Các bệnh viêm đường hô hấp trên hay còn gọi là bệnh về tai-mũi-họng thường khiến mẹ đau đầu. Những thắc mắc các mẹ gửi về cho Mẹ Việt thường xoay quanh chủ đề như: nên cho con uống thuốc gì, chăm sóc ra sao, bệnh có nguy hiểm không. Bài viết này mình sẽ giải đáp câu hỏi liên quan đến các bệnh viêm đường hô hấp trên. Mời các mẹ cùng xem và chăm sóc tốt cho con nhé!
Mục Lục Bài Viết
Viêm Họng, Ho
Hỏi: Cho em hỏi bé nhà em được 4 tháng. Qua nay bé ho với sổ mũi, bà ngoại mua thuốc với siro ho pha lại cho bé uống. Không pha thêm nước nóng có đúng ko ạ?
Đáp: Bé ho với sổ mũi có kèm sốt không mẹ? Mẹ theo dõi con thêm nhé. Nếu không sốt thì mẹ chủ yếu rửa mũi bằng nước muối sinh lý, cho con uống siro ho thảo dược. Về việc pha thuốc cho con uống mẹ có thể pha thêm một ít nước ấm đun sôi để nguội. Như vậy thuốc dễ hoà tan và con dễ uống hơn.
Hỏi: Con em 19m, đã ho 2 tuần. Ho nhưng không nhiều, không sốt, không chảy nước mũi nhiều, thỉnh thoảng có hắt xì. Em cho uống thuốc ho kết hợp xịt mũi. Nhưng hiện tại vẫn ho 3, 4 lần/ngày, ho có đờm. Em đưa đi khám thì bác sĩ chẩn đoán viêm họng, viêm phế quản, ho có đờm. Bác sĩ cho uống cefpodoxim, salmodil expectorant sp.100ml, calcium lactate. Em đang băn khoăn không biết uống theo đơn bác sĩ hay sử dụng cách tự nhiên như chưng tỏi đường phèn/hành tây đường phèn cho bé xem sao. Chị cho em lời khuyên.
Đáp: Một đợt viêm đường hô hấp kéo dài từ 10 đến 14 ngày. Triệu chứng kéo dài quá hai tuần nếu là do một đợt bệnh chưa dứt thì cần điều trị kháng sinh. Vì khả năng là do vi khuẩn gây ra. Nếu bé hết bệnh xong bị bệnh lại (nhiễm hai đợt liên tiếp nhau), mẹ chăm sóc thêm. Con chưa cần uống thuốc. Mẹ áp dụng các bài thuốc chưng đường phèn hàng ngày cho con cũng rất tốt.
Hỏi: Con gái em 2 tuổi rưỡi, mấy tháng trở lại đây thường xuyên bị khò khè. Bác sĩ khám bảo bé bị viêm họng cấp và kê thuốc cho uống. Bé mới uống 1 ngày thì đờm mũi nhiều hơn và đặc hơn, bé hay quấy khóc hơn. Em vẫn nhỏ nước muối sinh lí cho bé mà không thấy đỡ. Làm sao cho bé nhanh hết bệnh đây ạ?
Đáp: Mẹ xem đờm mũi của con có màu trắng đục, hôi tanh không? Nếu có mẹ nên đưa con đi tái khám và tuân theo đơn thuốc của bác sĩ. Nếu dịch mũi con màu xanh/vàng, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý chưa đủ. Mẹ nên hút dịch mũi, tốt hơn nữa là rửa mũi cho con ngày 3 lần để con nhanh hết. Viêm họng mẹ chú ý giữ ấm cổ, cho con ngậm mật ong nuốt từ từ để làm dịu cổ họng. Cách chăm sóc mình chia sẻ trong bài này. Mẹ tham khảo để làm tốt khâu chăm sóc con sẽ nhanh hết bệnh.
