Mấy hôm nay thời tiết thay đổi, trời trở lạnh. Hộp thư tư vấn của mình cũng đồng thời tràn ngập những câu hỏi về viêm phế quản. Có mẹ thắc mắc bé bị viêm phế quản thở khò khè phải làm sao? Rồi bé thở khò khè và ho có cách nào trị dứt điểm không? Hay con nên ăn gì, nên kiêng gì để nhanh khỏi bệnh?… Sau khi trả lời xong mình nghĩ những thông tin này cũng rất hữu ích cho các mẹ khác. Vì vậy, mình đã tổng hợp những điều cần biết về viêm phế quản ở trẻ trong bài viết này. Mời các mẹ cùng theo dõi nhé.
Mục Lục Bài Viết
Biểu Hiện Của Bé Bị Viêm Phế Quản
Viêm phế quản là khi các niêm mạc ống phế quản bị sưng lên, phù nề và tiết dịch. Đường thở thu hẹp lại nên lưu thông không khí khó khăn hơn. Do đó, thở khò khè là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh.
Bé bị viêm phế quản thở khò khè cũng thường có những triệu chứng đi kèm như:
– Ho có đờm.
– Mất tiếng hoặc khản tiếng.
– Khó thở, thở rít.
– Sốt.
– Chảy nước mũi, nghẹt mũi
– Mắt đỏ.
– Sưng hạch bạch huyết.
– Mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn.
Các triệu chứng biểu hiện ở mức độ nhẹ hoặc nặng tùy vào đề kháng và cơ địa từng trẻ. Nhưng nhìn chung chúng thường “rầm rộ” trong 2-3 ngày đầu rồi giảm dần những ngày sau. Các triệu chứng thường nặng vào ban đêm.
Bé thở khò khè và ho cũng có thể là biểu hiện của các bệnh viêm đường hô hấp dưới khác. Mẹ tham khảo thêm tại: Viêm Đường Hô Hấp Dưới Ở Trẻ Em Và Cách Mẹ Nhận Biết
Bé bị viêm phế quản thở khò khè được chăm sóc chu đáo có thể tự khỏi bệnh. Vì vậy, hai mẹ con hãy tập trung và cùng làm tốt nhất các bước dưới đây nhé.
Chăm Sóc Bé Bị Viêm Phế Quản Thở Khò Khè
Mẹ lưu ý một điểm then chốt là những triệu chứng trong 1-2 ngày đầu thường nhẹ. Và đây cũng là thời gian tốt nhất để can thiệp hiệu quả. Mẹ tích cực chăm sóc ngay từ những ngày đầu thì triệu chứng của trẻ sẽ càng nhẹ nhàng.
Okie, bây giờ chúng ta sẽ ưu tiên giải quyết những triệu chứng gây khó chịu của viêm phế quản. Chúng bao gồm: thở khò khè, ho, nghẹt mũi, sổ mũi, hạ sốt,…
Trị Ho Và Thở Khò Khè
Cách đơn giản nhất để trẻ giảm ho và thở khò khè là cho trẻ uống nhiều nước. Nước sẽ làm dịu cơn ho và giúp loãng đờm hiệu quả.
Ngoài ra những cách sau cũng giúp bé bị viêm phế quản thở khò khè nhanh chấm dứt khó chịu:
- Nước ấm pha mật ong: mật ong kháng khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Cách này không dùng cho bé dưới 1 tuổi vì có thể gây dị ứng và ngộ độc.
- Lá húng chanh: vò nát 10 lá húng chanh, vắt nước cốt pha chút đường phèn hấp cách thủy. Mẹ cho con uống 3 lần/ngày, đều đặn cho đến khi con hết ho, thở lại bình thường.
- Tinh dầu tràm: bôi vào gan bàn chân của con trước khi đi ngủ giúp giữ ấm toàn thân.
Mẹ tham khảo thêm: 5 Bí Quyết Trị Khò Khè Cho Trẻ Sơ Sinh Mẹ Cần Bỏ Túi Ngay.
Trị Nghẹt Mũi, Sổ Mũi
Khi trẻ mới chớm nghẹt mũi, sổ mũi, mẹ hãy thực hiện:
- Vệ sinh mũi cho trẻ sạch bằng nước muối sinh lý 0.9% giúp con thông mũi, dễ thở. Mẹ có thể nhỏ mũi, hút mũi hay rửa mũi đều được. Tuy nhiên rửa mũi loại bỏ chất nhầy nhanh hơn. Cách làm cụ thể, mẹ xem Tại Đây.
- Bế đứng khi trẻ khó thở giúp trẻ dễ chịu, dễ thở hơn. Nằm thì nên có gối kê đầu nhưng không quá cao.
- Máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ: có thì tốt hơn nhưng không có cũng không sao. Những cách kia cũng giúp trẻ giảm nghẹt mũi, sổ mũi hiệu quả rồi.
Những cách này mẹ thực hiện đều đặn từng ngày. Trẻ vừa đỡ hơn một chút mẹ đã dừng lại thì triệu chứng sẽ dai dẳng đấy.
