Vào mùa lạnh, trẻ thường nghẹt mũi, chảy mũi, ho, viêm họng,… Những dấu hiệu này cho thấy bé yêu của mẹ có thể bị viêm đường hô hấp trên. Viêm đường hô hấp trên là gì? Viêm đường hô hấp trên có nguy hiểm không? Viêm đường hô hấp trên uống thuốc gì? Đây cũng là những thắc mắc chung các mẹ hay hỏi mình trên Cộng Đồng Mẹ Việt. Mình đã tổng hợp những điều cần biết về viêm hô hấp trên ở trẻ và chia sẻ dưới đây. Các mẹ đang nuôi con nhỏ đọc xong có thể lưu bài để dễ tìm kiếm lại khi cần nhé!
Mục Lục Bài Viết
Viêm Đường Hô Hấp Trên Là Gì?
Đường hô hấp trên bao gồm mũi, họng, xoang, hầu và thanh quản. Bình thường, các cơ quan này đưa không khí từ bên ngoài vào phổi và thực hiện hô hấp. Viêm hô hấp trên ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là tình trạng nhiễm khuẩn một hay nhiều cơ quan kể trên. Bệnh xảy ra ở cơ quan nào sẽ gọi tên theo cơ quan đó như là viêm họng, viêm mũi,… Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ em thường phổ biến hơn đường hô hấp dưới.
Viêm đường hô hấp trên là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trung bình mỗi năm trẻ có thể mắc bệnh từ 5-8 lần. Với tần suất xảy ra thường xuyên như vậy, mẹ sẽ chăm con tốt hơn khi biết:
- Những triệu chứng của viêm hô hấp trên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Hiểu được viêm đường hô hấp trên có nguy hiểm không?
- Nắm trọn bí kíp chăm sóc với từng trường hợp viêm đường hô hấp trên.
- Biết về nguyên nhân gây bệnh để bảo vệ con bằng cách phòng ngừa hợp lý.
Đọc thêm: Bách Khoa Toàn Thư Về Bệnh Đường Hô Hấp Ở Trẻ Em
Triệu chứng Viêm Hô Hấp Trên Ở Trẻ Sơ Sinh Và Trẻ Nhỏ
Triệu chứng điển hình của viêm đường hô hấp trên mà mẹ có thể dễ dàng nhận biết như sau:
- Nghẹt mũi, sổ mũi.
- Hắt hơi.
- Viêm họng, đau rát họng, đau khi nuốt.
- Ho khan, ho có đờm.
- Mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, sốt cao.
Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm: đau vùng xoang, ngứa mắt, chảy nước mắt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy.
Đọc thêm: Trẻ Sơ Sinh Bị Nghẹt Mũi Và Ho: Cách Mẹ Thong Thả Xử Lý
Trẻ Bị Viêm Họng Sốt Cao Mẹ Nên Làm Gì
Các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ ít khi bị khó thở. Tuy nhiên, dấu hiệu này xuất hiện có nghĩa là con đã bệnh nặng. Mẹ sắp xếp đưa con đi gặp bác sĩ sớm để điều trị nhé.
Các triệu chứng của bệnh hầu hết sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Thực tế là một số trẻ có thể trạng yếu, bệnh có thể tái phát nhiều lần. Trẻ cũng ho, sổ mũi kéo dài hơn thường lệ. Điều này thường khiến mẹ lo lắng không biết bệnh có nguy hiểm gì không?
Viêm Đường Hô Hấp Trên Có Nguy Hiểm Không?
Bản chất các triệu chứng viêm đường hô hấp trên ở trẻ em không nguy hiểm. Sốt, sổ mũi, nghẹt mũi thường “cao điểm” trong vài ngày rồi hạ nhiệt và tự hết sau 10 ngày. Triệu chứng ho có thể “lây lất” đến ngày 14 rồi cũng hết. Con mệt mỏi hơn ngày thường nhưng vẫn tỉnh táo và có thể vui chơi nhẹ nhàng. Hiểu được bệnh này thường kéo dài như vậy thì mẹ cứ bình tĩnh chăm sóc con nhé.
