Trong số các vấn đề về sức khỏe, câu hỏi các mẹ gửi cho mình nhiều nhất là về trẻ bị ho. Vì sao trẻ cứ bị ho dai dẳng? Khi trẻ ho mẹ nên làm gì để nhanh hết? Trường hợp nào là con ho bình thường, trường hợp nào là nguy hiểm? Mình sẽ trả lời tất cả các câu hỏi đó trong bài viết này. Đây sẽ là chìa khóa giúp mẹ giải quyết ngay vấn đề ho của con. Chúng ta cùng bắt đầu nào!
Mục Lục Bài Viết
Ho Do Viêm Đường Hô Hấp
Hỏi: Bé nhà em 33 tháng. 3 hôm nay bé ho nhiều, sổ mũi ít. Em cho con đi khám thì bác sĩ chẩn đoán viêm hô hấp trên. Nhưng uống thuốc không thấy bớt và vẫn ho nhiều hơn.
Đáp: Nếu là viêm hô hấp trên do virus gây ra thì bệnh có thể tự khỏi trong 7-10 ngày. Triệu chứng ho thường cần 2 tuần mới hết hẳn được. Do đó, mẹ bình tĩnh, cho con uống đủ thuốc theo bác sĩ kê đơn. Bên cạnh đó, Mẹ chú ý hút mũi/rửa mũi để tránh dịch mũi chảy xuống cổ họng gây ho. Mẹ chưng thêm tắc mật ong/húng chanh,… cho con uống để giảm ho. Sổ mũi sẽ giảm hẳn sau 3-4 ngày mẹ rửa mũi tích cực. Nếu con giảm ho, một ngày chỉ còn húng hắng vài lần là tốt, sắp khỏi bệnh. Trường hợp con ho ngày càng nhiều, khó thở, kèm sốt thì mẹ đưa con đi khám bác sĩ.
Hỏi: Bé nhà em được 2 tuổi. Bé bị ho nhiều, có đờm và chảy nước mũi, lúc đầu thì nước mũi trắng sau đó sang màu xanh xanh. Bé đã bị 10 ngày rồi. Em đã vệ sinh mũi thường xuyên mà không hết. Trước đó bé có sốt khoảng 4 ngày. Làm sao để con nhanh hết bây giờ ạ?
Đáp: Vệ sinh mũi thường xuyên mà không hết là vì dịch mũi của con nhiều. Dịch mũi nhiều chỉ nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý là không đủ. Mẹ tìm hiểu về cách rửa mũi/hút mũi cho con để làm sạch dịch mũi. Con ho có đờm, mẹ áp dụng vỗ rung long đờm, cho con uống nhiều nước để loãng đờm. Ở các thành phố lớn, mẹ có thể tìm dịch vụ vỗ rung long đờm cho con tại nhà. Các bài thuốc trị ho dân gian cũng rất tốt. Mẹ siêng dùng kết hợp cho con sẽ thấy hiệu quả. Nếu con sốt trở lại hay khó thở thì cần đi khám (đề phòng dấu hiệu bị viêm phổi).
Hỏi: Cháu nhà em được 2.5 tháng nặng 6.4kg. Mấy hôm nắng nóng 38 độ, con nhà em mũi hơi khụt khịt, kèm theo ho. Em cho cháu đi khám bác sĩ bảo cháu nhà em chưa bị viêm phế quản chỉ đang theo dõi bị viêm phế quản. Trong mũi có nhiều dịch. Bác sĩ bảo phải thường xuyên rửa mũi cho cháu. Vợ chồng em ngày rửa cho cháu 2 lần. Rửa xong em hút mũi cho cháu, 1 bên thì hút được, 1 bên thì bị tắc không thể nào hút được ra. Chị tư vấn cho em xem làm thế nào để 1 bên mũi tắc hút được và có cách nào để cho hết dịch ở trong mũi không ạ! Con em bị đến hôm nay là gần 10 ngày. Con vẫn bú mẹ bình thường, không sốt.
Đáp: Bên tắc mũi mẹ nên dùng chai xịt nước biển sâu dạng phun sương xịt vào cho loãng dịch. Trước khi rửa mũi, mẹ cho con nằm trên gối, xịt 2-3 lần mỗi bên rồi nghỉ. Đợi khoảng 1-2 phút xịt lại lần nữa, nếu cần có thể thực hiện xịt thêm. Dịch mũi của con loãng ra rồi mới rửa mũi bên bị tắc. Mẹ phải làm sạch dịch mũi trước thì con mới hết ho được.
Khi Nào Trẻ Bị Ho Cần Uống Thuốc?
Hỏi: Con em được 10 tháng. Lúc trước bé bị ho, sổ mũi và sốt. Em có cho bé đi khám và uống thuốc thì hết sốt. Nhưng con vẫn còn ho và sổ mũi. Em có nên cho con uống thêm kháng sinh không ạ?