Hỏi: Bé nhà em nay được 10 tháng 8 ngày, 10 ngày trước bé bị ho, khò khè có sốt. Em có đưa bé đi khám bác sĩ bảo cổ họng sưng đỏ có cho thuốc về uống. 3 ngày hết thuốc là đi khám lại. Uống 9 ngày thuốc con cũng đỡ nhưng 2 ngày sau bé sổ mũi, mũi chảy nhiều, hắt xì liên tục. Nước mũi màu vàng xanh xanh, đặc đi khám bác sĩ bảo viêm mũi (con đã hết ho). Uống hết thuốc viêm mũi con lại ho, ho càng ngày càng nhiều với khò khè, có đờm. Em chưng quất đường phèn cho bé uống thấy đỡ ho nhưng đờm vẫn nhiều quá. Nhìn con khó thở tội nghiệp quá! Có cách nào cho con em dứt điểm mấy chứng này không?
Đáp: Con có dấu hiệu viêm đường hô hấp nhưng hay tái phát nhiều lần. Mẹ cho con uống thuốc của bác sĩ kết hợp rửa mũi/hút mũi ngày 2-3 lần cho sạch. Mẹ cho con uống nhiều nước. Nếu chỗ mẹ có bác sĩ chuyên vỗ rung đờm cho bé thì nên đưa con đi vỗ sẽ nhanh hết.
Hỏi: Mình có đọc thông tin bệnh viêm đường hô hấp do virus thì không cần uống kháng sinh. Do vi khuẩn gây ra thì phải uống kháng sinh mới hết. Nhưng cho mình hỏi làm sao biết con bị nhiễm bệnh do siêu vi hay vi khuẩn vậy?
Đáp: Chăm sóc tại nhà mẹ có thể dựa vào một số dấu hiệu để sàng lọc ban đầu. Các trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn có triệu chứng sau:
- Con sốt từ từ tăng dần, quá 3 ngày vẫn sốt cao không dứt. Uống thuốc hạ sốt vẫn không hạ.
- Chảy nước mũi từ trong tới đục, mùi hôi, tanh. Ho nhiều, không có dấu hiệu thuyên giảm sau 1 tuần.
- Đau đầu, đặc biệt là các bé hay bị viêm xoang, cảm giác nặng đầu.
- Nhìn con phờ phạc, tái tái, môi khô, lưỡi trắng, em bé quấy kể cả lúc sốt nhẹ. Con không muốn chơi.
- Các dấu hiệu bệnh kéo dài hơn 10 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm.
Để kết luận chính xác con bị nhiễm siêu vi hay vi khuẩn, mẹ làm xét nghiệm ở bệnh viện nha. Trẻ viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn thì cần điều trị kháng sinh.
Hỏi: Bé nhà em từ khi bị sốt viêm họng đến nay được 2 tuần. Ngày đầu chỉ sốt hầm hầm bé đi cầu phân sệt, 1 lần/ngày. Ngày thứ 2 bé uống thuốc viêm họng do bác sĩ kê thì ngày đi 2 lần phân hơi lỏng. Bé uống 1 tuần thì đi 2 lần, hết thuốc bé đi 1 lần trong ngày, phân sệt như bột em bé. Bé bị như vậy có nguy hiểm không ạ, là do đâu mới bị như vậy ạ?
Đáp: Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh có thể làm trẻ đi phân lỏng. Trường hợp bé nhà bạn đi 2 lần/ngày là tiêu lỏng nhẹ. Mẹ bổ sung cho con nước điện giải (oresol), nước lọc, nước canh,… để tránh con đi ngoài mất nước. Có thể cho uống thêm men ống vi sinh Enterogermina 1-2 lần/ngày để hỗ trợ đường tiêu hóa. Sau ngưng thuốc con đi như vậy chứng tỏ đang phục hồi, không nguy hiểm nhé!
Viêm Mũi, Sổ Mũi
Hỏi: Giúp em với. Con em đi học nhà trẻ 3 tháng là bệnh đủ 3 tháng. Cho con đi khám bác sĩ lần nào cũng là con bị viêm hô hấp trên. Bác sĩ cho uống thuốc 1 tuần hết, đi học lại được 1 tuần bị bệnh tiếp. Có cách nào trị dứt điểm bệnh này không? Chứ con bệnh hoài, sụt cân, uống thuốc nhiều em sợ không lớn nổi. Con em 17 tháng tuổi.