Tuy nhiên, bệnh sẽ nguy hiểm nếu các triệu chứng không được xử trí đúng lúc và kịp thời. Các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần, con xuất hiện thở khò khè thì mẹ cần thận trọng. Tác nhân gây bệnh từ đường hô hấp trên đã tấn công xuống làm nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Lúc này, bệnh có nguy cơ biến chứng gây viêm não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp. Đặc biệt là viêm phổi – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Vì vậy, mẹ hãy luôn theo sát diễn biến bệnh của trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu sau và đưa trẻ đi bệnh viện.
- Trẻ không uống được nước hoặc bú ít, bỏ bú.
- Bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Trẻ khó thở, thở nhanh (trên 50 lần/1 phút), rút lõm lồng ngực,…
- Sốt cao liên tục 3-5 ngày.
Tóm lại, khi trẻ mới bệnh mẹ tập trung chăm sóc tích cực con sẽ nhanh khỏe. Đặc biệt sẽ hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm hay viêm phổi xảy ra cho con mẹ nhé!
Nguyên Nhân Trẻ Bị Viêm Đường Hô Hấp Trên
Rất nhiều mẹ nhắn tin hỏi mình bé viêm đường hô hấp trên uống thuốc gì cho nhanh khỏi? Mẹ muốn xác định thuốc cần dùng cho con thì cần dựa trên nguyên nhân gây bệnh là gì.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ em chủ yếu do virus và vi khuẩn gây ra. Hệ hô hấp của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, đường thở ngắn. Trẻ phải hít thở nhiều lần trong một phút. Virus, vi khuẩn nhân cơ hội này xâm nhập vào cơ thể trẻ. Khi hệ miễn dịch của trẻ yếu đi, chúng sẽ tấn công và gây bệnh.
Virus phổ biến: Rhino, Corona, Adeno, cúm Parainfluenza, virus hô hấp hợp bào RSV. Các virus này là “thủ phạm” của đa số các trường hợp viêm đường hô hấp trên.
Vi khuẩn thường gặp: liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae (Hib), một số loại nấm,… Bệnh do vi khuẩn ít phổ biến biến hơn nhưng lại cần điều trị tích cực sớm.
Viêm hô hấp trên ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ mà sốt cao trên 3 ngày, mẹ nên đưa trẻ đi viện. Bác sĩ sẽ cho con làm xét nghiệm máu để biết chính xác nguyên nhân.
Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi sau đây cũng dễ làm trẻ nhiễm bệnh như:
- Thời tiết thay đổi đột ngột, chuyển mùa.
- Môi trường không trong lành, vệ sinh kém, khói thuốc lá, khói bếp/than tổ ong,…
- Nhà cửa ẩm thấp, nấm mốc phát triển.
- Dị ứng lông chó, mèo, phấn hoa, nước hoa, mùi hóa chất,…
Biết được các yếu tố này sẽ giúp các mẹ chủ động phòng ngừa bệnh cho con hiệu quả đấy!
Chăm Sóc Trẻ Viêm Đường Hô Hấp Trên
Viêm Đường Hô Hấp Trên Uống Thuốc Gì?
- Bệnh do virus: mẹ chủ yếu dùng các thuốc giảm triệu chứng. Đó có thể là thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm ho, nghẹt mũi, sổ mũi,…
- Bệnh do vi khuẩn: bệnh do vi khuẩn thì phải dùng kháng sinh và các thuốc điều trị triệu chứng.
Các thuốc dùng trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ em gồm:
Thuốc Hạ Sốt, Giảm Đau
Trường hợp trẻ sốt mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol, ibuprofen. Mẹ không dùng aspirin hạ sốt cho trẻ dưới 18 tuổi vì có thể gây hội chứng Reyes nguy hiểm.