Hạ Sốt Cho Trẻ
Vấn đề sốt ở trẻ em mình đã chia sẻ qua nhiều bài viết. Các mẹ thường xuyên theo dõi blog MeViet.vn chắc hẳn đã thuộc nằm lòng cách hạ sốt cho trẻ. Các bài viết nổi bật như: Cách hạ sốt an toàn, trẻ sốt cao khó hạ,… Ở đây, mình chỉ lưu ý lại một chút:
– Trẻ sốt cao: dùng paracetamol hay ibuprofen, liều lượng theo cân nặng của trẻ.
– Trẻ sưng họng, đau nhiều: dùng ibuprofen sẽ tác dụng giảm đau tốt hơn.
– Không dùng aspirin để hạ sốt, giảm đau cho trẻ dưới 20 tuổi vì tác dụng phụ rất nguy hiểm.
Như vậy là mẹ đã có “công cụ” giải quyết xong triệu chứng. Việc còn lại mẹ tập trung cho trẻ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để con mau khỏe nào.
Chế Độ Dinh Dưỡng Cho Trẻ Viêm Phế Quản
Bé Bị Viêm Phế Quản Nên Ăn Gì?
Bé bị viêm phế quản nên được bổ sung đầy đủ dưỡng chất như sau:
Thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa: gạo, ngũ cốc, đậu phụ, trứng gà, sữa bò, sữa đậu nành, sữa chua,…
Rau xanh và trái cây tươi: dâu tây, bông cải xanh, cà rốt, rau chân vịt,… Chúng cung cấp vitamin giúp giảm viêm phế quản và chất xơ có lợi cho đường tiêu hóa.
Chia ra nhiều bữa ăn: giúp trẻ tiêu hóa tốt, không bị nôn ói.
Chế biến thức ăn dạng lỏng, mềm: cháo, súp, bột, canh,… giúp trẻ dễ nhai, nuốt.
Một số thực đơn hay cách nấu các món ngon mẹ tham khảo kinh nghiệm các mẹ trong Cộng Đồng Mẹ Việt. Thay đổi món thường xuyên giúp con ngon miệng, ăn được nhiều hơn.
Bé Bị Viêm Phế Quản Nên Kiêng Ăn Gì?
Các món chiên xào dầu mỡ: thịt rán, khoai tây chiên, rau xào,… Thực phẩm giàu chất béo làm bé cảm thấy khó thở.
Các món mặn: muối hấp thu nhiều nước trong cơ thể làm trẻ mất nước, phổi gia tăng chất nhầy. Trẻ có thể sốt cao, ho nhiều hơn.
Đồ hộp, thức ăn nhanh: làm bé khó tiêu.
Món cay, nóng: kích thích các ống phế quản đang bị viêm dẫn đến ho, viêm nặng hơn.
Bánh kẹo, nước ngọt có gas nhiều đường: đường háo nước cũng làm trẻ mất nước.
Hoa quả chua, chát: táo, mận, ổi, xoài,… làm bé khó long đờm.
Bé Bị Viêm Phế Quản Có Nên Tắm Không?
Nhiều mẹ thấy bé bị khò khè và ho, sổ mũi thì ngại tắm vì sợ con nhiễm lạnh. Điều này đúng. Tuy nhiên, nếu trẻ không được vệ sinh sạch sẽ dễ nhiễm các bệnh khác. Như vậy, tắm trẻ như thế nào để trẻ luôn sạch sẽ, vừa không lo cảm lạnh?
– Tắm bằng nước ấm, trong phòng kín gió.
– Có thể cho vài hạt muối trắng để tăng tính sát khuẩn hoặc tinh dầu (giúp thông mũi).
– Tắm nhanh cho con trong 5-10 phút.
– Lau khô thật kỹ cho con sau khi tắm xong.
Các mẹ chăm sóc đầy đủ những bước này có thể yên tâm con sẽ nhanh hết bệnh nhé.
Thắc mắc thường gặp khác của các mẹ là về uống thuốc. Mẹ nên cho con uống thuốc gì hay có nên uống kháng sinh? Mẹ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cho con sẽ có câu trả lời.
Nguyên Nhân Bé Bị Viêm Phế Quản
Bé bị viêm phế quản có 2 nguyên nhân chính.
Bệnh do vi khuẩn mẹ cho trẻ uống kháng sinh mới hết được. Trẻ phải uống đúng và đủ liều ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Cái này bác sĩ mới quyết định chính xác nên dùng thuốc gì, hàm lượng bao nhiêu mẹ nhé. Tuy nhiên, mẹ cũng không cần quá lo lắng đâu. Vì bệnh do vi khuẩn gây ra chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 1% thôi.
Bệnh do virus thì không cần dùng kháng sinh vì kháng sinh không tiêu diệt được virus. Mẹ điều trị triệu chứng và chăm sóc con theo hướng dẫn như trên. Con được chăm sóc chu đáo thì bệnh sẽ tự khỏi dần sau 7-10 ngày.