Đáp: Trường hợp bé nhà em có thể là viêm hô hấp trên do virus gây ra. Bé bị nhiễm virus thì sẽ tự hết sau 7-10 ngày, không cần uống thuốc. Em chỉ cho uống hạ sốt khi sốt cao là đủ. Về phòng bệnh, em cho bé uống nhiều nước, đảm bảo ăn đủ chất dinh dưỡng, vitamin C để tăng sức đề kháng. Trên đường bé đi học nên đeo khẩu trang kín. Bé sau khi về nhà nhanh chóng rửa tay sạch bằng xà phòng để loại bỏ virus ở trường.
Hỏi: Bé nhà em 20 tháng tuổi. Mấy ngày trời lạnh con sốt 38.5 độ, sổ mũi, nước mũi trong. Em có xịt nước biển sâu cho bé rồi hút mũi. Ngày thứ 3 trở đi, nước mũi bắt đầu đặc lại, có màu xanh. Có phải con em bị bội nhiễm rồi không, có nguy hiểm không? Em phải làm sao?
Đáp: Bé của bạn có dấu hiệu viêm đường hô hấp trên do siêu vi gây ra. Từ ngày thứ 3, nước mũi con chuyển sang màu xanh, màu vàng là bình thường, không nguy hiểm. Mẹ vệ sinh mũi con sạch từ 1-2 lần/ngày bằng nước muối sinh lý. Nếu có thể, mẹ rửa mũi cho con sẽ nhanh hết hơn. Mẹ chăm sóc tốt sau 7-10 ngày con hết bệnh.
Hỏi: Bé trai mình 33 tháng. Có 1 hoặc 2 lần bé bị chảy mũi có lẫn máu đen đen, đỏ đỏ. Mình cho bé đi khám ở bệnh viện thì chẩn đoán là Viêm mũi họng cấp. Cách nay 1 tháng, có 1 lần khoảng 4h sáng, trong lúc đang ngủ bé bị chảy máu cam hơi nhiều. Mình đã chườm đá cầm máu cho bé. Từ đó đến nay bé vẫn bình thường. Sáng nay sau khi xịt mũi cho bé mình lại thấy máu đen đen, đỏ đỏ. Cho mình hỏi: bé bị bệnh gì, có nguy hiểm ko ạ? Nếu đi khám mình nên cho bé khám khoa nào?
Đáp: Trong số các nguyên nhân, chảy máu mũi không rõ nguyên nhân thường chiếm 90% và hoàn toàn lành tính. Các nguyên nhân ít gặp khác như dị vật trong mũi, viêm V.A mũi, bệnh lý huyết học. Trường hợp của bé chưa rõ nguyên nhân cần theo dõi thêm. Mẹ lo lắng có thể cho con đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Tai-mũi-họng. Bác sĩ sẽ khám, tiến hành khảo sát cấu trúc mũi để chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị.
Hỏi: Con mình 6 tháng tuổi bị sốt nhẹ hắt hơi, sổ mũi, ho,… Vậy phải điều trị như thế nào ạ?
Đáp: Con có dấu hiệu bệnh viêm đường hô hấp trên. Con mới chớm bệnh mẹ rửa mũi/hút mũi ngày 2-3 lần/ngày bằng nước muối sinh lý. Kết hợp các bài thuốc như tắc chưng đường phèn/lá hẹ đường phèn (không dùng mật ong),… để trị ho. Con sốt 38,5 độ C thì cho con uống thuốc hạ sốt. Mẹ chú ý giữ ấm cho con. Sau 5 ngày các triệu chứng không thuyên giảm thì đưa con đi khám.
Viêm Tai Giữa
Hỏi: Con mình 16 tháng tuổi. Con vừa dứt đợt ho, sổ mũi kéo dài 2 tuần. 2-3 ngày nay mình thấy con lười ăn, biếng bú, khi nằm chỉ nghiêng đầu về 1 bên. Mình thử chạm vào nhưng con không cho và quấy khóc rất to. Con hay đưa tay lên bịt tai lại. Có phải là con mình bị viêm tai giữa không?
