lành. Mẹ vất vả hơn vì phải dọn dẹp nhiều hơn nhưng trộm vía, bé yêu của mẹ luôn khỏe mạnh. Kết quả viên mãn như vậy là xứng đáng để đánh đổi các mẹ nhỉ :)
- 5 tháng mẹ dạy con chậm nói từ nói TỪ ĐƠN đến CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP - Tháng Tám 9, 2024
- Mẹ can thiệp chậm nói thành công cho 2 bé sinh đôi (chậm đơn thuần và rối loạn phổ tự kỷ) - Tháng Bảy 24, 2024
- 5 tháng mẹ can thiệp chậm nói cho con 7 tuổi tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Bảy 5, 2024
- 2 tháng mẹ học tự dạy con chậm nói nói cả câu: “Chúc ba mẹ ngủ ngon” - Tháng Sáu 3, 2024
- Mẹ sống ở Đức tự can thiệp chậm nói giúp con cải thiện vượt bậc - Tháng Sáu 3, 2024
- Sống ở nước ngoài, mẹ can thiệp chậm nói cho con tại nhà thành công - Tháng Năm 29, 2024
- Hành trình kỳ diệu 3 tháng mẹ vượt vũ môn giúp bé tự kỷ kịp vào lớp 1 - Tháng Ba 12, 2024
- Hành trình 3 tháng mẹ can thiệp con bập bẹ 10 từ đơn đến nói cả câu! - Tháng Ba 7, 2024
- Vượt ngoài mong đợi, mẹ dạy bé tự kỷ 1 tháng nói được 100 từ đôi - Tháng Một 16, 2024
- Biết ơn Cô Thuần Mẹ Việt cho mẹ niềm tin can thiệp thành công cho con - Tháng Chín 25, 2023
- Hành trình 5 tháng mẹ dạy con học nói từ chưa bật âm đến nói cả câu - Tháng Tám 27, 2023
- 10 tháng ròng can thiệp tại nhà thành công cho bé rối loạn phổ tự kỷ - Tháng Năm 30, 2023