Ngoài ra,các bệnh viêm hô hấp trên nếu không chăm sóc kỹ cũng sẽ dẫn đến viêm phế quản. Môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá hay lông động vật, phấn hoa, hóa chất, v.v… cũng thúc đẩy trẻ viêm phế quản.
Khi Nào Mẹ Cần Đưa Trẻ Đến Bệnh Viện
– Trẻ ho nhiều, cơn ho nặng, ho ra máu.
– Sốt cao trên 39°C, có dấu liệu lờ đờ, mệt mỏi, quấy khóc dữ dội.
– Thở nhanh, rút lõm lồng ngực (dấu hiệu viêm phổi).
– Kiệt sức.
– Mất nước nghiêm trọng: môi, lưỡi khô, không đi tiểu trong nhiều giờ.
– Thiếu oxy: da mặt, môi, móng tay chuyển xanh, tím tái.
Khi con có những dấu hiệu trên chứng tỏ bệnh chuyển nặng. Mẹ nhanh chóng đưa con đi khám để phòng tránh các biến chứng.
Bé bị viêm phế quản thở khò khè có thể tái phát nhiều lần nếu không giữ kỹ. Bệnh thậm chí chuyển sang mãn tính khiến trẻ rất khó chịu. Mẹ cũng đau đầu không kém đâu. Vì vậy, mẹ rút kinh nghiệm phòng tránh bệnh thật hiệu quả cho con nhé.
Phòng Tránh Viêm Phế Quản Cho Trẻ
Viêm phế quản sẽ không có cơ hội viếng thăm thiên thần của mẹ nếu phòng bệnh bằng cách:
– Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Mẹ duy trì thời gian bú mẹ càng lâu càng tốt.
– Mặc ấm cho trẻ khi thời tiết lạnh.
– Giữ môi trường sống luôn trong lành, thoáng khí, tránh bụi bẩn, ô nhiễm,…
– Hạn chế cho trẻ tiếp xúc khói thuốc lá, người đang bệnh về hô hấp.
– Tiêm phòng cúm hàng năm cho trẻ ngay từ 6 tháng tuổi.
– Đặc biệt, mẹ hạn chế tắm muộn cho con. Vào mùa đông, mẹ nên nhỏ vào nước tắm của con 1-2 giọt dầu tràm hoặc tinh chất gừng. Mẹ sẽ thấy hiệu quả tuyệt vời đó.
Kết Luận
Hy vọng các mẹ đều đã tìm thấy câu trả lời cho mình qua bài viết này. Khi tìm hiểu về các bệnh đường hô hấp, mẹ chắc hẳn đã nhận ra chúng có nhiều điểm chung. Và hầu hết các trường hợp trẻ nhiễm bệnh đều có thể chăm sóc tại nhà. Để con được an toàn mẹ nhớ theo dõi liên tục để phát hiện sớm dấu hiệu nguy hiểm nhé.
Mẹ thấy đấy, trẻ bệnh đến bệnh viện có bác sĩ chăm. Trẻ ở nhà thì trông cậy 100% vào bác sĩ mẹ. Bởi vậy, mẹ thường xuyên cập nhật kiến thức về bệnh để chăm con ngày càng mát tay nhé. Nếu mẹ có thắc mắc hoặc băn khoăn gì thêm đừng ngại ngần nhắn tin cho mình và đội ngũ hỗ trợ! Mẹ Việt luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ mẹ nhiệt tình.
- 5 tháng mẹ dạy con chậm nói từ nói TỪ ĐƠN đến CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP - Tháng Tám 9, 2024
- Mẹ can thiệp chậm nói thành công cho 2 bé sinh đôi (chậm đơn thuần và rối loạn phổ tự kỷ) - Tháng Bảy 24, 2024
- 5 tháng mẹ can thiệp chậm nói cho con 7 tuổi tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Bảy 5, 2024
- 2 tháng mẹ học tự dạy con chậm nói nói cả câu: “Chúc ba mẹ ngủ ngon” - Tháng Sáu 3, 2024
- Mẹ sống ở Đức tự can thiệp chậm nói giúp con cải thiện vượt bậc - Tháng Sáu 3, 2024
- Sống ở nước ngoài, mẹ can thiệp chậm nói cho con tại nhà thành công - Tháng Năm 29, 2024
- Hành trình kỳ diệu 3 tháng mẹ vượt vũ môn giúp bé tự kỷ kịp vào lớp 1 - Tháng Ba 12, 2024
- Hành trình 3 tháng mẹ can thiệp con bập bẹ 10 từ đơn đến nói cả câu! - Tháng Ba 7, 2024
- Vượt ngoài mong đợi, mẹ dạy bé tự kỷ 1 tháng nói được 100 từ đôi - Tháng Một 16, 2024
- Biết ơn Cô Thuần Mẹ Việt cho mẹ niềm tin can thiệp thành công cho con - Tháng Chín 25, 2023
- Hành trình 5 tháng mẹ dạy con học nói từ chưa bật âm đến nói cả câu - Tháng Tám 27, 2023
- 10 tháng ròng can thiệp tại nhà thành công cho bé rối loạn phổ tự kỷ - Tháng Năm 30, 2023