“Mẹ ơi, con sốt!” dường như đã thành chuyện thường ngày ở huyện của các mẹ nuôi con nhỏ. Nếu tập hợp lại đầy đủ, chắc cũng xuất bản được truyện “Nghìn lẻ một đêm SỐT”. Mình đã có giai đoạn ám ảnh với những đêm thức trắng, con sốt, lòng mẹ lửa cũng đốt. Tình cờ một lần, mình đọc về “fever phobia”. Đây là từ chỉ tình trạng cha mẹ lo lắng và phản ứng thái quá khi con sốt. Lạ nhỉ, tại sao lại là phản ứng “thái quá”? Chả nhẽ sốt ở trẻ em không cần phải lo lắng nhiều như vậy??? Hành trình tìm hiểu đã giúp mình ngộ ra nhiều về sốt, hạ sốt, chăm con sốt ở nhà an toàn. Series này mình sẽ chia sẻ những thông tin quan trọng mẹ cần biết về sốt.
Mở đầu series về sốt, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những vấn đề cơ bản gồm: trẻ em bao nhiêu độ là sốt? Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc? Cho đến các bệnh sốt thường gặp, cách chăm sóc và những dấu hiệu trẻ cần đến bệnh viện…
Mục Lục Bài Viết
Cơ Chế Sốt Ở Trẻ Em
Sốt Là Gì?
Sốt, hiểu đơn giản nhất là thân nhiệt con tăng hơn bình thường. Khi mẹ chạm tay vào trán, mẹ thấy con nóng.
Chi tiết hơn, thân nhiệt của chúng ta được kiểm soát bởi vùng hạ đồi của não. Thân nhiệt sẽ có sự dao động nhẹ: thấp vào buổi sáng và cao hơn một chút vào buổi tối. Trẻ vận động nhiều cũng tăng thân nhiệt. Vùng hạ đồi sẽ luôn luôn biết nhiệt độ phù hợp nhất cho trẻ và tự cân bằng.
Khi trẻ nhiễm khuẩn, vùng dưới đồi ngay lập tức tăng thân nhiệt làm trẻ bị sốt. Đây được xem là cách hệ miễn dịch đáp ứng với các tác nhân xâm nhập lạ. Và sốt chính là phản ứng tự vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Sốt Có Thực Sự Đáng Lo Không?
Điều gì xảy ra trong cơ thể khi trẻ sốt? Hệ miễn dịch hoạt động tích cực hơn nhằm tiêu diệt virus, vi khuẩn. Nhiệt độ cao tạo nên môi trường không thoải mái, ức chế sự phát triển của kẻ xâm nhập. Như vậy, rõ ràng sốt không phải là bệnh do các tác nhân lạ sinh ra. Sốt là phản ứng cơ thể tạo ra nhằm đối phó với những “vị khách không mời”. Vì thế, sốt CÓ LỢI cho cơ thể. Và mẹ không cần quá lo lắng khi con sốt nữa nhé!
Thực tế là, vai trò chống nhiễm khuẩn của sốt có làm trẻ khó chịu. Nhưng mẹ nên biết sốt cao không là yếu tố quyết định xem trẻ có cần được điều trị hay không. Nếu con sốt cao nhưng vẫn có thể chơi được dù hơi mệt tí có nghĩa là con vẫn ổn. Mẹ có thể yên tâm tự chăm sóc trẻ ở nhà. Tuy nhiên, mình phải theo dõi con liên tục các mẹ nhé! Mặc dù mẹ thường rất quan tâm đến tình trạng sốt cao hay sốt nhẹ. Nhưng mẹ cần biết:
- Sốt cũng là một triệu chứng bình thường như ho, sổ mũi, đau họng,…
- Sốt cao không tỷ lệ thuận với mức độ nặng của bệnh.
Thay vì sốt, mẹ hãy quan sát kỹ các dấu hiệu kèm theo. Triệu chứng khác, hành vi, vẻ ngoài của trẻ sẽ nói cho mẹ biết khi nào con cần gặp bác sĩ.
Trẻ Em Bao Nhiêu Độ Là Sốt?
Nhiều mẹ thắc mắc trẻ em bao nhiêu độ là sốt? Theo thống nhất chung, trẻ được coi là sốt khi có nhiệt độ đo được tại các vùng như sau:
- Trực tràng (hậu môn): 38°C
- Miệng: 37.5ºC
- Nách: 37.2ºC
- Nhiệt độ tai: 38ºC
Cách đo nhiệt độ phổ biến nhất vẫn là đo ở nách. Đối với trẻ em, nhiệt độ đáng tin cậy nhất là ở trực tràng, thường áp dụng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi. Đo nhiệt ở miệng chỉ áp dụng cho trẻ 4 tuổi trở lên. Nhiệt độ ống tai tuy cũng đáng tin cậy nhưng thường khó đo cho trẻ nhỏ.
Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc?
- Nếu trẻ sốt nhẹ: 37.2°C – 38.5°C (nhiệt độ đo ở nách), trẻ không cần uống thuốc hạ sốt. Mẹ chỉ cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, cho con uống nhiều nước.
- Nếu trẻ sốt cao: >38.5°C, lúc này con mới cần uống hạ sốt và thêm những biện pháp khác hỗ trợ hạ sốt nhanh.
Đọc Thêm: Cách Trị Sốt Cho Trẻ Sơ Sinh An Toàn Và Hiệu Quả
Khi đã biết trẻ em bao nhiêu độ là sốt, sốt nhẹ hay sốt cao, mẹ sẽ chọn được cách xử lý phù hợp. Tuy nhiên, sốt ở trẻ em có thể có biểu hiện sốt rõ ràng hoặc không rõ ràng. Nhất là với các bé nhỏ, cha mẹ thường khó phân biệt. Mẹ có thể dựa vào những biểu hiện khác để biết con có đang sốt hay không.
Những Biểu Hiện Chứng Tỏ Con Bị Sốt
Các mẹ có thể dựa vào những biểu hiện sau để nhận biết khi con sốt:
- Mặt, 2 bên má đỏ bừng hoặc hơi tái.
- Mắt của trẻ lờ đờ, có thể đỏ.
- Trẻ quấy khóc, ngủ nhiều, mệt mỏi.
- Nóng ở trán, bàn tay, bàn chân.
- Trẻ thở dốc, co giật.
Những biểu hiện này có thể quan sát bằng mắt hay cảm nhận bằng tiếp xúc. Tuy nhiên, để đảm bảo chính xác, mẹ nên dùng nhiệt kế để đo cho trẻ nhé.
Nguyên Nhân Trẻ Bị Sốt
Có nhiều nguyên nhân gây ra sốt ở trẻ em. Một số nguyên nhân phổ biến mẹ thường gặp gồm:
Nhiễm trùng: trẻ bị nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn hay virus. Trẻ thường sốt cao và có nguy cơ bị biến chứng nguy hiểm. Các bệnh thường gặp như sốt siêu vi, sốt phát ban, sốt virus, sởi, thủy đậu, viêm màng não,…
Chích ngừa: trẻ đi chích ngừa về có thể bị sốt, là tín hiệu tốt chứng tỏ cơ thể đang đáp ứng với vắc xin.
Mọc răng: những thay đổi mạnh mẽ bên trong khi trẻ mọc răng có thể làm cho trẻ sốt. Tuy nhiên, các trường hợp này thường không sốt cao, không nguy hiểm.
Ủ kỹ: sợ con bị lạnh, một số mẹ quấn trẻ kỹ, hay quấn bằng khăn có chất liệu nylon không thấm hút mồ hôi, luôn đội mũ cho trẻ ấm thóp. Những hành động này có thể làm trẻ bị sốt nhẹ do không thoát nhiệt được. Nếu trẻ sốt cao chắc chắn không phải do ủ quá kỹ. Mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để xác định nguyên nhân chính. Và mẹ cũng đừng quên nới lỏng, mặc quần áo thoáng mát để trẻ dễ chịu nhé.
Những Bệnh Liên Quan Về Sốt Ở Trẻ Em
Thông thường, khi sức đề kháng của trẻ tốt, những cơn sốt thường qua nhanh. Trẻ chỉ cần nghỉ ngơi, ngủ một giấc dài sẽ khỏe lại. Bên cạnh đó, khi thời tiết chuyển mùa hay sức đề kháng trẻ suy yếu, trẻ dễ bị nhiễm bệnh và sốt kéo dài. Những bệnh sốt dài ngày trẻ hay gặp đó là:
Sốt Siêu Vi
Sốt siêu vi là tình trạng trẻ bị nhiễm virus, thường đặc trưng sốt cao không liên tục. Bệnh có thể kèm những triệu chứng khác như viêm họng, đau khắp cả người, đau đầu, nổi mề đay, tiêu chảy,…
Sốt siêu vi rất dễ lây lan trong cộng đồng, nhất là ở nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung trẻ em với hệ miễn dịch còn non yếu. Khi trẻ bị bệnh ho, hắt hơi, ngáp, nói chuyện có thể vô tình làm lây lan virus có trong nước bọt, dịch tiết cho người khác.