Đáp: Theo các dấu hiệu mẹ mô tả thì khả năng con bị viêm tai giữa. Mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ để điều trị sớm. Tránh cho bệnh làm con đau, trở thành viêm tai giữa mạn tính hay ảnh hưởng đến thính lực.
Hỏi: Hồi con tôi khoảng 3 tháng tuổi. Trong lúc tắm vệ sinh tai cho con, tôi có phát hiện tai của con có mùi hôi. Tôi đã thường xuyên vệ sinh và thấy cháu đã hết mùi . Đến nay, con tôi đã được 20 tháng thì tôi lại phát hiện cháu có mùi hôi. Tôi cho cháu đi khám bác sĩ thì được cho biết cháu bị viêm ống tai. Bác sĩ đã lấy hết những mủ ở trong tai. Bây giờ tai con tôi không còn mùi hôi nữa. Nhưng cháu thỉnh thoảng vẫn chảy một ít nước màu vàng nhạt nhưng lại trông đặc như lòng trắng trứng gà, không có mùi. Xin hỏi đấy có phải là mủ không? Hiện cháu đang ở trong tình trạng bệnh như thế nào? Cách chữa trị và phòng ngừa sau này?
Đáp: Dịch nước chảy ra từ tai cho thấy có thể con bị viêm tai giữa nhưng chưa xử lý triệt để. Con chỉ hơn khó chịu nhưng không đến mức quấy khóc. Tuy nhiên, về lâu dài tình trạng này ảnh hưởng khả năng nghe của con. Vì vậy, mẹ nên đưa con đến bác sĩ thăm khám và điều trị dứt điểm.
Bệnh viêm đường hô hấp trên thường xảy ra và kéo dài dai dẳng. Vì vậy, mẹ cần hiểu rõ về bệnh để chăm sóc tốt cho con nhanh khỏi. Mẹ đọc những bài viết dưới đây để biết cách nhận biết và chăm sóc khi con bị bệnh về tai-mũi-họng nhé!
Bài 1: Bách Khoa Toàn Thư Về Bệnh Đường Hô Hấp Ở Trẻ Em
Bài 2: Hiểu Về Viêm Đường Hô Hấp Trên Ở Trẻ Sơ Sinh Và Trẻ Nhỏ
Bài 3: Trẻ Sơ Sinh Bị Nghẹt Mũi Và Ho – Cách Mẹ Thong Thả Xử Lý
Bài 4: Cách Trị Nghẹt Mũi Ở Trẻ Sơ Sinh – Mẹo Hay Không Dùng Thuốc
Bài 5: Trẻ Bị Viêm Họng Sốt Cao Mẹ Nên Làm Gì?
Bài 6: Trẻ Sốt Viêm Họng Kéo Dài Bao Lâu Thì Khỏi?
Kết Luận
Các bệnh viêm đường hô hấp thường xảy ra ở các trẻ trong giai đoạn từ 1-3 tuổi. Nhất là đối với những bé mới đi nhà trẻ. Các mẹ thường ngán ngẩm bởi bệnh hay tái đi tái lại nhiều lần. Vì vậy, mẹ hãy đọc kỹ các bài viết để hiểu rõ về bệnh và thực hiện phòng bệnh tốt cho bé. Nếu mẹ vẫn còn thắc mắc, hãy để lại bình luận phía dưới để mình hỗ trợ kịp thời nhé!
- Hành trình 4 tháng mẹ dạy con tăng động giảm chú ý tại nhà, tiến bộ vượt bậc - Tháng Mười Một 9, 2024
- Quả ngọt 9 tháng mẹ can thiệp cho con tăng động giảm chú ý học lớp 1 học tốt - Tháng Sáu 6, 2024
- Bài Test Sàng Lọc Tự Kỷ M-Chart-R (dành cho trẻ từ 16-30 tháng tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Mức Độ Tự Kỷ Của Trẻ CARS (dành cho trẻ trên 2 tuổi) - Tháng Năm 17, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 25-30 tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 12-18 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 37-42 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Vận Động Của Trẻ 61-72 Tháng - Tháng Năm 4, 2023
- Bài Test Đánh Giá Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Nhận Thức Của Trẻ 55-60 tháng - Tháng Năm 4, 2023