Đáp: Có nên cho con uống tiếp kháng sinh hay không phụ thuộc vào bệnh của con do virus hay vi khuẩn gây bệnh. Hôm trước khi khám, bác sĩ đã nói rõ với mẹ rồi phải không? Nếu là do vi khuẩn thì uống tiếp. Bệnh do virus thì có thể ngừng uống nếu đảm bảo chăm sóc tốt. Mẹ tự làm các bài thuốc trị ho hay cho con uống thuốc ho thảo dược. Sổ mũi thì chú ý làm sạch dịch mũi để tránh dịch mũi nhiều chảy xuống họng gây ho.
Hỏi: Con mình 6 tháng tuổi, đang bị ho khan, không sổ mũi, không sốt. Con vẫn bú sữa mẹ, chỉ mới tập ăn bột. Con có cần đi khám uống thuốc không?
Đáp: Con không sổ mũi, không sốt thì khả năng không phải là bị bệnh. Nếu con ho dữ dội, ho liên tục ngày càng nhiều, đỏ mặt khi ho,… có thể con hóc dị vật. Mẹ nên đưa con đến bệnh viện để khám kỹ càng. Con ho khan bình thường thì mẹ áp dụng các bài thuốc trị ho dân gian là được. Bé 6 tháng thì mẹ chưng với đường phèn, không dùng mật ong. Mẹ xem thêm các bài thuốc trị ho dân gian Tại Đây.
Hỏi: Con em 3.5 tháng, 5.8kg rồi, bị sổ mũi ít, mũi khô, bé ho nhiều và lúc ngủ thở nghe khò khè lắm. Con đã đi khám và được chẩn đoán viêm hô hấp trên. Kê thuốc uống cả tháng nay không hết bệnh. Em có nên cho con uống các bài thuốc dân gian không?
Đáp: Trường hợp bé chỉ mới 3.5 tháng tuổi còn rất nhỏ. Em nên tuân theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ. Nếu bác sĩ hiện tại không chữa hết, mẹ nên cho bé đến bệnh viện nhi khoa để khám. Bên cạnh đó, mẹ có thể cho con uống các bài thuốc dân gian như tắc chưng đường phèn. Mẹ nhớ không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi nhé.
Hỏi: Mấy hôm trước bé nhà em bị sốt, cho uống hạ sốt và chườm mát thì đỡ hơn. Cách đây 3 ngày cháu đã hết sốt nhưng lại ho nhiều, có đờm. Em đưa cháu đi khám bác sĩ kết luận là bị viêm họng và kê thuốc nhưng uống đã 2 ngày rồi mà cháu vẫn chưa khỏi. Cháu hay bị ho về đêm, ban ngày thỉnh thoảng cũng ho, tiếng ho nặng, có đờm. Bây giờ em nên làm như thế nào để con nhanh khỏi?
Đáp: Các bệnh về đường hô hấp sẽ không khỏi ngay được đâu mẹ nhé. Con bị viêm họng mẹ chú ý giữ ấm cổ khi con ngủ, khi đi ra ngoài, lúc trời lạnh. Mẹ chưng quất đường phèn/húng chanh/hẹ,… cho bé uống thêm, ngày 2-3 lần con sẽ giảm ho. Bé trên 1 tuổi có thể cho ngậm ít mật ong nuốt dần, ngày 2-3 lần. Buổi tối khi đi ngủ mẹ có thể massage và bôi dầu tràm cho con.
Nguyên Nhân Trẻ Thường Xuyên Bị Ho
Hỏi: Hệ hô hấp của con em từ khi sinh ra đã yếu hơn những bé khác. Trời lạnh hay đi ra ngoài không đeo khẩu trang cẩn thận là con bị tái phát bệnh ngay. Con rất hay bị “tắc” mũi, thở khò khè, nhất là ban đêm. Có cách nào giúp con cải thiện hệ hô hấp không ạ?
Đáp: Mẹ nên cho con đi khám chuyên khoa hô hấp để biết đường thở của con có vấn đề gì không? Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho con, nhất là tiêm cúm và phế cầu để tạo miễn dịch chủ động. Hướng dẫn con cách giữ gìn vệ sinh tai, mũi, họng, thường xuyên rửa sạch tay hàng ngày. Mẹ chú ý giữ ấm cho con vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Môi trường sống cần có không khí trong lành, tránh khói bụi, khói thuốc lá, lông động vật. Hệ hô hấp của con yếu như vậy thì mẹ nên chú ý dinh dưỡng hợp lý. Kết hợp massage hàng ngày để giúp con tăng cường sức đề kháng. Mẹ dành thời gian tìm hiểu thêm Ở Đây nhé!
Hỏi: Bé trai nhà mình được 11m15 ngày, nặng 9,3kg, cao 77cm, chưa mọc răng. Hơn 3 tháng nay bé bị sổ mũi, ho, đờm cứ tái đi tái lại nhiều lần. Hình như tháng nào bé cũng đi khám bệnh tới 2-3 lần. Uống thuốc thì hết rồi vài bữa lại bị bệnh tiếp. Mấy hôm nay bé lại bệnh sổ mũi, ho nhiều và có đờm nhiều, bé ăn và uống sữa hay ói ra. Có thuốc gì để uống cho bé hết đờm, hết bệnh đường hô hấp không chứ mình nản quá :((.