Sốt siêu vi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bác sĩ chủ yếu điều trị triệu chứng, giảm sốt cho trẻ và đợi trẻ dần khỏe lại.
Chi tiết: Sốt Siêu Vi Ở Trẻ – Thông tin từ A-Z
Sốt Phát Ban
Sốt phát ban cũng là một bệnh do virus gây ra, dễ nhận biết với những triệu chứng sốt cao, kèm phát ban đỏ trên da, ngứa ngáy, mệt mỏi. Đây là bệnh lành tính, nếu được chăm sóc tốt, sau 5-7 ngày sẽ tự khỏi.
Sốt phát ban có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp cơ thể hoặc dùng chung vật dụng sinh hoạt.
Sởi và Rubella cũng có cùng dấu hiệu sốt và phát ban nhưng có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Chúng ta có thể phân biệt sởi, Rubella với sốt phát ban thông thường theo vị trí phát ban.
Các mẹ có thể tìm hiểu kỹ về sốt phát ban và cách chăm sóc tại đây: Sốt Phát Ban Ở Trẻ – Hiểu Đúng, Chăm Sóc Hiệu Quả
Sốt Xuất Huyết
Sốt xuất huyết cũng là một bệnh nguy hiểm hay xảy ra ở trẻ em. Muỗi vằn đóng vai trò trung gian truyền virus từ người bệnh sang người khỏe. Trẻ bị sốt xuất huyết thường sốt rất cao, khó hạ và dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi (sốt cao) và sốt phát ban (các nốt xuất huyết).
Trẻ sốt xuất huyết nhẹ, ngoài sốt, kèm theo đau cơ, đau khớp. Các mẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Đối với bệnh nặng, có nguy cơ biến chứng cao như xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột, có thể tử vong.
Chi tiết: Bệnh Sốt Xuất Huyết Ở Trẻ – Những Thông Tin Quan Trọng Mẹ Cần Biết
Điểm chung ở các bệnh trên phần lớn do virus gây ra, hiện nay y học vẫn chưa có thuốc chữa trị. Điều trị cho trẻ quan trọng mẹ biết trẻ em bao nhiêu độ là sốt, trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc hạ sốt, cách chăm sóc trẻ chu đáo và theo dõi các biến chứng.
Tham khảo thêm: Uống Thuốc Hạ Sốt Bao Lâu Thì Có Tác Dụng?
Lưu Ý Khi Chăm Sóc Trẻ Bị Sốt
Dấu Hiệu Trẻ Sốt Không Nguy Hiểm
- Dẫu biết rằng mẹ rất sốt ruột khi trẻ sốt cao nhưng sốt không nguy hiểm nếu có những biểu hiện sau đây:
- Trẻ vẫn chơi được.
- Ăn uống được (có thể ăn ít hơn ngày thường nhưng vẫn ăn uống được).
- Trạng thái tỉnh táo, lanh lợi, có thể mỉm cười với mẹ.
- Có màu da bình thường.
- Tình trạng trẻ tốt lên khi sốt bắt đầu hạ.
Hầu hết những trường hợp sốt thông thường của trẻ đều có thể chăm sóc tại nhà theo những nguyên tắc cơ bản.
Nguyên Tắc Chăm Sóc Trẻ Sốt
- Một chế độ chăm sóc trẻ tốt không những giúp trẻ chóng khỏe lại mà còn giúp phòng ngừa trẻ sốt đi sốt lại nhiều lần.
- Hạ sốt cho trẻ: nếu trẻ chỉ sốt nhẹ mẹ không cần can thiệp. Nhưng nếu trẻ sốt cao trên 39°C, quấy khóc có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm, mẹ nên cho trẻ uống hạ sốt.
Xem chi tiết: Trẻ Sốt 39 Độ Phải Làm Gì Để Không Gặp Nguy Hiểm?
- Bên cạnh đó, mẹ khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giúp mau hạ nhiệt. Mẹ có thể áp dụng các biện pháp lau mát, tắm mát hay chườm ấm cho trẻ để giảm thân nhiệt nhanh.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, nhanh phục hồi.