Mẹ hạ sốt cho trẻ bằng thuốc đảm bảo đúng liều lượng theo cân nặng của trẻ. Tuy nhiên, thuốc hạ sốt dùng nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến các chức năng gan, thận của trẻ. Mẹ kết hợp thêm các cách hạ sốt không dùng thuốc cho con nhé.
Thuốc Kháng Sinh
Thuốc kháng sinh chỉ dùng trong điều trị các bệnh có sự hiện diện của vi khuẩn. Hiện nay, nhiều mẹ thấy con bệnh và ho lâu ngày thì sốt ruột nên cho con uống kháng sinh để mau khỏi. Thực tế, không phải như vậy đâu mẹ nha. Kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn và hoàn toàn vô hiệu với virus. Và kháng sinh càng không thể trị ho.
Lạm dụng kháng sinh để trị ho trong thời gian dài sẽ gặp các tác dụng phụ lớn. Nhẹ thì trẻ bị tiêu chảy, nặng thì tổn thương gan, thận, sốc phản vệ rất nguy hiểm. Vì vậy, tốt nhất là mẹ chỉ dùng kháng sinh theo đơn của bác sĩ nhé.
Các Thuốc Điều Trị Triệu Chứng
- Thuốc kháng histamin để giảm tiết và nghẹt mũi.
- Thuốc điều trị ho như dextromethorphan, guaifenesin, codein.
- Steroids như dexamethasone, prednisolone dùng để giảm viêm và phù nề đường hô hấp.
- Một số thuốc dùng để thông mũi.
Thực tế thì các thuốc này chỉ cần thiết trong những trường hợp trẻ bị nặng. Hầu hết các trường hợp nhẹ trẻ có thể khỏi bệnh mà không cần uống tới các thuốc này. Và một lần nữa, thuốc có tác dụng phụ nên nếu không bắt buộc thì không nên dùng mẹ nha. Chăm sóc tại nhà mẹ có thể áp dụng những cách điều trị khác an toàn cho trẻ.
Những Cách Chăm Sóc Trẻ Không Dùng Thuốc
Trẻ bị nghẹt mũi, chảy nhiều nước mũi: làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi, bình rửa mũi để làm sạch mũi cho con. Mẹ nên làm thông mũi cho trẻ trước khi cho trẻ bú/cho trẻ ăn, trước khi đi ngủ.
Chi tiết các mẹ tham khảo: Cách Trị Nghẹt Mũi Ở Trẻ Sơ Sinh – Mẹo Hay Không Dùng Thuốc
Trẻ bị ho, viêm họng: Ho thường là triệu chứng của viêm hô hấp dưới nhiều hơn. Ho của viêm đường hô hấp trên thường là ho khan, thỉnh thoảng trẻ cũng ho có đờm. Mẹ ưu tiên dùng các bài thuốc dân gian trị ho vừa hiệu quả vừa an toàn. Một số bài thuốc quen thuộc rất công hiệu như quất (tắc) chưng đường phèn, lá húng chanh, mật ong,…
Đọc thêm: Trẻ Sốt Viêm Họng Kéo Dài Bao Lâu Thì Khỏi
Trẻ nôn: có thể do đờm đặc hoặc do bệnh đã nặng hơn. Khi trẻ nôn, mẹ cho trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên, làm sạch chất nôn ở miệng, họng, mũi. Mẹ lau khô chất nôn trên người trẻ bằng khăn mềm và nước ấm, thay quần áo sạch cho trẻ. Mẹ không nên tự cho con uống thuốc chống nôn vì uống không đúng cách bệnh có thể nặng hơn.
Ngoài ra, mẹ chú ý cho trẻ bú mẹ nhiều hơn hoặc uống nhiều nước để tránh mất nước. Đặc biệt cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và kết hợp cho trẻ nghỉ ngơi nhiều.