Đáp: Không có thuốc nào uống dứt đờm hẳn hay dứt bệnh đường hô hấp mà không bị tái lại đâu mẹ ạ. Con thường xuyên bị bệnh về đường hô hấp mẹ hãy kiểm tra lại môi trường sống gia đình mình. Không khí có trong lành không? Có khói thuốc lá, khói bụi, ô nhiễm, lông chó mèo,…không? Mẹ chú ý các bước giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi. Khi con vừa chớm dấu hiệu ho, sổ mũi, mẹ rửa mũi sạch, cho con uống siro ho (tự làm hay mua đều được mẹ nhé).
Các Trường Hợp Ho Khác
Hỏi: Cháu sốt nhẹ, ho từng cơn. Mỗi cơn ho là đỏ mặt, chảy nước mắt. Sau cơn ho, trẻ hít thở từng hơi dài nên nghe có những tiếng rít. Ðôi khi miệng trẻ có nhiều đờm dãi dính không nhổ ra được. Mỗi ngày trẻ có thể ho vài chục cơn, kéo dài từ 2 – 3 tuần rồi. Không biết cháu bị bệnh gì về đường hô hấp và làm sao để chữa trị?
Đáp: Theo những mô tả của mẹ thì bé có dấu hiệu ho gà điển hình. Bệnh này với trẻ nhỏ có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ khám điều trị sớm, tránh gặp nguy hiểm. Mẹ lưu ý cho con tiêm phòng đúng lịch nhé.
Hỏi: Bé nhà em được 1 tuổi, hay bị nôn trớ có nhiều đờm nhưng không ho. Em có mua thuốc cho con uống nhưng không khỏi. Có cách hay thuốc nào để trị khỏi giúp bé không ạ?
Đáp: Nếu trẻ có đờm sẽ ho hoặc thở khò khè. Bé của mẹ nôn trớ nhiều đờm nhưng không ho thì dịch nhầy con nôn ra không hẳn là đờm. Đó có thể là dịch dạ dày do con bị trào ngược dạ dày. Mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ xem có phải là trào ngược không để chữa đúng bệnh.
Những hướng dẫn này là “từ khóa” giúp mẹ giải quyết vấn đề ho của con. Còn về cách làm cụ thể, đi sâu vào chi tiết mình đã chia sẻ trong một series về ho ở trẻ em. Mẹ tìm hiểu các bài dưới đây nhé!
Bài 1: Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Có Đờm Và Sổ Mũi Và Bí Kíp “Thoát Nạn” Cho Mẹ
Bài 2: Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Phải Làm Sao? – Ý Nghĩa Tiếng Ho Của Trẻ
Bài 3: Cách Chữa Ho Đờm Cho Trẻ Sơ Sinh Và Những Sai Lầm Thường Gặp Của Mẹ
Bài 4: Chữa Ho Đờm Cho Trẻ Sơ Sinh Không Dùng Kháng Sinh
Bài 5: Cách Trị Ho Sổ Mũi Cho Trẻ Sơ Sinh Nhanh Chóng Và Hiệu Quả
Kết Luận
Triệu chứng ho phổ biến ở trẻ và thường kéo dài dai dẳng làm mẹ rất mệt mỏi. Để điều trị dứt điểm ho ở trẻ em các mẹ cần kiên trì thực hiện đúng cách. Nếu có thời gian hãy tự làm các loại siro ho dân gian, vừa hiệu quả, vừa an toàn. Mẹ quá bận có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược. Mẹ đừng ham các loại thuốc ho dùng hiệu quả ngay lập tức. Dù hiệu quả nhưng nếu có chứa corticoid thì phải rất thận trọng khi sử dụng cho con. Cuối cùng, nếu mẹ cần tư vấn thêm về trường hợp bé của mẹ. Hoặc chia sẻ kinh nghiệm trị ho bằng các bài thuốc tự làm, mẹ bình luận bên dưới Mình rất vui khi được hỗ trợ các mẹ. Chúc các bé yêu luôn khỏe mạnh, vui tươi nhé! ^^
- Hành trình 4 tháng mẹ dạy con tăng động giảm chú ý tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Mười Một 9, 2024
- Quả ngọt 9 tháng mẹ can thiệp cho con tăng động giảm chú ý học lớp 1 học tốt - Tháng Sáu 6, 2024
- Bài Test Sàng Lọc Tự Kỷ M-Chart-R (dành cho trẻ từ 16-30 tháng tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Mức Độ Tự Kỷ Của Trẻ CARS (dành cho trẻ trên 2 tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 25-30 tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 55-60 tháng - Tháng Năm 4, 2023