- Tuy hầu hết các trường hợp sốt có thể chăm sóc ở nhà nhưng mẹ đừng chủ quan nhé. Vì sốt cao hay sốt nhẹ không phản ánh chính xác tình trạng bệnh. Có lúc trẻ chỉ sốt nhẹ nhưng lại có những dấu hiệu bất thường. Vậy nên mẹ cần theo dõi thật kỹ những biểu hiện của con. Nếu trẻ sốt cao, mẹ đã cho trẻ uống hạ sốt nhưng vẫn không hạ, mẹ có thể xem thêm một số cách hạ sốt nhanh khác.
- Hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, thường dễ bị vi khuẩn, virus tấn công. Trong nhiều trường hợp nguyên nhân gây bệnh không nguy hiểm, cơ thể trẻ sẽ tự “chiến đấu” và nhanh khỏi bệnh. Con thường xuyên bị sốt nhiều lần, trong ngày hay dài ngày thì đó là dấu hiệu mẹ không thể bỏ qua.
Tham khảo: Trẻ Sốt Đi Sốt Lại Nhiều Lần, Mẹ Nên Chú Ý
Dấu Hiệu Cần Đưa Trẻ Đến Bệnh Viện
- Để đảm bảo an toàn cho con, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện trong những trường hợp sau:
- Bé sơ sinh <3 tháng, sốt từ 38°C trở lên, dù con tươi tỉnh, mẹ vẫn nên đưa con đi khám.
- Trẻ từ 3-5 tháng tuổi, sốt 38°C trở lên và kéo dài trên 3 ngày.
- Trẻ >6 tháng tuổi, sốt khoảng 39°C trở lên.
- Ngoài ra, khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường khác, mẹ hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được chăm sóc kịp thời nhé.
Kết Luận
Khi con sốt, tâm lý của mẹ lúc nào cũng mong đưa trẻ đến bệnh viện điều trị cho đảm bảo. Bệnh viện tuy là nơi đáng tin cậy để chữa trị với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, máy móc hiện đại. Nhưng mẹ biết đấy, bệnh viện cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo do nhiều mầm bệnh. Vì vậy, chỉ cần mẹ hiểu rõ về sốt thì lựa chọn chăm sóc trẻ tại nhà vẫn tốt hơn. Từ kinh nghiệm thực tế kết hợp với kiến thức y khoa, mình đã tổng hợp ngắn gọn và tương đối đầy đủ những điều mẹ cần biết trong series này. Hy vọng, sau bài viết, các mẹ sẽ tự tin và yên tâm chăm sóc khi trẻ sốt.
Nuôi con là một hành trình gian nan mà chỉ những bà mẹ bỉm sữa mới tỏ được nỗi lòng nhau. Hãy cùng tham gia cộng đồng Mẹ Việt VIP để có thêm những người bạn tâm tình, đồng hành trong cuộc sống mẹ nhé!
- 5 tháng mẹ dạy con chậm nói từ nói TỪ ĐƠN đến CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP - Tháng Tám 9, 2024
- Mẹ can thiệp chậm nói thành công cho 2 bé sinh đôi (chậm đơn thuần và rối loạn phổ tự kỷ) - Tháng Bảy 24, 2024
- 5 tháng mẹ can thiệp chậm nói cho con 7 tuổi tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Bảy 5, 2024
- 2 tháng mẹ học tự dạy con chậm nói nói cả câu: “Chúc ba mẹ ngủ ngon” - Tháng Sáu 3, 2024
- Mẹ sống ở Đức tự can thiệp chậm nói giúp con cải thiện vượt bậc - Tháng Sáu 3, 2024
- Sống ở nước ngoài, mẹ can thiệp chậm nói cho con tại nhà thành công - Tháng Năm 29, 2024
- Hành trình kỳ diệu 3 tháng mẹ vượt vũ môn giúp bé tự kỷ kịp vào lớp 1 - Tháng Ba 12, 2024
- Hành trình 3 tháng mẹ can thiệp con bập bẹ 10 từ đơn đến nói cả câu! - Tháng Ba 7, 2024
- Vượt ngoài mong đợi, mẹ dạy bé tự kỷ 1 tháng nói được 100 từ đôi - Tháng Một 16, 2024
- Biết ơn Cô Thuần Mẹ Việt cho mẹ niềm tin can thiệp thành công cho con - Tháng Chín 25, 2023
- Hành trình 5 tháng mẹ dạy con học nói từ chưa bật âm đến nói cả câu - Tháng Tám 27, 2023
- 10 tháng ròng can thiệp tại nhà thành công cho bé rối loạn phổ tự kỷ - Tháng Năm 30, 2023