Phòng Ngừa Nhiễm Khuẩn Đường Hô Hấp Trên Cho Trẻ
Tuy viêm đường hô hấp trên không quá nghiêm trọng nhưng các triệu chứng khá “khó chịu” cho cả bé và mẹ. Thêm chuyện trung bình 1 năm bệnh tìm tới trẻ ít nhất 5-8 lần thì thật là ám ảnh. Cách tốt nhất để hai mẹ con luôn an vui đó là chủ động phòng ngừa để bệnh tránh xa trẻ.
- Mẹ lưu ý giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh. Bố mẹ hạn chế đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm. Nếu có thì mẹ đừng quên mang cho con tất chân, tất tay, mũ, khăn choàng, khẩu trang, áo khoác.
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nếu có điều kiện nên duy trì đến 2 tuổi.
- Mẹ cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm với chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Mẹ nên tập cho trẻ ăn rau và hoa quả ngay từ lúc ăn dặm để tăng sức đề kháng.
- Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ trẻ trước nhiều bệnh nguy hiểm.
- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vệ sinh mũi họng hàng ngày. Khi trẻ chớm có dấu hiệu nhiễm bệnh, vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
- Không cho trẻ ăn uống đồ quá lạnh để tránh nhiễm lạnh.
Kết Luận
Hi vọng qua bài viết mẹ đã có câu trả lời viêm đường hô hấp trên có nguy hiểm không? Viêm đường hô hấp trên uống thuốc gì? Vân vân và mây mây. Thực ra vấn đề lớn nhất của viêm hô hấp trên là con cứ ho và sổ mũi dai dẳng. Nếu mẹ không muốn dùng thuốc nhiều vì làm giảm đề kháng tự nhiên của con thì chúng ta giống nhau đấy!
Và nếu mẹ vẫn đang tìm cách giải quyết dứt điểm cho bệnh này, mình rất vui có thể giúp một tay. Mình có thể tư vấn và chia sẻ với mẹ những mẹo hay mình đang áp dụng hiệu quả. Mẹ kết nối với mình qua facebook nhé!
- 5 tháng mẹ dạy con chậm nói từ nói TỪ ĐƠN đến CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP - Tháng Tám 9, 2024
- Mẹ can thiệp chậm nói thành công cho 2 bé sinh đôi (chậm đơn thuần và rối loạn phổ tự kỷ) - Tháng Bảy 24, 2024
- 5 tháng mẹ can thiệp chậm nói cho con 7 tuổi tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Bảy 5, 2024
- 2 tháng mẹ học tự dạy con chậm nói nói cả câu: “Chúc ba mẹ ngủ ngon” - Tháng Sáu 3, 2024
- Mẹ sống ở Đức tự can thiệp chậm nói giúp con cải thiện vượt bậc - Tháng Sáu 3, 2024
- Sống ở nước ngoài, mẹ can thiệp chậm nói cho con tại nhà thành công - Tháng Năm 29, 2024
- Hành trình kỳ diệu 3 tháng mẹ vượt vũ môn giúp bé tự kỷ kịp vào lớp 1 - Tháng Ba 12, 2024
- Hành trình 3 tháng mẹ can thiệp con bập bẹ 10 từ đơn đến nói cả câu! - Tháng Ba 7, 2024
- Vượt ngoài mong đợi, mẹ dạy bé tự kỷ 1 tháng nói được 100 từ đôi - Tháng Một 16, 2024
- Biết ơn Cô Thuần Mẹ Việt cho mẹ niềm tin can thiệp thành công cho con - Tháng Chín 25, 2023
- Hành trình 5 tháng mẹ dạy con học nói từ chưa bật âm đến nói cả câu - Tháng Tám 27, 2023
- 10 tháng ròng can thiệp tại nhà thành công cho bé rối loạn phổ tự kỷ - Tháng Năm 30, 2023
Viêm đường hô hấp rất nguy hiểm, đặc biệt với các mẹ không có kiến thức phòng tránh cũng như chăm sóc khi con bị bệnh. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, có bệnh rồi thì cố gắng hạn chế dùng thuốc kháng sinh bừa bãi, mà nên dùng kết hợp theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. cảm ơn Thuần vì bài chia sẻ nhé